Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Người ủng hộ, kẻ không đồng tình

Sau vụ xe khách giường nằm gặp tai nạn thảm khốc tại Sa Pa (Lào Cai), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang xem xét việc cấm xe giường nằm chạy đường đèo, dốc nguy hiểm. Ý định này của bộ được dư luận quan tâm, có ý kiến ủng hộ nhưng cũng có ý kiến không đồng tình.

Lưu ý chất lượng xe

Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị về khả năng sẽ cấm xe khách giường nằm chạy đường đèo dốc, phó giám đốc một công ty vận tải hành khách có xe hoạt động tuyến Đà Lạt-TPHCM tỏ ra lo ngại. Ông này (đề nghị không nêu tên) cho rằng không thể nói xe khách dạng giường nằm nguy hiểm hơn xe khách dạng ghế ngồi. Theo ông, trong hoạt động kinh doanh chở khách, điều quan trọng nhất đó là các điều kiện an toàn kỹ thuật của xe được đăng kiểm cũng như các điều kiện an toàn cho hành khách như ghế, đai an toàn… Ông cho biết đã từng qua Hồng Kông, đi du lịch trên xe giường nằm hai tầng, xe chạy lên một địa điểm nằm trên núi cao hàng trăm mét. “Vậy mà tôi thấy an tâm trên chuyến xe đó và hoàn toàn thoải mái. Điều đó cho thấy, đường đèo ở Việt Nam tuy có sự nguy hiểm nhưng nếu chiếc xe hội đủ các tiêu chuẩn an toàn thì tai nạn cũng ít xảy ra. Cấm xe giường nằm là không khả thi”, vị phó giám đốc này nói.

Nhiều vấn đề đã được đặt ra đối với vận tải hành khách sử dụng xe giường nằm. Ảnh: Uyên Viễn
Nhiều vấn đề đã được đặt ra đối với vận tải hành khách sử dụng xe giường nằm. Ảnh: Uyên Viễn

Theo ông Nguyễn Thành An, Trưởng chi nhánh nhà xe Thuận Thảo (tỉnh Phú Yên), để giảm tai nạn trên đường đèo cần có những quy định về an toàn kỹ thuật cho xe. Một vấn đề khác là cần xem xét giảm số ghế trên xe giường nằm để chạy đường đèo, việc này thì nhà sản xuất xe cần phải tính toán.

Chưa đồng tình về động thái xem xét cấm xe giường nằm, một doanh nghiệp kinh doanh vận tải tại TPHCM cho rằng Bộ GTVT cần công bố số liệu điều tra về các vụ tai nạn giao thông trên cùng một lộ trình giữa các loại phương tiện vận tải. Ông này đưa ví dụ, tuyến Đà Lạt-TPHCM, trong một năm qua các vụ tai nạn giao thông giữa xe khách giường nằm, xe ghế ngồi (loại 40-45 chỗ) so với xe khách 16 chỗ, xe 7 chỗ và xe 4 chỗ thì tỷ lệ loại xe nào bị tai nạn nhiều hơn? “Các cấp quản lý không nên lấy một trường hợp xe khách bị tai nạn ở Lào Cai mà đánh giá toàn ngành vận tải hành khách. Trong trường hợp vụ tai nạn tại Lào Cai, cần phải mang xe đi giám định chất lượng xem đã đạt tiêu chuẩn an toàn hay không”, ông nêu ý kiến.

Về phía các nhà sản xuất, trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Một, Giám đốc truyền thông của Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) cho biết, việc lo ngại an toàn đối với xe giường nằm chạy đường núi và đèo dốc cần xem xét một cách toàn diện từ tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn an toàn của xe trong đăng kiểm và sản xuất, đến các vấn đề điều khiển phương tiện.

[box type=”bio”] Trước nhiều ý kiến băn khoăn của doanh nghiệp vận tải có xe giường nằm, trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị qua điện thoại hôm qua (7-9), Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định, đây mới chỉ là xem xét cấm xe giường nằm đi đường núi, dốc quanh co nguy hiểm, chứ không phải cấm hết tại các tuyến đường có đèo, dốc. “Việc cấm hay không cũng phải đảm bảo tính pháp lý cũng như vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp nhưng cũng phải đặt tính mạng con người là trên hết”, ông Thăng nói.[/box]

Các nước đã ngừng sản xuất

Nguyên nhân chính dẫn đến vụ tai nạn ở Lào Cai hiện vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, xét về mặt kỹ thuật, PGS.TS. Nguyễn Hữu Hường, giảng viên bộ môn ô tô, Khoa Kỹ thuật giao thông của trường Đại học Bách khoa TPHCM, cho rằng khả năng bị lật của xe hai tầng (kể cả ghế ngồi và giường nằm) khi đi đường đèo, dốc vẫn nhiều hơn xe một tầng vì trọng tâm xe hai tầng cao hơn. Xe cũng dễ bị lật ngang khi vào cua gấp do lực ly tâm tạo ngẫu lực gây lật.

Để hạn chế phần nào nguy hiểm, ông Hường khuyến cáo, đối với xe giường nằm hai tầng khi chạy đường dài thì xe phải được hạ trọng tâm, có thể bằng cách để hàng nặng dưới gầm xe, hạn chế để hàng trên sàn xe và không nên để hàng trên tầng hai. Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý việc tài xế phải sử dụng số linh hoạt theo kỹ thuật đi đường đèo dốc cũng như phải tuân thủ tốc độ cho phép.

Còn theo ông Một của Thaco, trước xu thế hành khách lựa chọn xe giường nằm ngày càng nhiều, không ít xe được cải tạo lại từ xe ghế ngồi thành xe giường nằm, trong khi kỹ thuật sản xuất xe giường nằm phải được tính toán ngay từ khâu thiết kế với kích thước, kết cấu và tính năng đặc thù. Tại Thaco, từ năm 2006 đến nay, công ty đã bán ra thị trường hơn 2.600 xe giường nằm. Trong đó, có nhiều xe được các doanh nghiệp khai thác trên các tuyến có địa hình đồi núi ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên.

Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát về tiêu chuẩn kỹ thuật, tính an toàn cho xe giường nằm. “Nếu có cấm thì chỉ cấm các cung đường ngặt nghèo không đủ tiêu chuẩn giao thông cho dòng xe có chiều dài 12 m kể cả ghế ngồi và giường nằm”, ông Một nói.

Đề cập đến việc có nên sản xuất thêm xe giường nằm hai tầng hay không, ông Hường của Đại học Bách khoa TPHCM cho biết, không có nhiều nước còn cho phép sử dụng xe hai tầng đi đường dài. Ví dụ, tại Trung Quốc, từ tháng 3-2012, chính phủ nước này đã không cho lắp ráp xe khách giường nằm hai tầng.

“Theo tôi, Việt Nam không nên sản xuất thêm xe giường nằm hai tầng vì các nước hiện nay cũng không sản xuất, và không sử dụng. Đối với những xe đã sản xuất và đang hoạt động thì nên quy định chỉ cho chạy ở những đoạn đường ngắn, bằng phẳng và không cho chạy đường đèo núi”, ông Hường nói.

Lê Anh-Uyên Viễn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đề xuất cấm xe giường nằm vào trung tâm TPHCM từ...

0
Sở Giao thông Vận tải TPHCM vừa có tờ trình gửi UBND thành phố đề xuất cấm xe giường nằm vào nội đô...

Xe giường nằm có phải chuyển sang ngồi?

0
Để di chuyển một quãng đường dài, hiện hành khách thường chọn xe giường nằm vì sự tiện nghi và tránh mệt mỏi. Chính...

Kết nối