Lại một gameshow (trò chơi truyền hình) mua bản quyền của nước ngoài nữa xuất hiện trong đời sống thanh thiếu niên Việt Nam. Thế nhưng lần này, Dare Pong vấp phải nhiều luồng ý kiến chỉ trích gay gắt bởi luật chơi táo bạo.
Bê nguyên nội dung nước ngoài
Beer Pong là một trò chơi được cho là của thanh niên Mỹ vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước. Trò này thường được chơi tại các buổi tiệc hoặc sự kiện, nơi có nhiều người tham gia, chỉ dành cho người đủ tuổi sử dụng đồ uống có cồn. Trò chơi gồm hai đội. Mỗi đội có từ 6-10 cốc nhựa, bên trong chứa bia, rượu, xếp thành hình tam giác trên bàn bóng bàn. Họ lần lượt ném bóng từ bên này sang bên kia, nếu trúng cốc, đội bên kia phải uống cạn. Đội nào hết cốc trước thì thua.
Biến tấu từ trò chơi này, năm 2017, gameshow Fear Pong (FP) do nhóm bạn trẻ mang tên Cut xuất hiện, thu hút hàng triệu lượt xem trên khắp thế giới. FP giữ nguyên cách thức chơi, nhưng đặt dưới đáy một số cốc là những thử thách (dare) để tăng thêm kịch tính. Nếu không muốn uống rượu, bạn phải thực hiện thử thách đó và ngược lại. Ví dụ như: để đối thủ cởi quần áo của bạn bằng răng (trừ đồ lót, tất nhiên là trước máy quay), liếm kem trên người đối thủ, hôn sâu trong một khoảng thời gian nhất định... Chính những thử thách đó giúp loạt video trở nên thu hút, mặc dù kênh không cần tới người nổi tiếng để kéo lượt xem. Khi phát hành trên YouTube, mỗi video dài 5-7 phút có trung bình khoảng 3-5 triệu lượt xem. Có những số cuốn hút tới 16 triệu lượt xem nhờ vào độ hài hước mà người chơi thể hiện. Công thức thành công của gameshow này chỉ đơn giản là đồ uống có cồn, vài trò vui gây tò mò với giới trẻ và sự hài hước.
Mang trò chơi này về Việt Nam dưới cái tên Dare Pong (DP) khoảng bốn tháng nay, gameshow gần như giữ nguyên hình thức của bản gốc. Từ đối tượng tham gia (cặp đôi đang yêu nhau, người lạ, bạn bè, người yêu cũ...) cho tới luật chơi, kể cả nội dung thử thách. Ở Việt Nam, nhóm thực hiện mời cả những người nổi tiếng như Trương Thế Vinh, Khanh VMusic, Hoàng Ku... và thay vì dùng bia, họ dùng rượu.
Giới hạn nằm ở đâu?
FP khi phát hành trên YouTube đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ khán giả, chủ yếu là từ những nước có lối sống phóng khoáng. Mỗi video được cắt dựng với nhịp điệu nhanh, người chơi thoải mái tự nhiên trò chuyện, chia sẻ và thể hiện bản thân. Quan trọng nhất là văn hóa phương Tây đã quen với việc “động chạm” hay nói những chuyện tế nhị trước đông người. Nên nếu xem gameshow này của Cut, bạn sẽ thấy việc hai người lạ hôn nhau, cởi quần áo bằng răng hay mặc nguyên đồ lót trên màn hình là chuyện khá thoải mái.
Ngược lại, khi trò chơi về Việt Nam, luồng ý kiến trái chiều lại gay gắt và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhiều người cho rằng những thử thách nguyên bản nên được thay thế cho phù hợp với lối sống, văn hóa của người Việt Nam. Có những thử thách như “gọi điện cho người yêu cũ hỏi lý do chia tay” thậm chí còn không tôn trọng cảm xúc của người khác, hay những thử thách như cởi đồ bằng răng, liếm đồ ăn trên thân thể đối thủ... hẳn là để đảm bảo độ sốc của chương trình, từ đó tăng lượng xem bất chấp ý kiến trái chiều.
Cũng có ý kiến cho rằng trò chơi này đang cổ vũ cho việc sử dụng bia rượu ở giới trẻ, không để ý tới việc có thể bị nhiễm khuẩn (bóng bàn bẩn ném vào cốc), kích thích sống “mở” nhưng lại không đem đến cách “mở” đúng. Một số thử thách không phù hợp với văn hóa Á Đông, dễ khiến giới trẻ học theo không kiểm soát.
Tuy vậy, phản cảm hay không còn nằm ở cách chơi của người tham gia. Như Trương Thế Vinh đã từ chối thực hiện thử thách nhạy cảm bằng cách uống, hay như cặp Hoàng Ku - Dany biến tấu những điều nhạy cảm thành hài hước mang lại tiếng cười từ phía khán giả. Dù vậy, những video này của cả nước ngoài lẫn Việt Nam đều không dán mác quy định độ tuổi; phiên bản Việt Nam có thêm một cảnh báo ngay đầu video nhưng thực ra không có hiệu lực mấy.
Khá nhiều bạn trẻ cảm thấy thoải mái với nội dung mà DP mang lại, cho rằng “không có gì”. Nhưng không có gì với bạn, không có nghĩa là không có gì với mọi người. Trẻ em và trẻ vị thành niên có thể dễ dàng tìm kiếm và xem những nội dung tương tự, rồi thực hành khi không có người lớn. Khi ấy, không thể biết những điều tân tiến mà những chương trình như DP mang lại có thật sự là “vẽ đường cho hươu chạy đúng”?
Hà Bi