Thứ Năm, Tháng Năm 2, 2024

Những “kịch bản” của lò đào tạo diễn viên

TPHCM được xem là vùng “đất lành” cho các nhà hoạt động nghệ thuật và cũng là nơi mà các lò đào tạo diễn xuất tư nhân đang phát triển mạnh mẽ. Điểm chung của các lò đào tạo này là lời hứa bảo đảm học viên sau khóa học sẽ có vai diễn. Cách làm này đang đặt ra một câu hỏi về chất lượng đào tạo và năng lực của lớp diễn viên trẻ kế thừa.

Cách đây vài năm, những lò đào tạo diễn xuất tư nhân được nhắc đến nhiều là của nghệ sĩ Hồng Vân và danh hài Hoài Linh. Từ sự thành công của hai nghệ sĩ này, nhiều hãng phim, trung tâm văn hóa và các nghệ sĩ kịch nói, diễn viên điện ảnh khác cũng liên tục mở các khóa đào tạo diễn xuất. Gần đây nhất, diễn viên Trịnh Kim Chi đã mở cửa một trung tâm với các khóa học đa dạng nhằm phục vụ các nhóm học viên từ lứa tuổi thiếu nhi đến trưởng thành.

Lớp huấn luyện diễn viên phụ

Các học viên khi đến với các khóa đào tạo diễn xuất, phần lớn là những người có niềm đam mê nghệ thuật, nhưng cũng không ít người muốn nhanh chóng trở thành nghệ sĩ mà không phải mất nhiều thời gian khổ luyện. Do đó, nhiều lò đào tạo đã mở rộng đầu vào và luôn hứa hẹn sẽ bảo đảm đầu ra cho các học viên.

Diễn viên Hữu Nghĩa kể rằng, có một hãng phim mời anh phụ trách dạy môn kỹ thuật biểu diễn cho một lớp chừng 10 học viên. Điều đặc biệt của lớp này là tất cả đều được bà chủ hãng phim, đồng thời là chủ lò đào tạo, chọn vào các vai phụ cho một bộ phim truyền hình sắp bấm máy. Hữu Nghĩa được nhận một kịch bản phân vai rõ ràng của các học trò, và nhiệm vụ chính của anh là hướng dẫn các em cách diễn xuất thật tốt vai diễn của mình. “Phương pháp” đó được áp dụng cho tất cả các học viên chứ không cần rèn luyện các kỹ năng cần thiết theo bất kỳ một giáo trình hay giáo án nào cả. Bằng cách này, bà chủ hãng phim vừa thu được tiền học phí, vừa tuyển sẵn một lực lượng diễn viên phụ cho các dự án phim của mình. Xem như lợi cả đôi bề.

Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi và các học viên trẻ.
Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi và các học viên trẻ.

Hai nữ diễn viên Phi Thanh Vân và Kiều Trinh tuy không có hãng phim nhưng có mối quan hệ rộng rãi trong giới làm phim. Phương cách họ vận hành lò đào tạo của mình là mời những nghệ sĩ có tên tuổi đến dạy học viên các kỹ năng diễn xuất cơ bản rồi sau đó họ chủ động liên hệ với các đoàn phim để cung cấp diễn viên. Trong trường hợp của đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo, anh cho biết đầu ra của các khóa đào tạo mà anh tổ chức là các vai diễn trong các dự án phim mà anh đảm nhiệm vai trò đạo diễn.

Ghi nhận một vòng các lớp đào tạo kể trên, hầu hết các học viên đều chưa có kinh nghiệm diễn xuất nên việc tham gia một khóa học ngắn hạn chỉ giúp họ làm quen với nghệ thuật diễn xuất chứ không thể được trang bị hết các kỹ năng cần thiết. Đương nhiên, với vốn kiến thức ít ỏi này, họ không thể có được một vai diễn quan trọng trong phim. Thế nhưng, chỉ chừng đó cũng đủ làm các bạn trẻ vui sướng vì được chạm ngõ làng nghệ thuật bằng con đường tắt. Nếu thi vào các trường chính quy hệ đại học, họ phải mất bốn năm học hành nhưng không ai bảo đảm là một ngày nào đó họ sẽ được giao một vai diễn trong một vở kịch hay một bộ phim nào đó.

Tuy nhiên, trên thực tế, dù phong trào học diễn xuất ở các lò tư nhân đang nở rộ nhưng không phải nơi nào cũng ăn nên làm ra. Lò của nghệ sĩ Hoài Linh vì không thể bảo đảm được lực lượng giáo viên giảng dạy đã đóng cửa từ lâu. Còn lò của Phi Thanh Vân vì bà chủ quá bận rộn với các dự án riêng nên cũng tạm ngưng hoạt động.

Áp lực chuyên nghiệp

Các diễn viên trưởng thành từ khóa học thứ nhất tại lò đào tạo của nghệ sĩ Hồng Vân.
Các diễn viên trưởng thành từ khóa học thứ nhất tại lò đào tạo của nghệ sĩ Hồng Vân.

Theo ý kiến của những người hoạt động trong giới kịch nghệ và điện ảnh, một trong những cơ hội cho các lò đào tạo phát triển, xuất phát từ chính yêu cầu của cơ quan quản lý về văn hóa đặt ra. Đó là việc 2/3 thời lượng phát sóng phim truyện trên các kênh truyền hình phải là phim Việt Nam, và điều này đã tạo ra một thị trường lớn cho các hãng phim nội địa. Nhiều hãng phim ra đời để cung cấp cho các đài truyền hình, trong khi đó lực lượng diễn viên được đào tạo bài bản và có năng lực diễn xuất thì lại có hạn. Do đó, các hãng phim luôn muốn rút ngắn thời gian tuyển chọn diễn viên và việc sử dụng “người trong nhà” được xem là một giải pháp khả thi. Bên cạnh đó, những người trong cuộc lại lý giải rằng vai phụ trong các bộ phim không quan trọng nên không yêu cầu các “diễn viên mới ra lò” phải giỏi nghề.

Tuy nhiên, những người có trách nhiệm với nghệ thuật lại có cái nhìn hoàn toàn khác biệt. Việc chỉ cần đăng ký học một lớp diễn xuất kéo dài vài ba tháng là có hy vọng được tham gia ngay vào một bộ phim hay một vở kịch sẽ khiến các bạn trẻ lầm tưởng nghệ thuật là một sân chơi dễ dãi; nơi mà chỉ cần có chút tiền đóng học phí là có thể trở thành một diễn viên. Hơn nữa, một bộ phim hay đòi hỏi các tuyến nhân vật phải đồng đều từ vai chính đến vai nhỏ nhất. Khoảng cách về trình độ diễn xuất của các diễn viên trong phim là một trong những yếu tố khiến cho phim Việt Nam ngày càng trở nên kém hấp dẫn trong mắt khán giả.

Ngay cả những người làm công việc đào tạo diễn viên cũng không đồng tình với cách làm “ăn xổi ở thì” của một số nơi. Nghệ sĩ nhân dân Hồng Vân nói rằng, khi mở các lớp đào tạo, chị đặt mục tiêu tạo nguồn nhân lực trẻ cho sân khấu và các dự án phim. Vì vậy, khâu tuyển chọn đầu vào rất khắt khe. Những học viên vượt qua kỳ thi tuyển sẽ được huấn luyện nghiêm túc bằng phương pháp truyền nghề thực tế từ các nghệ sĩ giỏi nghề và giỏi sư phạm như nghệ sĩ ưu tú Hữu Châu, Minh Nhí, Quốc Thảo… Chỉ những học viên thực sự nổi bật trong hai năm học mới được sử dụng cho các vở diễn sân khấu. “Theo thời gian, tài năng của các học viên càng phát triển thì tự nhiên sẽ có chỗ đứng vững chắc”.

Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi cũng cho biết sân khấu cà phê kịch KC của chị là nơi để các học viên thực hành nghề nghiệp và làm quen với cảm giác diễn xuất trước khán giả. Tất cả các vở diễn ở đây đều không có sự xuất hiện của các nghệ sĩ nổi tiếng, vì đây là sân chơi riêng của các học viên và khán giả đến đây thưởng thức cũng hiểu rằng, họ xem các bạn học viên trẻ diễn xuất. Nghệ sĩ Kim Chi không đưa ra lời hứa hẹn mà chỉ tạo điều kiện cho các học viên phát huy khả năng của họ. Ai đam mê nghề nghiệp này thì theo đuổi, còn ai chờ mãi mà không thấy cơ hội đến với bản thân mình thì có thể tự đưa ra quyết định khác.

Nguyễn Huy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Gen Z làm diễn viên: cơ hội xen lẫn thử thách

0
(SGTT) – Thế hệ diễn viên 10X bắt đầu tốt nghiệp và tham gia diễn xuất, khác với 5-10 năm trước, giới chuyên môn...

“Chuyện miền Tây” và “Sức mạnh của chú chó” giành giải...

0
(SGTT) - "The Power of the Dog" đã đoạt giải Quả cầu vàng. Hai bộ phim đã giành các giải thưởng chính được công...

Gặp lại chị Vân của Nổi gió ngày ấy

0
TẤN PHÚ - Có lẽ khi nhắc đến cái tên diễn viên Thụy Vân với vai diễn chị Vân để đời của phim Nổi gió...

Tôi thấy hoa vàng… được chào đón ở Phú Yên

0
HOÀNG BẢY - Đoàn làm phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã về lại những địa điểm quay trong phim để giao lưu...

Ông già chuyên… vai phụ

0
TẤN PHÚ - Hơn 40 năm đứng chân trên sân khấu cải lương với đủ các loại vai diễn, từ nhỏ đến lớn, thậm chí...

Hotboy, hotgirl có làm nóng sân khấu kịch?

0
NGUYỄN HUY - Các sân khấu ở TPHCM đang muốn tạo nên một sắc thái mới lạ bằng cách mời các chân dài nữ...

Kết nối