BẢO NAM -
Lo ngại về thực phẩm biến đổi gen (GMO) đang trở thành vũ khí của các nhà tiếp thị nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng cho các sản phẩm không biến đổi gen. Trong khi đó, các hiệp hội thương mại mở ra các chiến dịch chống GMO để gia tăng số lượng thành viên và các khoản đóng góp. Hậu quả là người tiêu dùng đang bị móc túi bởi chính sự lo ngại của mình.
Nghịch lý
Các lo ngại về thực phẩm biến đổi gen đã trở thành vũ khí giúp các doanh nghiệp kiếm tiền nhiều hơn.
Ở Mỹ, các tổ chức và các công ty đã đi xa hơn trong việc cung cấp các dịch vụ xét nghiệm nhằm kiểm tra sự hiện diện của các thành phần có nguồn gốc biến đổi gen trong thực phẩm. Tuy nhiên, thành phần biến đổi gen trong thực phẩm đôi khi không thể được phát hiện ra.
Mỗi nhãn hàng hóa được chứng nhận “không biến đổi gen” (non-GMO) có thể có giá vài ngàn đô la Mỹ cho mỗi sản phẩm và đang được sử dụng ngày càng phổ biến. Có thể hiểu điều này được áp dụng cho các sản phẩm truyền thống được chế biến từ ngô, đậu tương, cải dầu và các loại cây trồng biến đổi gen thông thường khác. Tuy nhiên, điều nghịch lý là nhãn mác “không biến đổi gen” xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở các loại thực phẩm không có GMO nhưng không dán nhãn.
Luật liên bang Mỹ tuyên bố các nhãn gây hiểu lầm là bất hợp pháp nhưng việc thực thi còn hạn chế. Mặc dù vậy, người tiêu dùng vẫn sẵn sàng trả thêm tiền để mua các thực phẩm không biến đổi gen dạng này.
Người tiêu dùng bị móc túi
Mới đây, một công ty ngũ cốc đã tung ra một phiên bản non-GMO (không biến đổi gen) của sản phẩm ngũ cốc yến mạch nổi tiếng của mình, trong khi một công ty khác tiếp thị một loại ngũ cốc non-GMO làm từ 100% lúa mì. Điều trớ trêu là không có một loại yến mạch hoặc lúa mì biến đổi gen nào được trồng thương mại ở bất cứ đâu trên thế giới.
Phong trào ghi nhãn không biến đổi gen không chỉ mang đến những thay đổi về giá cả mà còn làm giảm chất lượng sản phẩm khi nhiều loại vitamin đến từ các nguồn vi sinh vật biến đổi gen bị cắt bỏ. Một báo cáo cho thấy khoảng 90% lượng inriboflavin bị cắt giảm trong ngũ cốc yến mạch, toàn bộ vitamin A, B12, D, và riboflavin (một loại vitamin B giúp chuyển đổi carbonhydrat thành đường glucose) bị loại bỏ trong ngũ cốc làm từ lúa mì. Hậu quả là giá sản phẩm tăng, kích thước hộp đựng sản phẩm nhỏ và hàm lượng dinh dưỡng kém hơn.
Việc tiếp thị gây hiểu nhầm này càng lúc càng trở nên xấu đi. Một hãng truyền thông Mỹ đăng tin mặc dù không có bơ biến đổi gen được trồng ở bất kỳ nước nào và dầu bơ được bán với giá 1,47 đô la Mỹ/100 ml. Tuy nhiên, 100 ml dầu bơ dán mác không biến đổi gen được bán với giá cao ngất ngưỡng 5,4 đô la trong cùng một cửa hàng.
Người ta có thể mua muối đá (rock salt) chứng nhận không biến đổi gen, mặc dù nó chỉ chứa natriclorua (muối) và một số tạp chất khoáng. Muối không chứa chất hữu cơ, vì vậy khái niệm biến đổi gen hay không biến đổi gen là vô nghĩa với sản phẩm này. Thậm chí một số cửa hàng còn bán nước đóng chai không biến đổi gen.
Cơn sốt này vẫn chưa có xu hướng dừng lại và người chiến thắng luôn là các công ty có lợi nhuận khổng lồ. Cuối cùng, người thua cuộc lại là người tiêu dùng, những người bị thuyết phục trả tiền nhiều hơn cho các loại thực phẩm đắt tiền và dinh dưỡng kém dựa trên sự sợ hãi được tạo ra bởi các chiến dịch tiếp thị chống biến đổi gen.
Vì vậy, thay vì tập trung vào biến đổi gen, điều quan trọng là người tiêu dùng phải tìm hiểu “không biến đổi gen” thực sự nghĩa là gì để có sự lựa chọn đúng đắn.