Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Người trẻ đã đến với âm nhạc hàn lâm

Kiều Giang

Một buổi tối Sài Gòn mưa to kéo dài nhưng khán phòng Nhạc viện TPHCM vẫn tấp nập người ra kẻ vào, mà hầu hết trong số đó là những gương mặt trẻ. Buổi hòa nhạc của Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn đã đưa dòng nhạc bác học này đến gần với công chúng thông qua hàng loạt buổi hòa nhạc có giá vé rẻ nhưng được đầu tư và tổ chức bài bản, chỉn chu.

Năm 2005, từ cái tên ban đầu là Câu lạc bộ (CLB) Nhạc cổ điển Sài Gòn tập hợp khoảng trên dưới 20 bạn trẻ tự thân vận động để tạo sân chơi cho những người có nhu cầu và quan tâm đến âm nhạc cổ điển. Qua trải nghiệm thực tế, CLB đã được đổi tên thành Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn.

Trăn trở tìm lối đi

Những thành viên của Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn chụp ảnh lưu niệm trong một buổi biểu diễn tại Nhạc viện TPHCM.
Những thành viên của Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn chụp ảnh lưu niệm trong một buổi biểu diễn tại Nhạc viện TPHCM.

Nhớ về những ngày đầu, chị Phạm Ngọc Thể Hà, thành viên ban tổ chức của nhóm bộc bạch: “Việc tìm kiếm cơ hội tham gia biểu diễn loại hình âm nhạc cổ điển hoàn toàn không dễ dàng đối với những người nghiệp dư như Hà cũng như các bạn trẻ có chung đam mê này. Do đó, khi biết có một nhóm bạn chuyên tổ chức các buổi biểu diễn nhạc cổ điển, Hà cảm thấy đây là cơ hội tốt để tham gia và rèn luyện thêm về môn nghệ thuật mình yêu thích. Dần dà bản thân ngày một gắn bó và trở thành một trong những thành viên chủ chốt từ lúc nào không hay”.

Ngoài chị Hà, hiện thành viên ban tổ chức còn có Nguyễn Võ Lâm, Đỗ Minh Khoa và Hoàng Thị Quỳnh Tâm. Và, nhóm còn có hơn 10 thành viên khác tham gia hỗ trợ thường xuyên trong các khâu tổ chức sự kiện, dịch thuật, quay phim, chụp ảnh, thiết kế…

Các thành viên trong nhóm cho biết, có rất nhiều khó khăn mà họ phải trải qua để duy trì nhóm suốt gần 10 năm qua. Cái khó lớn nhất là kinh phí để có được một buổi diễn chất lượng, bao gồm các yếu tố địa điểm, nhạc cụ, nguồn kinh phí duy trì hoạt động… Cái khó kế đến chính là khả năng tiếp cận công chúng của loại hình âm nhạc này còn nhiều hạn chế do đòi hỏi thẩm mỹ âm nhạc nhất định của người nghe.

Để duy trì hoạt động, thời gian đầu họ tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, giới thiệu về tác giả, tác phẩm, thể loại; đồng thời tham dự các buổi hòa nhạc tại nhạc viện cũng như Nhà hát TPHCM. Ngoài ra, mỗi năm nhóm tổ chức một buổi biểu diễn nhỏ tại nhà một thành viên với đội ngũ biểu diễn là những thành viên trẻ được đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp đến cả những người nghiệp dư.

Đến đầu năm 2009, nhân sự của nhóm lớn mạnh hơn, họ bắt đầu tổ chức định kỳ hàng tháng những buổi nói chuyện chuyên đề, có sự đầu tư về nội dung và phương cách truyền tải. Các buổi biểu diễn chính thức lẫn biểu diễn nhỏ diễn ra thường xuyên hơn. Và từ năm 2010 đến nay, nhóm bắt đầu tổ chức các chương trình biểu diễn hàng quí theo chủ đề, kết hợp với thuyết trình.

image-(4)

Những buổi biểu diễn quy mô nhỏ của Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn. Ảnh do Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn cung cấp
Những buổi biểu diễn quy mô nhỏ của Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn. Ảnh do Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn cung cấp

[box type=”download”] Bùi Vũ Nguyệt Minh (sinh năm 2000), thành viên trẻ nhất và đã tham gia biểu diễn với Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn từ năm 2007 và hiện đang học lớp 6/9, hệ trung cấp dài hạn chuyên ngành piano tại Nhạc viện TPHCM chia sẻ: “Chúng tôi, những người hoạt động nghệ thuật với tâm hồn nhạy cảm, mong manh đã rất hạnh phúc khi tham gia vào Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn. Từ lúc chỉ có khoảng chục người ngồi diễn và chuyện trò cho nhau nghe khi tôi còn là một đứa trẻ, đến khi chúng tôi được diễn ở những khán phòng rộng lớn, sang trọng với những cây đàn đắt tiền như Steinway & Sons. Cái ước muốn ban đầu ấy không hề nguội dần theo thời gian mà nó lan tỏa rất rộng và sâu sắc. Khán giả tự nguyện mỗi ngày mỗi đông và say đắm hơn. Tôi tin chắc rằng, Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn còn phát triển mạnh vì lý do rất rõ ràng và đầy lý tưởng: Hoạt động không vì lợi ích thương mại mà là vì tình yêu, vì những giá trị nhân văn mà âm nhạc có thể đem đến cho chúng ta. Hãy tới và trải nghiệm môi trường ở đây, dù bạn có là ai, bạn cũng sẽ thấy nó rất tuyệt diệu!”.[/box]

Tạo sự tương tác và kỳ vọng

Đến nay, sau 10 năm thành lập số thành viên và người hâm mộ Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn đã khá đông, với đủ thành phần tham gia, từ sinh viên, nghệ sĩ, nhân viên văn phòng đến cả những chủ doanh nghiệp trẻ và nhóm ngày càng được nhiều người biết đến.

Họ nhận được nhiều phản hồi tích cực từ công chúng, nhất là những khán giả ở độ tuổi 18-35. Có một điều đặc biệt là khi khán giả hài lòng, họ sẵn lòng kêu gọi người thân, bạn bè tham gia những đợt biểu diễn tiếp theo. Theo nhóm, để có được thành quả này là nhờ vào sự duy trì và phát huy được đội ngũ nhân sự có kỹ năng xã hội lẫn chuyên môn âm nhạc; tính kết nối giữa nghệ sĩ và khán giả; cùng sự đầu tư vào nội dung mỗi chương trình hòa nhạc.

“Khán giả hiện nay dễ dàng tiếp cận các trào lưu âm nhạc và họ mong muốn được trải nghiệm cảm giác thăng hoa khi thưởng thức. Nếu nghệ sĩ khai thác đúng, nhạc cổ điển chắc chắn sẽ mang đến nhiều khám phá thú vị và mới mẻ. Về điều này, nhóm đã tạo được sự tương tác giữa người nghe và người tham gia biểu diễn nhạc cổ điển – một loại hình vốn bấy lâu luôn có khoảng cách”, chị Hà cho hay.

Anh Nguyễn Võ Lâm, đang làm việc tại Công ty CPT (lĩnh vực y tế), thành viên ban tổ chức Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn cho biết, có những chương trình nhỏ, nghệ sĩ bị ảnh hưởng tâm lý, nhạc cụ gặp sự cố…, tưởng chừng không thể tiếp tục trình diễn nhưng nhờ sự động viên của khán giả, người nghệ sĩ ấy đã vượt qua được chính mình, có gắng hoàn thành hết tác phẩm chứ không bỏ cuộc.

Sắp tới, nhóm dự định sẽ tổ chức các chương trình biểu diễn và giao lưu âm nhạc cổ điển dành riêng cho sinh viên. Và kế hoạch lâu dài, bên cạnh các chương trình biểu diễn thông thường, nhóm cũng đang lên ý tưởng tổ chức các cuộc thi về nhạc cổ điển nhằm tạo điều kiện cho những nghệ sĩ không chuyên có cơ hội thể hiện, thi thố tài năng và giao lưu cùng người yêu nhạc cổ điển.

Định hướng thứ hai của nhóm là cố gắng tạo thành một tổ chức đi đầu trong các hoạt động biểu diễn về âm nhạc cổ điển cho các đối tượng chuyên nghiệp lẫn không chuyên. Bên cạnh đó, với những khó khăn còn gặp phải về kinh phí, nhóm vẫn đang tìm kiếm những mạnh thường quân có cùng tình yêu âm nhạc, mong nhận được sự hỗ trợ để chấp cánh cho sứ mệnh của nhóm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

An Giang ra mắt Cổng thông tin du lịch thông minh

0
(SGTT) – Ngành du lịch tỉnh An Giang vừa cho ra mắt Cổng thông tin du lịch thông minh và ứng dụng di động...

Du khách quốc tế đến Việt Nam trong quý 1/2024 vượt...

0
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3 đạt gần 1,6 triệu lượt, cao nhất kể từ đầu năm. Tính chung quý...

Nhà nước có cần giải cứu các dự án BOT giao...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại tám dự án BOT giao...

Trải nghiệm trekking, cắm trại trên đồi cỏ Phước Bình

0
(SGTT) - Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Ninh Thuận, Vườn quốc gia Phước Bình (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) nổi tiếng với...

Kích cầu du lịch nội địa dễ ‘mất đà’ khi vé...

0
(SGTT) - Mùa hè 2024 sắp đến, du lịch quí 1 có nhiều khởi sắc, tăng tưởng so với cùng kỳ năm ngoái, tuy...

Trưa nay ăn gì: Bữa trưa quốc tế với món Gaeng...

0
(SGTT) – Trong nhiều món ăn truyền thống của người dân Thái Lan, Gaeng Keow Wan Kai được nhớ đến bởi từng thớ thịt...

Kết nối