Chủ Nhật, Tháng Một 19, 2025

Những điểm dừng chân trên ‘con đường Hạnh Phúc’

(SGTT) - “Con đường Hạnh Phúc” (quốc lộ 4C) được xem là con đường kỳ vĩ bậc nhất Việt Nam, gắn liền với các địa danh du lịch nổi tiếng tại Hà Giang như đèo Mã Pí Lèng, dốc Thẩm Mã, cổng trời Quản Bạ, làng H'mông Pả Vi…

Con đường huyền thoại mang tên "Hạnh phúc""

Theo Trung tâm Thông tin du lịch, “con đường Hạnh Phúc” nối thành phố Hà Giang với 4 huyện phía bắc (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc). Được khởi công từ 9-1959, hàng vạn thanh niên xung phong và dân công đã mở đường với dụng cụ lao động thô sơ, trong điều kiện làm việc khó khăn, thiếu thốn về vật chất, cùng với khí hậu khắc nghiệt của vùng cao.

Ảnh: Nhóm Hà Giang Trẻ

Đoạn khó khăn nhất của con đường chỉ có 21km từ Đồng Văn sang Mèo Vạc nhưng phải mất gần 2 năm vất vả thi công. Đoạn đường này chính là con đèo hiểm trở Mã Pì Lèng. Để hoàn thành con đường qua đèo, trong 11 tháng trời hàng trăm thanh niên xung phong đã thay nhau treo mình trên vách đá để đục từng thớ đá, đục từng lỗ mìn, để kéo dài con đường.

Sau 6 năm xây dựng với bao khó khăn, con đường dài gần 200km đã được hình thành với khát vọng mang lại đổi thay cho vùng cực Bắc Tổ quốc. Với ý nghĩa đó, năm 1965 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt tên là “Con đường Hạnh Phúc”

Những điểm dừng chân trên “Con đường Hạnh Phúc”

Dốc Bắc Sum

Ảnh: Lê Dân Nam

Con dốc kéo dài hơn 9km này là thử thách đầu tiên trong hành trình chinh phục "con đường Hạnh Phúc", cũng như cao nguyên đá Đồng Văn. Đây là nơi du khách có thể dừng chân để “săn” biển mây bồng bềnh mỗi buổi sớm.

Dốc Thẩm Mã

Ảnh: Trang Lê

Dốc Thẩm Mã như một điểm nhấn ấn tượng trên “con đường Hạnh Phúc”. Con dốc bao gồm nhiều khúc cua và hành trình chinh phục là một thử thách đối với du khách. Vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng cùng sự mềm mại của cung đường uốn lượn... khiến nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng để lưu lại những khoảnh khắc đẹp.

Đèo Mã Pì Lèng

Ảnh: Nhóm Hà Giang Trẻ

Đèo Mã Pí Lèng nằm ở độ trên 1.000m so với mực nước biển, từ trên đỉnh đèo, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh cao nguyên đá Đồng Văn. Khung cảnh núi non hùng vĩ với một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu của sông Nho Quế tạo nên khung cảnh kỳ vĩ.

Sông Nho Quế

Ảnh: Nhóm Hà Giang Trẻ

Sông Nho Quế bắt nguồn từ Vân Nam, Trung Quốc rồi qua các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Sông Nho Quế phần chảy vào Việt Nam dài 46km, từ Lũng Cú qua hẻm núi Tu Sản và sau đó chạy dọc theo đèo Mã Pì Lèng. Điểm ấn tượng của sông là phần lớn thời gian trong năm nước có màu xanh ngọc.

Cổng trời Quản Bạ - Núi đôi Cô Tiên

Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển

Đứng trên "cổng trời", du khách có thể phóng tầm mắt ngắm bao quát thung lũng Tam Sơn rộng lớn. Nổi bật giữa thung lũng là "núi Đôi Cô Tiên" - một cảnh quan "độc nhất vô nhị" mà thiên nhiên ban tặng cho nơi đây.

Phim trường “Chuyện của Pao”

Ảnh: Fanpage Nhà của Pao

Phim trường "Chuyện của Pao" thực chất là căn nhà của người dân, xây dựng năm 1947. Ngôi nhà mang những nét kiến trúc của người H'Mông vùng cao nguyên đá, khép kín bốn hướng. Khoảng sân trước nhà được lát đá, xung quanh trồng mận, mơ, đào… nở rộ khi Xuân về tạo nên không gian thơ mộng.

Khu phố cổ Đồng Văn

Ảnh: An Phú

Nằm trong vùng lõi của công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, phố cổ Đồng Văn là điểm đến du khách không thể bỏ qua. Phố cổ nằm ở trung tâm thị trấn, được hình thành từ hơn 100 năm trước với kiến trúc mang đậm bản sắc vùng cao.

Làng H’Mông Pả Vi

Ảnh: Nhóm Hà Giang Trẻ

Pả Vi là một làng du lịch cộng đồng mới nhưng đã thu hút được sự quan tâm của du khách khi đến cao nguyên đá Đồng Văn. Những homestay tại làng Pả Vi được xây dựng đúng phong cách của đồng bào dân tộc H’Mông, có hàng rào bằng đá xếp xung quanh, khuôn viên trồng nhiều hoa… tạo nên cảnh quan đẹp.

Đăng Huy tổng hợp

Theo Trung tâm Thông tin du lịch

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối