Thứ Ba, Tháng Tư 16, 2024

Nông dân học làm nông nghiệp công nghệ cao

Thái Ngọc

TPHCM chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị để tăng chất lượng, giá trị sản phẩm, từ đó tăng thu nhập cho lao động gắn với nông nghiệp. Nhằm bắt kịp xu hướng đó, nhiều nông dân đã tìm học các lớp nông nghiệp công nghệ cao để chuyển đổi cách làm.

Nhận thấy nghề trồng lan mang lại thu nhập khá, gia đình chị Trần Thị Mỹ Hạnh, ấp 3, xã Quy Đức, huyện Bình Chánh, TPHCM đã chuyển 2.500 m2 đất làm lúa sang trồng lan. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, thiếu kiến thức nên vườn lan của gia đình chị còi cọc, chậm phát triển. Thông qua Hội nông dân xã, chị đăng ký tham gia các lớp sơ cấp về nghề trồng lan do Hội nông dân thành phố tổ chức. “Ngoài kiến thức từ sách vở, tham gia các lớp học mình còn được học hỏi thực tế tại các nhà vườn khác, từ đó rút tỉa được nhiều kinh nghiệm để áp dụng cho vườn lan nhà mình. Điều thú vị nữa là các lớp học này không chỉ cung cấp kiến thức về trồng lan, mà cả cách tiêu thụ lan”, chị Hạnh cho biết. Được biết, sau ba năm chuyển đổi cây trồng, gia đình chị có được thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng từ cây lan mokara và đen rô.

Nhu cầu cao

Ngày càng có nhiều nông dân gắn với nghề trồng lan nhờ có thu nhập cao. Ảnh: Thành Hoa
Ngày càng có nhiều nông dân gắn với nghề trồng lan nhờ có thu nhập cao. Ảnh: Thành Hoa

Thấy được hiệu quả của các lớp học nghề thực tế này, ngày càng nhiều nông dân tại các phường, xã của các quận, huyện còn hoạt động sản xuất nông nghiệp đã đăng ký tham gia các lớp học. Ông Nguyễn Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm dạy nghề nông dân, thuộc Hội nông dân TPHCM, cho biết nhu cầu học nghề nông nghiệp theo hướng sản xuất công nghệ cao của nông dân hiện nay và cả thời gian tới là rất cao.

Theo ông Chủ, trong năm 2015 số lượng nông dân đăng ký học nghề nông nghiệp công nghệ cao đã lên đến 120 lớp. Tuy nhiên, khả năng của trung tâm và kinh phí được thành phố cấp chỉ có thể đào tạo được hơn 40 lớp. Từ đầu năm đến nay, Hội nông dân mới mở được chín lớp và dự diến trong tháng 5 này sẽ mở thêm 10 lớp mới. Các lớp đào tạo này tập trung vào các ngành trồng lan, cây cảnh, cá cảnh, sản xuất rau sạch, rau an toàn, nuôi bò sữa… “Chúng tôi đào tạo theo nhu cầu thực tế của nông dân. Không dạy và học tràn lan theo kiểu cái gì cũng biết một chút nhưng không chuyên sâu được thứ gì cả”, ông Chủ nói. Mỗi khóa học kéo dài 3-6 tháng và thường được tổ chức ngay tại phường, xã nơi nông dân cư trú và sản xuất. Mỗi lớp tối đa là 35 học viên để đảm bảo hiệu quả trong việc truyền đạt kiến thức và trao đổi kinh nghiệm thực tế.

Học để làm?

Trong năm năm qua, Hội nông dân TPHCM đã mở được 269 lớp sơ cấp nghề cho nông dân tại các phường, xã và đã có hơn 7.000 chứng chỉ được cấp cho nông dân. Ông Chủ chia sẻ, thống kê cho thấy trên 70% người được đào tạo sau đó có việc làm, mở rộng được sản xuất hoặc tăng thêm được thu nhập.

Anh Lại Phước Lợi, phường 6, quận Gò Vấp vốn là một thợ cơ khí, nhưng sau khi tham gia các lớp học trồng lan anh chuyển hẳn qua nghề này. Anh cho biết: “Kiến thức thu thập được từ các lớp học này rất bổ ích. Các thầy hướng dẫn là người có kinh nghiệm, kiến thức và truyền đạt rất tận tình, chu đáo. Trồng lan mà không có người chỉ dẫn chu đáo thì rất khó thành công”. Hiện nay ngoài trồng lan, anh Lợi còn nuôi cấy mô cung cấp giống cho các nhà vườn.

Việc đào tạo nghề cho nông dân thời gian qua do Hội nông dân thành phố đảm nhận. Tuy nhiên như ông Chủ nói, không thể đáp ứng được nhu cầu ngày một tăng cao của nông dân. Đầu tháng 2 vừa qua, UNBD TPHCM đã quyết định thành lập Trung tâm dạy nghề nông nghiệp công nghệ cao trực thuộc Ban quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao thành phố. Trung tâm có nhiệm vụ tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp công nghệ cao ở trình độ sơ cấp nghề. Hiện trung tâm này đang có kế hoạch hợp tác với một đối tác Nhật Bản về đào tạo nông nghiệp công nghệ cao. Các học viên xuất sắc sẽ có cơ hội đi thực tập, tu nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở Nhật Bản.

Nông dân thích hợp với các lớp sơ cấp

Ông Lê Ngọc Đức, Giám đốc Trung tâm dạy nghề nông nghiệp công nghệ cao, cho biết dự tính trong năm nay trung tâm sẽ tổ chức những khóa học đầu tiên. “Đào tạo theo nhu cầu thực tế của nông dân, chương trình hướng đến tính thực tiễn, học viên được học tập từ thực tế sinh động, học xong có thể áp dụng ngay vào công việc của mình”, ông Đức nói. Hiện tại trung tâm này cũng đang phối hợp với Hội nông dân thành phố để phối hợp đào tạo và do đặc thù của nông dân, các lớp đào tạo ngắn hạn, sơ cấp sẽ phù hợp với nông dân hơn là đào tạo tập trung, dài hạn.

Theo ông Đức, cách đào tạo của trung tâm và Hội nông dân đang tổ chức về cơ bản không khác nhau. Học viên theo học sẽ không phải đóng bất kỳ khoản học phí nào. Tuy nhiên học tại trung tâm, học viên sẽ có điều kiện tiếp cận với những công nghệ tiên tiến nhất của ngành nông nghiệp công nghệ cao của thành phố qua thiết bị, máy móc, vật tư, nhà xưởng… tại khu nông nghiệp công nghệ cao. “Để chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, việc theo học các lớp đào tạo ngắn hạn này là thích hợp cho nông dân và thật sự cần thiết”, ông Đức nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đề nghị Mỹ sớm công nhận cơ chế kinh tế thị...

0
(SGTT) - Trao đổi với các học giả tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ (CFFR), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề...

Thay đổi tư duy để định vị lại cho tương lai

0
Năm 2021 chắc chắn là một năm vô cùng đặc biệt, không chỉ ở bình diện toàn cầu, đối với xã hội Việt Nam,...

Người dân tự đo tốc độ Internet của nhà cung cấp

0
(SGTT) - Ngày 2-4 tại Hà Nội, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với trung tâm Internet Việt Nam...

Có gì trong chiếc tai nghe Việt giá 28 triệu đồng?

0
(SGTT) - Là mẫu tai nghe "hàng thửa" (custom) được tạo nên bởi một nhóm kỹ sư trẻ Việt Nam, Soranik Bastille có giá...

Bùng nổ ứng dụng công nghệ viễn thông trong chăm sóc...

0
Việc áp dụng công nghệ viễn thông trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Việt Nam được cho là sẽ phát triển mạnh...

Kết nối