Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Những công trình kiến trúc độc đáo trong đề cử ‘Top 7 Ấn tượng Việt Nam’ 2024

Du lịchHành trình - Điểm đếnNhững công trình kiến trúc độc đáo trong đề cử ‘Top 7...
(SGTT) – Nhà thờ Kiên Lao (Nam Định), điện Kiến Trung (Thừa Thiên Huế), nhà cổ “trăm cột” (Long An) hay chùa Hàng Còng (An Giang)… là những công trình kiến trúc độc đáo được bạn đọc Sài Gòn Tiếp Thị đề cử vào “Top 7 Ấn tượng Việt Nam” năm 2024.

Nhà thờ Kiên Lao, Nam Định

Cách thành phố Nam Định khoảng 30km, nhà thờ Kiên Lao ở huyện Xuân Trường là một trong những nhà thờ đẹp, có kiến trúc uy nghi mà du khách có thể dành thời gian ghé thăm.

Ảnh: Nguyễn Thế Dương

Nhà thờ có chiều dài 75m, rộng là 26m, cao 28m và tháp chuông cao đến 46, được thiết kế và trang trí bằng các bức tượng đắp nổi, phỏng theo nhà thờ Đức Mẹ Bùi Chu. Điểm nổi bật trong kiến trúc của nhà thờ lớn này chính là mái hình cầu rộng và tháp chuông cao nằm giữa các thôn làng.

Bình chọn cho nhà thờ Kiên Lao vào "Top 7 Ấn tượng Việt Nam" năm 2024 tại đây.

Cầu ngói Chợ Lương, Nam Định

Cầu ngói chợ Lương thuộc huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, được xây dựng dưới thời nhà Lê Sơ, triều vua Lê Tương Dực vào cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16 theo kiểu kiến trúc “Thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu).

Ảnh: Việt An

Với kiến trúc đặc biệt và bề dày lịch sử, cầu ngói chợ Lương được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1990. Công trình được trùng tu hai lần và vẫn giữ được phong cách kiến trúc ban đầu.

Bình chọn cho cầu ngói Chợ Lương vào "Top 7 Ấn tượng Việt Nam" năm 2024 tại đây.

Chùa Tiêu Dao, thành phố Hà Nội

“Ngôi chùa gốm sứ” Tiêu Dao, được xây dựng tại thôn Giang Cao, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Trải qua nhiều thăng trầm và biến cố, nhiều kiến trúc của chùa đã không còn nguyên vẹn. Vào năm 2011, ngôi chùa được trùng tu với ý tưởng đưa những tinh hoa của làng gốm vào kiến trúc, tạo nên nét đặc sắc riêng của ngôi chùa.

Ảnh: Vương Lộc

Hiện, chùa Tiêu Dao ghi nhận có khoảng 78 pho tượng gốm được làm từ bàn tay của những nghệ nhân trong làng. Xung quanh chùa còn có nhiều bức tượng, tiểu cảnh… được làm bằng gốm sứ mang lại không gian thanh tịnh.

Bình chọn cho chùa Tiêu Dao vào "Top 7 Ấn tượng Việt Nam" năm 2024 tại đây.

Vương cung thánh đường Sở Kiện, Hà Nam

Nhà thờ Sở Kiện, hay còn gọi là Kẻ Sở, nằm ở thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, cách Hà Nội khoảng 65km về phía Nam. Cùng với nhà thờ Phú Nhai (Nam Định), nhà thờ La Vang (Quảng Trị), nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn (TPHCM), nhà thờ Sở Kiện là một trong bốn nhà thờ được phong vương cung thánh đường tại Việt Nam.

Ảnh: Nguyễn Trọng Cung

Danh hiệu này được Giáo hoàng tôn vinh đặc biệt dành cho những nhà thờ có kiến trúc to lớn, cổ kính, mang ý nghĩa lịch sử và tâm linh quan trọng.

Bình chọn cho nhà thờ Sở Kiện vào "Top 7 Ấn tượng Việt Nam" năm 2024 tại đây.

Điện Kiến Trung, Thừa Thiên Huế

Điện Kiến Trung nằm bên trong Đại Nội Huế, được vua Khải Định cho xây dựng vào những năm 1921-1923. Đây là công trình độc đáo, mang phong cách kiến trúc Pháp, Ý và cổ truyền của Việt Nam.

Ảnh: Hoàng Lê

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Điện Kiến Trung, hay còn gọi là lầu Kiến Trung được xây dựng dưới thời vua Khải Định với chữ "Kiến" mang nghĩa dựng lên, thành lập, chữ "Trung" hàm ý ngay thẳng, không thiên lệch. Công trình nằm trong khuôn viên rất rộng lớn có nhiều cây xanh, hoa lá, đài phun nước, súng thần công.

Bình chọn cho điện Kiến Trung vào "Top 7 Ấn tượng Việt Nam" năm 2024 tại đây.

Chùa Thanh Lương, Phú Yên

Ảnh: Nguyên Phong

Tọa lạc tại xã An Chấn, huyện Tuy An, chùa Thanh Lương là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của tỉnh Phú Yên. Nằm ở vùng đất xứ biển miền Trung, chùa Thanh Lương mang lại hơi thở của văn hóa biển đảo bằng sự kết hợp khéo léo của san hô. Những bức tường xung quanh chùa cũng được ốp san hô độc đáo.

Bình chọn cho chùa Thanh Lương vào "Top 7 Ấn tượng Việt Nam" năm 2024 tại đây.

Di tích “Nhà trăm cột”, Long An

Nằm ở xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, “Nhà trăm cột” là di tích lịch sử hơn 120 năm tuổi. Nơi đây thu hút du khách bởi kiến trúc độc đáo kiểu nhà rường xứ Huế, cùng 120 cây cột được làm từ gỗ quý.

Ảnh: Nguyên Phong

Nhà có kết cấu kiểu “xuyên trính” – một kiểu thức thời Nguyễn, điển hình cho kiểu kiến trúc dân dụng nhà ở của tầng lớp thượng lưu ở Nam bộ vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.  Gọi là “Nhà trăm cột” nhưng thực chất ngôi nhà này có chính xác 120 cột, gồm 68 cột tròn và 52 cột vuông.

Bình chọn cho di tích "Nhà trăm cột" vào "Top 7 Ấn tượng Việt Nam" năm 2024 tại đây.

Ngôi nhà của Bạch công tử, Tiền Giang

Bạch công tử tên thật là Lê Công Phước, thường gọi là Tư Phước hay George Phước. Ông nổi tiếng bởi sự giàu có, là tay chơi có tiếng xứ miền Nam.

Ảnh: Henry Dương

Ngôi nhà của Bạch công tử được xây dựng vào năm 1925 – 1926 với tổng diện tích khoảng 322m² trên một khu đất rộng hơn 4.000m². Ngày xưa, bao quanh nhà là khu vườn ăn trái rộng. Hiện, ngôi nhà thuộc khuôn viên của Trung tâm văn hóa TP Mỹ Tho, phía sau là hội trường và dãy nhà hai tầng.

Bình chọn cho nhà Bạch công tử vào "Top 7 Ấn tượng Việt Nam" năm 2024 tại đây.

Chùa Hàng Còng, An Giang

Ảnh: Huy Bảo

Chùa Krăng Krốch, hay còn được gọi là chùa Hàng Còng, nằm tại ấp An Hòa, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ngôi chùa này gây ấn tượng với du khách bởi hàng còng cổ thụ nối dài từ cổng đến bên trong khuôn viên chùa, cùng chánh điện mang sắc hồng rực rỡ.

Bình chọn cho chùa Hàng Còng vào "Top 7 Ấn tượng Việt Nam" năm 2024 tại đây.

Tiếp nối thành công sau ba năm triển khai, chương trình “Top 7 Ấn tượng Việt Nam” năm 2024 do Sài Gòn Tiếp Thị – một ấn phẩm của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức nhận đề cử đến hết ngày 20-11-2024.Chương trình có 5 hạng mục đề cử, gồm Top 7 trải nghiệm du lịch ấn tượng, Top 7 công trình kiến trúc độc đáo, Top 7 cảnh đẹp bất ngờ nhìn từ không trung, Top 7 điểm du lịch có cảnh đẹp ấn tượng và Top 7 điểm du lịch sinh thái.Bạn đọc yêu thích du lịch, mong muốn chia sẻ và giới thiệu những điểm đến mới lạ, trải nghiệm du lịch hấp dẫn có thể gửi hình ảnh đề cử vào email: top7atvn@kinhtesaigon.vn với nội dung: Đề cử “Ấn tượng Việt Nam 2024” | Tên hạng mục.

Đăng Huy