Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Nguy hiểm khôn lường khi trẻ thường xuyên nói dối

Nguyễn Đức Quyết (Hà Nội) –

Cha mẹ nào cũng luôn mong muốn và dạy con không được nói dối, nhưng đôi khi trong cuộc sống, người lớn lại vô tình mắc những sai lầm làm nảy sinh tật nói dối ở trẻ. Nói dối là một phản xạ khi trẻ muốn che giấu lỗi lầm của mình trước người lớn.

Điều này được hình thành một phần do tính cách của đứa trẻ nhưng nguyên nhân lớn nhất vẫn là do thái độ của người lớn đối với những lần mắc lỗi trước đó của trẻ.

Khi trẻ mắc lỗi, vì bực bội, người lớn thường mắng chửi, trừng phạt, phán xét trẻ mà ít khi đủ bình tĩnh để tìm hiểu nguyên nhân hoặc giảng giải cho con hiểu. Chính vì cảm giác lo lắng, sợ hãi bị trách phạt vì những lần mắc lỗi tiếp theo, trẻ sẽ chọn giải pháp nói dối để được an toàn.

Tôi còn nhớ câu chuyện ngày xưa về cậu bạn học cùng lớp cấp 2 được coi là học sinh “cá biệt” của trường. Khi mới vào lớp, cậu là một đứa trẻ vô tư, hồn nhiên, học lực khá. Từ khi bố mẹ ly hôn, cậu dần lơ là việc học. Một hôm, cô giáo dạy toán hỏi cả lớp: “Những ai chưa làm bài tập thì giơ tay xem nào?”. Cả lớp chỉ có mình cậu bạn này dũng cảm giơ tay và nhận lỗi (trong khi chắc chắn có rất nhiều người chưa làm). Nhưng thay vì nhắc nhở thì cô giáo lại dùng chính sự thành thật giơ tay nhận lỗi ấy để trừng phạt cậu. Lần đó, cậu bị ghi tên vào sổ đầu bài, sau đó bị phạt đứng trước học sinh toàn trường trong giờ chào cờ đầu tuần, và chuyện này đã tác động ghê gớm đến tâm hồn non nớt của một đứa trẻ. Cậu bé đã trở thành một học sinh cá biệt từ đó.

Không chỉ có thái độ của người lớn đối với trẻ khi chúng mắc lỗi mà những lần người lớn không thành thật đã làm cho tật nói dối ở trẻ được hình thành.

Nhiều phụ huynh vẫn nghĩ, nói dối trẻ là một việc bình thường bởi trẻ con không biết gì. Nhưng chính từ những lần bị người lớn nói dối kiểu “bố đi một lát rồi về ngay”, “ăn ngoan rồi mẹ cho đi chơi”… nhưng không được thực hiện; hoặc người lớn nói dối nhau ngay trước mặt trẻ đã làm cho bé dần mất đi sự tin tưởng. Và tệ hại hơn là bé sẽ hình thành suy nghĩ, nói dối cũng chẳng phải là việc gì đó quá nghiêm trọng. Câu chuyện của chị bạn tôi là một ví dụ. Khi phát hiện cậu con trai 4 tuổi nói dối, cô đã mắng bé và nhận được câu trả lời rất ngây thơ: “Bố nói dối mẹ suốt có sao đâu!”.

Khi nói dối và nói dối thường xuyên, đứa trẻ không chỉ hình thành thói quen xấu, ảnh hưởng đến nhân cách, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác. Gặp những vấn đề rắc rối trong cuộc sống (bị bạn bè bắt nạt, lạm dụng tình dục…), nếu trẻ không trung thực, bố mẹ sẽ không biết để can thiệp kịp thời và nguy cơ mất an toàn cho trẻ rất cao.

Người ta vẫn thường nói, lời nói gây hành động, hành động gieo thói quen, thói quen gặt tính cách. Điều đó cho thấy lời nói không vô hại như chúng ta vẫn tưởng, những lời nói dối lại càng có ảnh hưởng mạnh mẽ trong việc hình thành tính cách con người, đặc biệt là đối với những đứa trẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thế giới xung quanh ngôi chợ du lịch lớn nhất Đà...

0
(SGTT) – Chợ Hàn – Ngôi chợ truyền thống lâu đời tại Đà Nẵng, đang là điểm đến được nhiều du khách quốc tế...

Phong trào chạy bộ nở rộ nhưng không phải ai cũng...

0
(SGTT) - Hiện phong trào chạy bộ đang phát triển mạnh tại khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, các bác...

Thơm lừng góc chợ Gò Vấp gánh súp cua cô Liên,...

0
(SGTT) - Nếu có dịp đi ngang chợ Gò Vấp và ghé nơi đây mua sắm, ẩm thực là một trong những điều mà...

Hà Nội: Gần 80 gian hàng tham gia Lễ hội Ẩm...

0
Sau ba mùa thành công trước đó, Lễ hội Ẩm thực Pháp "Balade en France" sẽ trở lại với quy mô lớn gấp đôi...

Công thức hai món ăn ‘hot trend’: Milo nấm và bánh...

0
(SGTT) - Sau nhiều trào lưu ẩm thực, hai món ăn milo nấm và bánh mì phô mai tan chảy hiện đang là trào...

‘Mùa cỏ cháy’ trên cung đường trekking Tà Năng – Phan...

0
(SGTT) - Tà Năng - Phan Dũng được xem là một trong những cung đường trekking bậc đẹp nhất Việt Nam. Với thảm thực...

Kết nối