Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024

Những tiết lộ về sức khỏe qua dáng đi của bạn

(SGTTO) - Phong cách đi bộ của bạn có thể phản ánh một loạt các ảnh hưởng và vấn đề về thể chất, sinh lý, thần kinh và thậm chí cả tâm lý. Đó là nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực y tế và sức khỏe vận động.

Jessica B. Schwartz, bác sĩ vật lý trị liệu và người phát ngôn của Hiệp hội Vật lý trị liệu Hoa Kỳ nói rằng dáng đi của một người tiết lộ rất nhiều điều. Các vấn đề sức khỏe được biểu hiện trong các bước đi không chỉ của những bệnh nhân mà còn ở mọi người nói chung, dù họ đi bộ trong trung tâm mua sắm hoặc sân bay.

Đi khập khiễng

Khụy một chân khi chịu sức nặng và tác động của mỗi bước cho thấy bạn đang bị chấn thương khớp. Điều này có thể gây ra do các vấn đề về cấu trúc như căng cơ, bong gân dây chằng, rách sụn chêm hoặc các cấu trúc khớp bị tổn thương khác, viêm khớp, chênh lệch chiều dài chân hoặc các vấn đề về bàn chân. Và nó có thể trở nên tồi tệ hơn vì sải chân mất thăng bằng cũng ảnh hưởng đến các bộ phận khác trên cơ thể.

Henry C. Hilario, bác sĩ chuyên về phẫu thuật bàn chân và mắt cá chân tại Hệ thống Y tế Willis-Knighton (Louisiana, Mỹ) nói rằng nếu những cơn đau ở chi dưới trở thành mãn tính và thực sự làm thay đổi dáng đi của bạn, nhất thiết bạn phải đi gặp bác sĩ.

Sải bước chậm

Bác sĩ Hilario cho biết tuổi tác có thể liên quan đến tốc độ đi nhanh hay chậm của một người.Theo một nghiên cứu năm 2017 được công bố trên tạp chí BMC Geriatrics, các cơ ở phần dưới cơ thể như cơ mông có xu hướng yếu đi theo tuổi tác. Nó khiến cho sải bước của bạn có phần chậm hơn.

Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2013 trên tạp chí Experimental Gerontology cũng chỉ ra rằng các sợi cơ co rút nhanh ở phần dưới cơ thể có thể suy giảm. Hai điều này kết hợp với nhau có thể dẫn đến việc bạn bị mất sức và do đó, đi bộ chậm hơn.

Bên cạnh yếu tố tuổi tác, bác sĩ Schwartz cũng nhận định rằng người bị béo phì hoặc đau do chấn thương khớp hoặc viêm xương khớp có xu hướng đi bộ chậm hơn.

Đi lê chân

Theo bác sĩ Schwartz, khi người người đi theo kiểu lê chân, bàn chân không nhấc cao khỏi mặt đất cũng có thể là dấu hiệu của bệnh Parkinson. Trong trường hợp việc đi bộ của bạn bị thay đổi do đau hoặc rối loạn chức năng, bạn cần phải đi khám.

Một số bài tập có thể giúp tăng cường các cơ nâng bàn chân của bạn theo từng bước là nâng gót chân và nâng đầu gối. Tức là nâng đùi của bạn lên ngang với hông để tăng cường cơ gập hông, giúp nâng cao chân và bàn chân của bạn theo từng bước.

Đi loạng choạng

Một số người gặp khó khăn trong việc đi thẳng và loạng choạng từ bên này sang bên kia. Đôi khi bị lệch hẳn sang một bên do sự mất cân bằng liên tục với mỗi bước chân.

“Kiểu dáng này được gọi là dáng đi Trendelenburg, giống kiểu đi bộ của chim cánh cụt thường là do viêm xương khớp hông. Tập thể dục có thể giúp cải thiện tình trạng này vì nó bắt nguồn từ sự yếu cơ và mất cân bằng trong xương chậu", bác sĩ Schwartz nói.

Bước đi hăng hái

Hãy nghĩ về thời điểm bạn cảm thấy hạnh phúc, hào hứng với điều gì đó hoặc thậm chí là lúc bạn đang yêu. Những cảm xúc này cũng có thể chuyển sang phong cách đi bộ của bạn. “Bạn có thể biết rất nhiều về trạng thái tinh thần của một người qua phong thái thể chất của họ. Một người khi có tâm trạng tốt sẽ bước đi theo một cách hoàn toàn khác, chân họ gần như lướt trên mặt đất", Barry Gritz, một bác sĩ tâm thần làm việc tại Houston (Mỹ) giải thích.

Khi có những cảm xúc tích cực, bạn sẽ cảm thấy tràn đầy sinh lực và lời khuyên cho bạn là nên đi dạo. Đi bộ nhiều hơn và tăng cường độ tập luyện lên một cấp độ có thể giúp bạn thu được nhiều lợi ích hơn nữa về thể chất và tinh thần từ việc tập luyện của mình.

Chân bị chuột rút

Một số người gặp phải tình trạng chuột rút cơ bắp bất thình lình, khiến bạn bị đơ ra cho đến khi cơn đau dứt hẳn. Theo các bác sĩ, nếu cơ chân bị chuột rút khi đi bộ, điều đó có thể là một biểu hiện của một căn bệnh chưa được chẩn đoán như bệnh phổi hoặc bệnh động mạch ngoại biên. Bệnh này gây ra do tắc nghẽn các động mạch cung cấp máu cho chân; nó là một yếu tố nguy cơ gây ra các vấn đề về tim, cũng là do các động mạch bị tắc gây ra.

Thường xuyên vấp ngã

Thi thoảng vấp phải vết nứt trên vỉa hè là chuyện bình thường. Nhưng đừng tự cho mình là vụng về nếu bạn thường xuyên bị vấp ngã. Bác sĩ Schwartz giải thích: “Có thể có một nguyên nhân thần kinh gây ra việc vấp ngã. Ảnh hưởng thần kinh do tiểu đường là phổ biến - và thường bị nhiều người bỏ qua".

Khi bệnh tiểu đường tiến triển, bàn chân có thể bị tê liệt khiến người đó có thể không cảm thấy sự thay đổi nhiệt độ ở bàn chân hoặc không cảm nhận được sự tiếp xúc của chân với mặt đất.

Tình trạng này có thể khiến bạn cảm thấy đau đớn. Kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách tập thể dục, ăn uống lành mạnh và dùng thuốc, nếu cần, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh thần kinh do tiểu đường.

Cảm thấy nghẹt thở khi đi dạo

Nếu bạn đi bộ nhanh, bạn sẽ phải hít thở sâu. Còn nếu đi bộ chậm rãi, nhưng lên dốc hoặc lên cầu thang, bạn cũng sẽ phải thở gấp và thở dốc. Nhưng nếu khi đi bộ chậm trên địa hình bằng phẳng, hoặc chỉ đi bộ một thời gian ngắn mà bạn đã bắt đầu cảm thấy khó thở, thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc bệnh tim hoặc phổi.

Có nhiều tình trạng có thể gây khó thở, bao gồm hen suyễn hoặc nhiễm trùng đường hô hấp. Những chứng bệnh này khiến cơ thể không có đủ oxy.

Đi bộ một cách vô thức

Một người đang cảm thấy chán nản, cho dù đó là do những khoảnh khắc buồn bã hay căng thẳng trong cuộc sống hay do chứng trầm cảm sẽ đi bộ giống như cảm giác của họ. “Nếu họ bị trầm cảm, tư thế của họ có thể là khom lưng hoặc chùng xuống và dáng đi chậm hơn,” bác sĩ Gritz nói.

Tất nhiên, đi bộ và các loại hình tập thể dục khác là một trong những cách điều trị tốt nhất cho bệnh trầm cảm. Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy rằng đi bộ thường xuyên có thể mang lại những cải thiện lâm sàng có thể đo lường được đối với chứng bệnh này.

Câu hỏi đặt ra là chúng ta nên đi bộ bao nhiêu? Các chuyên gia khuyến nghị rằng người lớn nên tập thể dục cường độ trung bình ít nhất 150 - 300 phút mỗi tuần hoặc 75 - 150 phút mỗi tuần nếu hoạt động cường độ trung bình đến mạnh.

Nếu bạn mới bắt đầu, hãy thực hiện những bài tập dễ dàng hơn và ngắn hơn, dần dần mới chuyển sang các bài khó và dài hơn. Bạn hãy luôn nhớ một điều là trước khi bắt đầu, cần đảm bảo bạn có đôi giày đi bộ tốt nhất cho đôi chân của mình.

Tâm Anh

Theo The Healthy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối