Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Nỗ lực đưa điện ảnh Cách mạng Việt Nam đến gần thế hệ trẻ

(SGTT) - Tối ngày 24-4, chương trình “Tuần phim Cách mạng Việt Nam  - Những góc nhìn trẻ” đã được tổ chức tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM với sự tham gia của các bạn sinh viên yêu mến phim ảnh cùng các nhà làm phim trẻ.
Chương trình thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ yêu điện ảnh. Ảnh: CLB Sân khấu và Điện ảnh

Mang những tác phẩm kinh điển quay trở lại

Mở đầu chương trình, khán giả được thưởng thức bộ phim Cánh đồng hoang. Đây là một trong những tác phẩm kinh điển của nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam khi khắc họa thành công đời sống của những người chiến sĩ Cách mạng giai đoạn chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Sau khi bộ phim kết thúc, nhiều khán giả đã không kìm được nước mắt vì những thước phim xúc động.

Ông Trần Thanh Phương (55 tuổi, TPHCM), khách tham dự, cho biết ông sinh ra và lớn lên ở vùng Đồng Tháp Mười. Do đó, với ông, bộ phim đã thành công trong việc tái hiện khung cảnh sinh hoạt của những con người miền Tây Nam bộ thời chiến cũng như sự khốc liệt của chiến tranh. Khi có dịp xem lại, ông cho biết cảm xúc vẫn bồi hồi như ngày đầu tiên.

Tiếp sau phần chiếu phim là phiên thảo luận của các khách mời gồm đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm. Điều đặc biệt, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng chính là con trai của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, biên kịch của bộ phim Cánh đồng hoang. Anh cho biết bản thân may mắn vì sớm có cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật thông qua những lần cùng cha mình đi làm phim.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm giao lưu với khán giả. Ảnh: CLB Sân khấu và Điện ảnh

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm nhận xét ý tưởng tạo ra tuần phim rất hay. Thông qua việc cùng nhau ngồi lại xem phim và thảo luận, thế hệ trẻ sẽ được biết nhiều góc nhìn hơn về phim xưa. Theo anh, để tiếp cận điện ảnh một cách toàn diện hơn, người xem nên có sự hiểu biết về giai đoạn bộ phim lấy bối cảnh để khi xem sẽ hiểu và cảm xúc hơn. Là những người từng sống trong giai đoạn đó, bản thân anh khi xem những bộ phim như Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang, Mùa nước nổi… đều đọng lại những cảm xúc chân thật nhất.

Là nhà làm phim theo hướng giải trí, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ nếu có cơ hội được thử sức làm mới lại các tác phẩm kinh điển xưa, anh sẽ có hướng tiếp cận theo một cách khác, gần gũi hơn với người xem. Mỗi giai đoạn khán giả sẽ có một sở thích xem phim khác nhau và nhà làm phim cần linh hoạt để các đề tài này được công chúng dễ dàng đón nhận hơn.

Cánh Đồng Hoang lấy bối cảnh chính vùng Đồng Tháp Mười trong những ngày diễn ra cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu quốc. Bên cạnh lòng yêu nước, phim còn thể hiện tình cảm gia đình, tình cha con, tình vợ chồng sâu sắc và thắm thiết. Sau khi công chiếu, bộ phim đã giành được nhiều giải thưởng danh giá như Giải thưởng Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1980, Giải thưởng xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1980, Giải thưởng Đặc biệt tại Liên Đoàn báo chí Điện ảnh Quốc tế năm 1980, Huy chương vàng tại Liên hoan phim Quốc tế Moskva năm 1981.

Giới trẻ nghĩ gì về điện ảnh thế hệ trước?

Bạn Thiên Thanh (20 tuổi, TPHCM) chia sẻ đây là lần đầu tiên xem bộ phim Cánh đồng hoang. Đây là một trải nghiệm rất lạ và mới mẻ với Thanh, từ cách bố trí bối cảnh, ánh sáng, âm thanh và cách kể truyện đều rất khác so với đa số những bộ phim điện ảnh hiện nay.

“Tôi từng nghĩ bộ phim sẽ khiến tôi khó hiểu vì sự chênh lệch giữa các thế hệ. Nhưng sau khi xem xong thì tôi rất thích bộ phim này và hứng thú với việc tìm hiểu về nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Lối kể chuyện của phim cách mạng có một màu sắc riêng và hơn hết chính là tái hiện sống động những giai đoạn lịch sử của dân tộc”, Thiện Thanh nói.

Đạo diễn trẻ Joel Nguyễn đặt câu hỏi cho các khách mời. Ảnh: CLB Sân khấu và Điện ảnh

Bạn Quỳnh Như (20 tuổi, TPHCM) cho rằng giới trẻ hiện này có ít cơ hội được tiếp cận với điện ảnh của thế hệ trước. Một phần do thiếu vắng những chương trình chiếu phim xưa để các bạn được đến xem trên màn ảnh rộng, một phần vì các bạn đã sớm quen với các bộ phim có màu và mang các yếu tố giải trí, thị trường là chính.

“Mình rất vui vì chương trình được tổ chức bởi đây chính là cơ hội kéo các bạn trẻ tới gần hơn với những bộ phim về đề tài chiến tranh. Mong rằng trong tương lai, các đạo diễn Việt Nam sẽ tạo ra những bộ phim hay về đề tài chiến tranh hoặc có thể làm lại các tác phẩm kinh điển của nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam, từ đó, thế hệ trẻ sẽ tiếp cận lịch sử theo hướng thú vị hơn”, Quỳnh Như bộc bạch.

Khách tham dự chụp ảnh lưu niệm cùng các vị khách mời. Ảnh: CLB Sân khấu và Điện ảnh

Được biết, “Tuần phim Cách mạng Việt Nam – Những góc nhìn trẻ” được tổ chức nhân kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2022) và diễn ra trong bốn ngày 23, 24-4 và 7, 8-5 tại Rạp Cinestar Nhà văn hóa sinh viên (Thủ Đức) và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM (cơ sở Thủ Đức). Đây cũng là dịp để các bạn trẻ ngồi lại xem những thước phim kinh điển của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam và lắng nghe những chia sẻ của các khách mời là những người có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực nghệ thuật về một thời vàng son của điện ảnh cách mạng.

Bảo Trâm

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối