Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Nói suông khó thuyết phục người tiêu dùng

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong những năm qua đã có sự lan tỏa trong đời sống xã hội. Song, theo ý kiến chuyên gia cũng như từ chính doanh nghiệp, để người tiêu dùng ủng hộ hàng nội địa thì không thể chỉ bằng vận động, tuyên truyền mà còn phải bằng những hành động cụ thể của doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ từ Nhà nước.

Minh bạch thông tin

Xây dựng uy tín thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và đưa ra giá cả cạnh tranh hơn là những gì các doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực thực hiện vào lúc này nhằm kéo người tiêu dùng đến gần mình hơn. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, chủ hệ thống siêu thị Co.opMart và cửa hàng Co.op Food, cho biết nhiều nhà sản xuất trong nước không ngừng đầu tư về kiểu dáng, chất lượng sản phẩm với giá cả hợp lý, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, qua đó thị phần ngày càng được mở rộng.

Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước còn yếu về góc độ quảng bá sản phẩm, ông Nhân nhận định. Người tiêu dùng biết không nhiều thông tin về sản phẩm của doanh nghiệp trong nước cho đến khi mua sản phẩm về sử dụng, rồi mới thấy rằng chất lượng hàng Việt Nam không thua hàng nước ngoài mà lại có giá bán rẻ hơn. Vì vậy, điều mà các doanh nghiệp sản xuất cần phải làm lúc này là phải có chiến lược quảng bá sản phẩm tốt hơn, cung cấp thông tin đầy đủ về nguồn gốc hàng hóa, chất lượng, giá cả cũng như hệ thống dịch vụ cho người tiêu dùng.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan cho rằng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được xem là chủ trương rất cần thiết. Nhưng để chủ trương này đi vào thực tế cuộc sống, trước tiên nhà sản xuất phải minh bạch thông tin với người tiêu dùng, đảm bảo chất lượng, số lượng, giá cả phải chăng.

Cũng đã có nhiều người tiêu dùng, tiểu thương lên tiếng ủng hộ hàng Việt Nam, nhưng họ cũng cho rằng chính các doanh nghiệp trong nước đã không sòng phẳng với người tiêu dùng. Đơn cử như việc giá xăng, điện, hoặc cước vận tải lên thì các doanh nghiệp thi nhau tăng giá, nhưng khi giá các mặt hàng đầu vào sản xuất này giảm thì chẳng thấy doanh nghiệp nào ra thông báo giảm giá trở lại. Cuối cùng người tiêu dùng thấy mình là người bị hại nhiều nhất, họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc mua hàng ngoại.

Việc phát triển mạng lưới phân phối rộng khắp cũng được xem là yếu tố quan trọng để người tiêu dùng có thể tiếp cận với hàng hóa. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong nước lại đang rất yếu ở khâu này, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chẳng hạn, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, nơi chiếm 70% dân số sinh sống, gặp ít nhiều khó khăn. Mặc dù được đánh giá là thị trường tiềm năng nhưng khu vực nông thôn sức mua lại yếu, mặt khác để đưa được hàng hóa đến khu vực này thì chi phí vận chuyển lại cao. Hơn nữa, việc mở rộng hệ thống phân phối ở khu vực nông thôn đòi hỏi phải có chiến lược bài bản và vốn đầu tư khá lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước chủ yếu là “mua đứt bán đoạn” nên không tiếp cận với khách hàng dài lâu.

Cần sự hỗ trợ

Theo bà Phạm Chi Lan, Nhà nước nên hỗ trợ cho doanh nghiệp để họ phát triển, bởi nếu để doanh nghiệp trong nước lép vế trước đầu tư nước ngoài, trước hàng nhập ngoại thì doanh nghiệp trong nước khó có thể cung cấp được sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Vận động người tiêu dùng sử dụng hàng Việt Nam là một chuyện, nhưng người tiêu dùng cũng phải nghĩ đến lợi ích của mình. Vị chuyên gia kinh tế này kiến nghị Nhà nước nên hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng công nghệ, hạ giá thành và xây dựng hệ thống phân phối tốt hơn.

Để vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, theo bà Lan, Chính phủ và các bộ ngành, cơ quan nhà nước kể cả các cơ quan Quốc hội, đoàn thể cần phải gương mẫu trong việc tiêu thụ hàng sản xuất trong nước. Thay vì dùng hàng nước ngoài thì hãy cố gắng tối đa dùng hàng nội địa.

Những chính sách bất hợp lý về mua sắm tài sản công chính là thủ phạm tạo nên nhập siêu lớn trong thời gian qua. Theo bà Lan, cần quan tâm đúng mức trong việc mua sắm thiết bị là hàng trong nước cho các công trình, dự án lớn. Bao năm qua, trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư vốn nhà nước sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước không được quan tâm đúng mức, do đó hàng hóa nước ngoài thường được ưu tiên và thắng thầu.

Nguyên nhân cơ bản là do hồ sơ mời thầu các dự án lớn thường được giao cho các công ty tư vấn nước ngoài soạn thảo, các tiêu chuẩn được đưa vào hồ sơ mời thầu thường được sao chép lại từ các hồ sơ được đánh giá là đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Trong khi rất ít hoặc thậm chí không có doanh nghiệp Việt Nam nào đáp ứng được các tiêu chuẩn đề ra, dẫn đến việc không lọt qua được vòng sơ tuyển để được dự thầu.

Hùng Lê

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nhìn về cơ hội trong một thị trường không mấy lạc...

0
(SGTT) - Giới quan sát cho rằng thị trường năm 2024 vẫn khó, buộc các doanh nghiệp phải xoay chuyển đáp ứng những thay...

Thị trường dừa khởi sắc sau nhiều tháng giảm mạnh

0
Giá dừa khô nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã dần khôi phục trở lại sau nhiều tháng giảm mạnh. Dừa khô...

Nhân rộng chuỗi đồ uống: cơ hội cho nhà kinh doanh...

0
Kể từ khi xuất hiện, trà sữa đã tạo ra cơn sốt lớn trên thị trường đồ uống. Một loạt các thương hiệu lớn...

Mỹ phẩm Việt trên hành trình khai thác tài nguyên bản...

0
Nhìn lại hành trình gầy dựng tên tuổi từ 5-10 năm trước, các doanh nghiệp mỹ phẩm nội địa Việt Nam tự tin với...

Payoo: Quí 1, doanh số F&B và trang sức vẫn tăng...

0
(SGTT) - Theo dữ liệu của nền tảng thanh toán Payoo, trong quý 1 năm 2023, dịch vụ ăn uống (F&B) và trang sức...

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ...

0
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.679,9 ngàn...

Kết nối