Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Người thầy giáo già tật nguyền của tôi

ĐẶNG TRUNG THÀNH – 

Tôi vẫn nhớ mãi người thầy giáo già, tóc điểm hoa râm, một tay lái xe máy ngày hai buổi đến trường. Dù đã hơn mười năm qua nhưng hình bóng về thầy vẫn luôn để lại trong tôi những ký ức không quên của thời áo trắng.

Hồi đó trường thiếu giáo viên môn văn. Thầy được mời về dạy văn dù đã ngoài 60 tuổi. Cái tuổi về hưu lẽ ra thầy phải ở nhà an nhàn cùng con cháu, hưởng thú điền viên hay đi thăm thú bạn bè. Nhưng thầy thì khác. Gia cảnh không được khá giả nên buộc lòng thầy phải cơ cực ở tuổi xế chiều. Thầy lập gia đình sớm nhưng sau tai nạn, thầy mất đi cánh tay, người bạn đời vì thế cũng bỏ thầy ra đi. Mãi đến năm 40 tuổi thầy mới đi thêm bước nữa. Vì vậy mà bây giờ thầy vẫn phải miệt mài làm việc để nuôi ba người con ăn học. Vợ thầy cũng là giáo viên nhưng với đồng lương ở bậc tiểu học không thể nào chi tiêu đủ cho sinh hoạt gia đình.

thumb-102_zpsdab5b6e0

Thú thật, lúc thầy vào lớp tôi dạy, đám bạn đã không ưa thầy chỉ vì thầy… có một tay. Chúng nó bảo: “Cụt tay phải như thế thì làm sao viết bài, chấm bài. Rồi tuổi tác già cốc đế thế này, đầu óc không còn minh mẫn thì dạy ai hiểu”. Bao nhiêu nụ cười chế giễu bủa vây sau lưng thầy. Có lẽ thầy biết nhưng thầy không nói. Thầy vẫn lặng lẽ đến lớp truyền đạt kiến thức cho học sinh, gác bỏ ngoài tai những gì không hay sau lưng mình. Tôi hiểu thầy đang chứng minh cho học trò nhận thức được giá trị thực là thế nào.

Nhưng rồi các bạn trong lớp đã thay đổi suy nghĩ của mình. Thầy viết tay trái nhưng rất đẹp, rất nhanh. Thầy tâm sự, hồi trước thầy thi vào ngành báo chí và đạt điểm cao. Nhưng sau khi ra trường, sau tai nạn giao thông, thầy mất đi cánh tay đắc lực của mình. Thầy giã từ nghề báo, xếp máy ảnh, sổ ghi chép để chuyển sang học sư phạm văn. Phải mất một khoảng thời gian dài thầy mới chấp nhận thực tế, một sự thật phũ phàng đối với thầy. Thầy không đau vì thể xác mà đau ở tâm hồn, người mà thầy thương yêu nhất, từng thề thốt sống với nhau trọn đời đã bỏ thầy ra đi. Nhưng sau đó thầy tự an ủi mình. Có lẽ như thế cũng là một điều may. Ít ra thầy cũng hiểu được lòng người, thà chia tay sớm có lẽ tốt hơn. Vì ngữ văn cũng gần gũi với báo chí nên sau ba năm học lấy văn bằng 2, thầy bắt đầu có công việc khác – nghề giáo.

Thoạt đầu ai cũng nghi ngại về khả năng của thầy. Nhưng dạy lâu ngày, mọi người trong trường đều kính nể vì thầy có năng lực, hiểu tâm lý học trò, dạy theo phương pháp gợi ý chứ không học thuộc lòng. Vì vậy mà cái môn “khó nuốt” này được học sinh đón nhận nồng nhiệt. Những bài nghị luận thầy cho học sinh làm không bao giờ rập khuôn hay giống như trong giáo án. Thầy muốn học trò mình hiểu xúc cảm, tâm hồn, trí tưởng tượng, tính phản biện trong mỗi bài viết là như thế nào. Có như thế học sinh mới thoát khỏi khuôn mẫu cứng nhắc và bài làm không bao giờ giống nhau hoặc khô khốc. Nhiều bạn dù không thuộc bài, nhưng hiểu được dàn ý nên làm rất tốt. Những bạn chưa hiểu bài, điểm kém, thầy ân cần hỏi han, chia sẻ những bí quyết để nâng cấp trình độ nhận thức của các bạn. Những lần học ngữ văn, thầy luôn lồng ghép nhiều câu chuyện thực tế vào để tránh nhàm chán, cổ điển. Dù khuyết tật nhưng thầy tham gia xông xáo các hội thi văn nghệ, cổ vũ học trò chơi thể thao, chịu khó đến thăm những bạn có hoàn cảnh nghèo khó…

Có nhìn thấy thầy lái xe máy mới hiểu được thầy giỏi đến mức nào. Dù đường trơn trợt, ổ gà, ổ voi nhưng thầy vẫn chạy như người bình thường. Biết mình tật nguyền, thầy chạy rất chậm. Thường thì xe máy có tay ga nằm phía bên phải, nhưng với chiếc xe máy cà tàng của thầy thì ngược lại. Để làm được điều đó thầy phải nhờ thợ độ lại cho cánh tay lái xe của mình. Và để quen với chuyện này, thầy kể phải mất vài tháng để tập lái.

Thầy luôn dạy chúng tôi không được xem thường người khác, nhất là người khuyết tật. Thầy bảo: “Các em phải cảm ơn ba mẹ, cảm ơn cuộc sống vì được sinh ra lành lặn, khỏe mạnh. Là người bình thường, các em có nhiều cơ hội tiến thân hơn trong xã hội. Vì vậy hãy cảm thương cho những hoàn cảnh bất hạnh. Xã hội này không có ai là người vô dụng cả. Mỗi cá nhân được tạo hóa ban cho một năng lực đặc biệt khác nhau, cái chính là chúng ta dùng năng lực đó giúp ích cho đời chứ không thui chột trong suy nghĩ tiêu cực, đó mới là điều đáng quý”.

Dù thời gian vô tình lướt qua, cuốn chúng tôi vào cuộc sống nhưng với lời của người thầy giáo tật nguyền năm nào vẫn còn quanh quẩn đâu đây. Thầy giờ đã ra người thiên cổ, cũng sau một tai nạn giao thông mà một cánh tay còn lại không giúp thầy giữ được mạng sống. Lớp 12A1 ngày ấy không khỏi tiếc thương cho sự bạc phước của thầy. Không hẹn mà gặp, cứ vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, dù bận rộn cách mấy thì nhiều bạn trong lớp cũng tranh thủ về thấp nén hương trước mộ thầy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Mùng 3 Tết thầy

0
(SGTT) - Hơn 10 năm qua, lớp chủ nhiệm đầu tiên của thầy Lê Hữu Phúc vẫn giữ truyền thống "mùng 3 Tết thầy"...

20-11 đặc biệt: không hoa, không gặp gỡ, học sinh thăm...

0
(SGTT) - Khác với mọi năm, 20-11 năm nay diễn ra đơn giản nhưng không kém phần ấm áp khi học sinh, sinh viên...

Chuyện những người thắp lửa

0
BẢO HƯỚNG -  Tháng 11 có một ngày lễ để tri ân thầy cô, tri ân những người dạy dỗ, chỉ dẫn ta vào đời....

Kết nối