Thứ Tư, Tháng Chín 18, 2024

Những người thầm lặng hy sinh vì bệnh nhân

(SGTT) – Từ trước đến nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng điều dưỡng viên, hộ lý là nghề nhẹ nhàng, đơn giản và không phải trực tiếp chữa tri, dãi nắng dầm mưa; thậm chí còn xem họ như “osin cao cấp” của bác sĩ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, quá trình tiếp xúc và làm quen với bệnh nhân là thử thách không hề dễ dàng đối với họ.

Dù đêm hay ngày, điều dưỡng viên, hộ lý vẫn luôn tất bật với những công việc không tên và xem đây là một niềm vui khi làm nghề. Bởi khi được chia sẻ áp lực, vất vả cùng các bác sĩ, họ đã góp một phần nhỏ cho ngành y, cũng như giúp bệnh nhân nhanh chóng khỏe mạnh, sớm trở về gia đình.

 Những công việc “không tên” của điều dưỡng

Ghi nhận tại Khoa Hồi sức Ngoại thần kinh của Bệnh viện Chợ Rẫy lúc 22:00, một nam bệnh nhân 23 tuổi bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não được chuyển từ Khoa Cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch (hôn mê sâu, mất ý thức). Các điều dưỡng ra sức giữ chặt tay chân người bệnh để chuyển băng ca nhưng không xuể. Một số nhân viên y tế khác thì kiểm tra các chỉ số, lau người cho bệnh nhân, nhanh chóng dừng công việc không khẩn cấp để đến hỗ trợ đồng nghiệp.

Tại giường bệnh khác, một bệnh nhân bỗng khó thở. Ngay lập tức, bác sĩ trong ca trực sẵn sàng thao tác thay ống nội khí quản. Những điều dưỡng có mặt tại khoa, trong đó có chị Trần Thị Hương, điều dưỡng tại Khoa Hồi sức Ngoại Thần kinh đã góp sức giành giật sự sống cho người bệnh. Đối với những bệnh nhân được đưa vào bệnh viện trong trạng thái nguy kịch, chỉ cần chậm trễ một chút, họ có thể mất cơ hội được cứu sống.

Sau khi hỗ trợ cho đồng nghiệp, điều dưỡng Hương lại tiếp tục công việc đang làm dở, tỉ mẩn vệ sinh cho bệnh nhân. Chị Hương cho biết, bệnh nhân tại đây đều hôn mê hoàn toàn, mọi hoạt động chăm sóc do nhân viên y tế đảm nhận, nên phải làm việc hết công suất.

Bên ngoài nhìn vào, nhiều người nghĩ rằng bệnh nhân nằm một chỗ nên việc chăm sóc rất đơn giản. Tuy nhiên, “thực sự có rất nhiều thứ để làm. Bệnh nhân vẫn đi vệ sinh, mình phải làm hết và dọn sạch sẽ. Sau đó, người bệnh hôn mê một ngày cũng cho ăn mấy cữ, mình phải làm và theo dõi kỹ từng chút chứ không đơn giản”, chị Hương nói. 

Đa số bệnh nhân ở khoa hồi sức là các ca bệnh nặng, hôn mê, suy hô hấp và suy tuần hoàn phải nằm bất động sức khỏe trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” nên việc chăm sóc bệnh nhân toàn diện càng khó khăn hơn. Ảnh: Minh Thảo

Sẵn sàng thức trắng đêm

Khoa Hồi sức Ngoại thần kinh của Bệnh viện Chợ Rẫy – nơi tiếp nhận các ca bệnh rất nặng luôn trong tình trạng quá tải, 50% là các ca tai nạn giao thông. Các điều dưỡng liên tục hút đàm, thông đường thở cho người bệnh, đánh răng, cho bệnh nhân uống sữa. Còn bác sĩ ra vào liên tục để nhận bệnh, thay ống nội khí quản.

Không chỉ những điều dưỡng viên mà hộ lý luôn tất bật phụ giúp nhiều công việc, đỡ đần cho bác sĩ. Trong ca trực, hộ lý Nguyễn Thị Kim Trang, Khoa Hồi sức Ngoại thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, luôn tất bật với công việc như vận chuyển người bệnh đi làm các xét nghiệm cận lâm sàng, chuyển bệnh, thu gom đồ bẩn để thay đổi mới cho bệnh nhân, xả chất thải của người bệnh…

Chị Trang cho biết, có những đêm, nhiều ca bệnh tai nạn giao thông về khoa, bác sĩ, điều dưỡng thức trắng đêm, hộ lý cũng không dám lơ là. Hộ lý là người làm việc trực tiếp với bác sĩ và điều dưỡng, chứng kiến cảnh giành giật giữa sự sống và cái chết để cứu bệnh nhân, có nhiều đêm không ai ngủ được vì số lượng bệnh nhân quá đông.

Nói về công việc ở đây, “bác sĩ và điều dưỡng của bệnh viện luôn làm việc trong tình trạng quá sức. Do đó, tôi muốn góp một phần sức lực nhỏ để chia sẻ với các y bác sĩ nên chẳng có gì gọi là vất vả, miễn sao cứu được bệnh nhân”, chị Trang tâm sự.

Sau khi hút đàm cho bệnh nhân, hộ lý Nguyễn Thị Kim Trang, Khoa Hồi sức Ngoại thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy dọn dẹp và lấy chất thải đi đổ. Ảnh: Minh Thảo
Với công việc chăm sóc bệnh nhân tình trạng bệnh nặng là chủ yếu nên những điều dưỡng trong khoa hồi sức của Bệnh viện Chợ Rẫy đều làm việc theo ca kíp (không có ngày nghỉ, lễ). Lúc nào cũng tất bật như “con thoi” từ sáng tới tối luôn chân luôn tay nhưng không phải ai cũng thấu hiểu. Ảnh: Minh Thảo

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Yến, Điều dưỡng Trưởng khoa Hồi sức Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi ca trực có 10 điều dưỡng, chăm sóc cho hơn 40 bệnh nhân thì sẽ có 1 điều dưỡng phụ giúp. Cả khoa có 5 hộ lý, góp phần trong công tác chăm sóc người bệnh.

Mặc dù hộ lý có vị trí thấp nhất trong bệnh viện, nhưng các hộ lý vẫn luôn nhận được sự tôn trọng từ bác sĩ, điều dưỡng bởi nhờ có họ mà các y bác sĩ mới hoàn thành nhiệm vụ điều trị và chăm sóc người bệnh.

Có thể thấy rằng, những người làm hộ lý đóng một vai trò quan trọng trong việc vận hành của khoa, là một mắt xích quan trọng của các khoa, phòng. Theo điều dưỡng Yến, để mỗi công việc trôi chảy thì cần phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn của các hộ lý, điều dưỡng và bác sĩ. Mỗi người mỗi nhiệm vụ, một bộ phận có sự chia sẻ để việc chăm sóc bệnh nhân được suôn sẻ. Vì vậy, hằng năm vào ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, họ vẫn xứng đáng được nhớ đến vì những đóng góp thầm lặng cho công việc cứu người.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nâng cao cảnh giác với virus Marburg vì chưa có vaccine...

0
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến thời điểm hiện tại, số ca tử vong trên thế giới liên quan đến...

Ba năm sau dịch Covid-19: Sự hồi sinh kỳ diệu từ...

0
Cách đây ba năm trước vào ngày 11-3-2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch...

Máy móc y tế xuống cấp, bệnh nhân ung thư phải...

0
(SGTT) - Thiếu hoá chất và nhiều máy móc thiết bị y tế phải “trùm mền” vì không có vật tư để vận hành,...

Nhiều bệnh viện mua sắm trang thiết bị khó khăn do...

0
Bên cạnh việc không xác định được giá dự toán của gói thầu, không có đủ 3 báo giá của nhà cung cấp thì...

Bộ Y tế kiến nghị cho bệnh viện đấu thầu mua...

0
Trước thực trạng các bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức… đang gặp khó khăn trong thực hiện đấu thầu một...

Bệnh viện Chợ Rẫy có thể tạm ngừng hoạt động vì...

0
Bệnh viện Chợ Rẫy tại TPHCM đang rất khó khăn trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất để...

Kết nối