Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024

Nhà máy giết mổ khổ vì thủ tục

Vũ Yến-

Theo quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025, đến cuối năm 2017 sẽ đưa vào hoạt động sáu nhà máy giết mổ hiện đại. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa có nhà máy nào đi vào hoạt động, với nguyên nhân là do vướng thủ tục pháp lý và thay đổi chính sách.

heo2Heo chờ giết mổ tại trung tâm giết mổ gia súc ở quận Bình Tân, TPHCM.  Ảnh: Vũ Yến

Chín năm chưa khởi công

Ông Bạch Đăng Quang, Giám đốc Hợp tác xã Tân Hiệp, chủ đầu tư nhà máy chế biến thực phẩm Tân Hiệp tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TPHCM cho biết cách đây khoảng hai tuần, một số chủ đầu tư nhà máy có cuộc gặp với đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM. Theo ông, tiến độ xây dựng các dự án chắc chắn sẽ không hoàn thành như dự kiến (cuối 2017), vì hầu hết các đơn vị đều vướng thủ tục hành chính. Hợp tác xã của ông cũng không nằm ngoài khó khăn ấy.

Ông Quang cho biết, mặc dù thủ tục đầu tư cũng như sự chuẩn bị về máy móc, thiết bị của Tân Hiệp đã hoàn thành (đã có bản quy hoạch chi tiết 1/500, hoàn thành nghĩa vụ thuế để có quyền sử dụng đất), nhưng bước cuối cùng là thẩm định thiết kế cơ sở để cấp phép xây dựng thì vẫn còn phải chờ.

Theo ông Quang, thời gian xây dựng nhà máy phải mất khoảng 8-9 tháng, tức là nếu được phê duyệt trong tháng 11-2017 thì cũng phải tới tháng 8-9 năm 2018 mới có thể đưa nhà máy đi vào hoạt động. Trong thời gian chờ đợi quyết định thẩm định thiết kế cơ sở để cấp phép xây dựng, ông đã gửi văn bản tới Sở Xây dựng đề xuất được thi công san lấp mặt bằng và kéo lưới điện.

“Chúng tôi bắt đầu tiến hành các thủ tục để được phép xây dựng, đầu tư nhà máy từ năm 2008 nhưng cho tới nay vẫn chưa được khởi công”, ông Quang cho biết. Theo ông, sự chậm trễ do thủ tục hành chính đã gây ra những thiệt hại về vật chất, làm mất đối tác, mất cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp.

Đơn cử, trước đây hệ thống xử lý nước thải đã được cấp phép, nhưng sau hai năm do nhà máy chưa khởi công nên theo luật môi trường doanh nghiệp lại phải làm đơn xin cấp phép lại. “Cứ thế, có một hạng mục thôi mà có khi phải xin đi xin lại nhiều lần. Xin phép xong chưa khởi công, chưa hoạt động thì lại có thủ tục mới lại phải bổ sung… Mà quy trình cấp phép của sở, ban ngành nào cũng đúng trình tự, đúng trách nhiệm. Chỉ khổ nhà đầu tư”, ông Quang than thở.

Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), cho biết ngoài những khó khăn về thủ tục hành chính, việc chuyển đổi của công ty từ TNHH MTV sang công ty cổ phần cũng khiến thời hạn khởi công, hoàn thành nhà máy giết mổ heo tại cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan ở xã Lương Bình, huyện Bến Lức, tỉnh Long An chậm trễ. Ông An cho biết, phải tới đầu năm sau Vissan mới có thể khởi công xây dựng nhà máy này, và dự kiến tới cuối 2018 mới đưa vào hoạt động nhà máy có công suất giết mổ 360 con heo/giờ.

Đại diện một đơn vị đầu tư nhà máy giết mổ không muốn nêu tên cho rằng những thủ tục hành chính đang “hành” doanh nghiệp. Mặc dù họ đã khởi công, lắp đặt một số hạng mục nhưng do yêu cầu từ phía cơ quan chức năng (muốn chủ đầu tư đấu thầu trong khi thời gian, thủ tục hướng dẫn phải chờ đợi lâu…) nên doanh nghiệp phải dừng lại chờ.

[box] Theo quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025, dự báo đến năm 2020, dân số TPHCM, chưa kể khách vãng lai, là 10 triệu người. Nhu cầu thịt tươi cho người tiêu dùng thành phố và chế biến thực phẩm cung cấp cho TPHCM và các tỉnh là 5,15 kg/người/tháng, tương ứng với 615.000 tấn thịt/năm.[/box]

Chủ yếu từ các tỉnh

Theo quy hoạch được UBND TPHCM thông qua, sáu nhà máy giết mổ gia súc quy mô công nghiệp bao gồm nhà máy của Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Hóc Môn (công suất 2.000 con/ngày), nhà máy của Hợp tác xã Tân Hiệp (công suất 2.000 con/ngày), nhà máy của Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn (công suất 2.000 con/ngày), nhà máy của Công ty TNHH dịch vụ An Hạ (công suất 3.000 con/ngày), nhà máy của Công ty TNHH thực phẩm Lộc An (công suất 2.000 con/ngày) và nhà máy của Công ty cổ phần Nhị Tân (công suất 1.000 con/ngày).

Ngoài ra, Công ty Vissan sẽ đưa vào hoạt động nhà máy giết mổ heo tại cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan, xã Lương Bình, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, với công suất giết mổ heo 2.500-4.000 con/ngày.

Ông Lê Văn Tiển, Phó giám đốc Công ty TNHH quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, cho biết hiện tại lượng heo từ các cơ sở giết mổ tại Long An về chợ Hóc Môn mỗi ngày khoảng 2.400 con trong tổng số 5.000-5.700 con heo về chợ. Trước đây, số lượng này chỉ vào khoảng 100-200 con. Số heo còn lại về chợ từ các cơ sở giết mổ phát sinh mới ở các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Đồng Nai.

Cũng theo ông Tiển, việc đưa vào hoạt động các nhà máy giết mổ công nghiệp là cần thiết. Nó sẽ giúp việc giết mổ gia súc được đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo nguồn nước thải từ các nhà máy giết mổ được xử lý, không gây nguy hại cho môi trường. Điều này cũng sẽ giúp đảm bảo sự ổn định về công suất giết mổ, hạn chế tối đa sự xáo trộn trong việc giết mổ như sự cố vừa qua liên quan đến cơ sở Xuyên Á, nơi có quy mô giết mổ lớn nhất thành phố (trung bình 5.000 con/đêm, chiếm 50% thịt heo phân phối cho toàn thành phố) bị tạm ngưng hoạt động.

Ông Tiển cho rằng, hiện tại, TPHCM thiếu cơ sở giết mổ, các thương lái phải tìm đến lò mổ tại các tỉnh cũng khiến việc thực hiện đề án quản lý nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo gặp khó khăn. Bởi nếu đó là cơ sở giết mổ tại TPHCM thì việc kiểm tra, kiểm soát sẽ được các cơ quan chức năng của thành phố chỉ đạo trực tiếp, còn các cơ sở giết mổ ở tỉnh thì thành phố chỉ phối hợp thực hiện.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết trước khi lò mổ Xuyên Á bị tạm đóng cửa, heo về hai chợ đầu mối chủ yếu được mổ tại các lò mổ có công suất lớn của TPHCM (công suất 6.000 con/ngày), số còn lại (2.000-2.500 con) đến từ lò mổ của các tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay đa số heo được mổ từ các cơ sở thuộc tỉnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

6 món ăn nên thử khi ghé thăm Đồng Nai dịp...

0
(SGTT) - Trong kỳ nghỉ lễ 30-4, nếu du khách chọn khám phá những địa phương lân cận TPHCM, thì Đồng Nai là một...

Lên Tủa Chùa ngắm cầu treo Pa Phông

0
(SGTT) – Nằm ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, cầu treo Pa Phông là điểm đến được nhiều du khách khám phá trong...

Du khách trải nghiệm không gian văn hoá ẩm thực làng...

0
(SGTT) – Nằm trong chương trình kích cầu du lịch 2024 “Quảng Nam – Miền xanh di sản”, tối 26-4, lễ hội văn hoá...

Bữa trưa ngày đầu nghỉ lễ với lẩu tự chọn cùng...

0
(SGTT) - Trong buổi trưa ngày đầu nghỉ lễ, "Trưa nay ăn gì" gợi ý nồi lẩu với bốn vị nước dùng, cùng chín...

TPHCM: tàu metro số 1 chạy thử toàn tuyến hết 30...

0
(SGTT) - Sáng 26-4, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM tổ chức chạy thử nghiệm tự động tuyến metro số 1 (Bến...

Chèo xuồng, đạp xe khám phá cù lao Tam Hiệp

0
(SGTT) – Đi xuồng chèo trong rạch dừa nước, đạp xe dưới vườn nhãn xanh mát, khám phá vườn lá sâm hay nghỉ dưỡng...

Kết nối