Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Những người thắp lửa hi vọng trong vùng dịch

Trong những ngày dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng tại Đà Nẵng và Quảng Nam, doanh nhân Trần Đình Quốc Khương (hay còn gọi là Calvin Trần) cùng nhóm bạn của mình tất bật ngược xuôi cùng những chuyến hàng hỗ trợ cho các địa điểm cách ly tập trung. Mong muốn chung sức trong cuộc chiến phòng chống Covid-19 và niềm tin “cho đi là còn mãi” đã giúp nhóm bền bỉ vượt qua những khó khăn, trên hành trình thiện nguyện trong suốt hơn 10 năm qua.

Bắt đầu từ chuyến đi thiện nguyện sóng gió

Anh Calvin Trần theo gia đình sang Mỹ sống từ nhỏ. Khi trưởng thành anh về Việt Nam thường xuyên để đi du lịch cũng như thăm người thân. Đến năm 2007, anh quyết định về Việt Nam khởi sự kinh doanh và sinh sống lâu dài. Khi công việc và cuộc sống ổn định, anh Calvin Trần đã mời gọi những người bạn của mình cùng tổ chức các hoạt động thiện nguyện như một cách thức học hỏi, cảm ơn cuộc đời đồng thời tìm niềm vui từ sự sẻ chia với cộng đồng.

Nhớ về những chuyến đi thiện nguyện của mình, anh Calvin kể lại: “Chuyến thiện nguyện đầu tiên được thực hiện từ những năm 1999-2000. Vào thời gian đó, quê tôi [huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam] bị ngập lụt do mưa bão đúng vào lúc tôi về Việt Nam chơi. Tôi đã trích một ít tiền mua 300 thùng mì gói gửi tặng đến bà con gặp khó khăn”. Những chuyến đi cứ nối tiếp nhau, và sau đó chuyến đi đáng nhớ nhất là ngay sau trận sạt lở núi nghiêm trọng tại hai huyện miền núi Nam Trà My và Bắc Trà My của tỉnh Quảng Nam.

Ngay sau trận sạt lở, anh Calvin Trần cùng nhóm bạn của mình là những người đầu tiên lên núi để giúp đỡ bà con với sự hỗ trợ của anh Vỹ, một giáo viên tại huyện Nam Trà My. Đoàn đã đi xe máy, đi bộ, băng rừng, lội suối để tiếp cận nóc Khe Chữ, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My. Các bữa ăn chỉ là lương khô và mì ăn liền.

“Sau vài ngày, chúng tôi kết nối được rất nhiều nhà hảo tâm để giúp đỡ bà con nơi đây có cái ăn, cái mặc”, anh Calvin Trần kể. “Hàng chục chuyến xe hàng chở lên huyện miền núi sau đó, giúp bà con sớm ổn định lại cuộc sống. Thỉnh thoảng, có dịp ghé lại Khe Chữ, tôi rất vui vì gặp lại được những người đồng bào mình từng ở bên cạnh họ trong những ngày khó khăn. Bây giờ, nơi đây cũng khá ổn định và phát triển”.

Nhóm thiện nguyện mà anh Calvin Trần đề cập mang tên nhóm Tình nguyện trẻ. Anh giải thích đây là nhóm thiện nguyện tự phát, không bị chi phối và tác động của bất cứ cá nhân hay tổ chức nào nên hoạt động khá dễ dàng. Đa số các thành viên tham gia theo tinh thần tự giác, tự nguyện. Ai có sức góp sức, ai có công góp công.

Nhóm luôn khuyến khích các bạn trẻ tham gia. Đặc biệt, các gia đình còn đưa con đi theo để các bé được trải nghiệm cuộc sống, học bài học thực tế về sự sẽ chia với những người kém may mắn.

Lan tỏa niềm tin chiến thắng dịch bệnh

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng vào cuối tháng 7, nhiều nhóm thiện nguyện và mạnh thường quân đã chung sức với thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam tùy theo khả năng của mình. Trong giai đoạn cộng đồng cùng chung sức cho cuộc chiến chống Covid, điều tâm niệm “cho đi là còn mãi” của anh Calvin Trần và nhóm bạn được tiếp sức để hiện thực hóa.

Các bếp cơm cung cấp các suất ăn miễn phí cho các y bác sĩ và người dân trong các khu cách ly, vận chuyển miễn phí các chuyến hàng nhu yếu phẩm đến các bệnh viện và ký túc xá hay tổ chức trao trang thiết bị y tế, thực phẩm, thức uống cho những người cần thiết là những hoạt động chính.

Anh Calvin Trần (mũ nâu) cùng các tình nguyện viên bốc gạo ngày 17-8 do Công ty Cỏ May trao tặng cho người dân Đà Nẵng và Quảng Nam. Ảnh: NVCC

Một trong những nhóm tham gia đầu tiên và tính cực là nhóm Tình nguyện trẻ mà anh Calvin Trần là thành viên. Cũng chính anh là người khích lệ, cổ vũ tinh thần mọi người đưa ra những giải pháp linh hoạt, sáng tạo và tuân thủ quy định về an toàn khi thực hiện các chương trình thiện nguyện trong giai đoạn địa phương thực hiện cách ly.

Gần đây nhất, hôm 16-8, công ty Cỏ May thông qua nhóm của anh Calvin và những nhóm thiện nguyện khác trao 28 tấn gạo cho người dân Đà Nẵng, Quảng Nam.

“Những hạt gạo đến từ Sa Đéc [tỉnh Đồng Tháp] theo đường thuỷ ra đến cảng Đà Nẵng và được các bạn tình nguyện bốc chuyển đến các bếp ăn và các địa phương”, anh Calvin Trần nói và chia sẻ thêm đây là tình cảm của công ty dành cho người dân Đà Nẵng và Quảng Nam và anh sẵn sàng đóng góp sức lực trao tận tay người cần.

Covid-19 bùng phát lần thứ 2 đã gây khá nhiều ảnh hưởng đến công việc, đời sống của nhiều người. Anh Calvin Trần và các thành viên trong nhóm không ngoại lệ. Bản thân anh cùng người bạn cũng phải tạm đóng cửa nhà hàng Sunset trên đường 2 tháng 9, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

“Tuy nhiên, tôi và các thành viên nhóm cũng còn may mắn, có đủ cái ăn, cái mặc”, vị doanh nhân trẻ chia sẻ. “Đóng góp thời gian và công sức vào công tác tình nguyện cũng xem như một trách nhiệm, chia sẻ với cộng đồng. Quan trọng nhất là tất cả các thành viên đều thấy việc mình làm có ý nghĩa và hạnh phúc từ những đóng góp ấy”.

Là người làm thiện nguyện lâu cũng khá lâu năm, theo anh Calvin Trần, để làm thiện nguyện hiệu quả mọi người nên đặt chữ tâm lên làm đầu. Đi đến nơi, tìm hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của con người, nơi mình sắp đến.

Sự đồng hành của chính quyền địa phương trong các hoạt động của nhóm là sự hỗ trợ cần thiết và có ý nghĩa, anh nói và cho biết thêm: "Cho đi là còn mãi, chắc chắn rất nhiều niềm vui sẽ đọng lại sau những chuyến đi".

“Tuy nhiên, đừng để bị cuốn theo mà quên mất những việc của bản thân mình”, anh chia sẻ trước khi kết thúc câu chuyện của mình.

Nhân Tâm

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối