Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Người mẹ thứ hai

Y Nguyên –  

Nhà tôi anh chị em tổng cộng sáu người. Chị tư là con giữa. Thường theo quan niệm của các cụ ngày xưa thì con giữa là sướng, bởi con cả phải “chịu đầu roi vọt”; con út thì “giàu út ăn khó út chịu”, tức thị một may một rủi; chỉ còn con giữa là “mưa không đến đầu, bùn không đến gót” nên… thong dong. Lý thuyết ấy mà đúng thì chị tư tôi hẳn phải sướng, rất sướng!

maxresdefault

Chị tư tuổi Giáp Ngọ, trên chị là chị hai, rồi anh ba, dưới là anh năm, chị sáu rồi tới tôi. Cầm tinh con ngựa nên chị tư cũng khỏe mạnh nhanh nhẹn như… ngựa, lại còn to con lớn xác. Tuổi ngựa chừng ấy thì quả là may mắn, có điều huy chương nào cũng có mặt trái, chị tư còn “giống ngựa” ở chỗ cứ phải suốt đời làm… con ngựa thồ, nai lưng gánh việc.

Ngày lũ em còn nhỏ, nghe mẹ kể: dù trong trong nhà có anh chị lớn nhưng đỡ đần việc nhà cho mẹ thì chị tư lại là người gánh vác chính. Chị hai tiếng là chị nhưng nhỏ con, chậm chạp, yếu ớt, làm việc mẹ không ưng. Anh ba là con trai, được cha mẹ cưng nên “trây nhớt” ham chơi, thậm chí đồ anh mặc thay ra cũng… đùn cho chị tư giặt hộ, mà chị tư thì tốt tính, thật thà, siêng năng, đùn bao nhiêu việc cũng ôm, miễn sao có được vài lời khen mát ruột. Chị ham việc thật, ngoài thời gian học ở trường, về nhà, ít khi thấy chị ngồi không, chẳng loay hoay việc nọ cũng cắm cúi việc kia, đi đứng lúc nào cũng tất tưởi, vội vàng. Mẹ thường nhìn bộ dạng của chị, chép miệng, thở dài: Tướng ấy rồi vất vả…

Cha tôi mất sớm; anh chị đều đi học xa. Ở nhà, chị tư biến thành “con gái đầu” cho một bầy em lít nhít còn cần người chăm sóc, trong đó có tôi. Hết việc đồng tới việc nhà, chị quần quật gánh vác tất bởi mẹ mới sinh tôi nên còn yếu. Đồng áng, cơm nước xong chị lại nai lưng chăm em – do chị sáu chỉ lớn hơn tôi tuổi rưỡi, còn nhỏ lắm. Tắm rửa, bồng ẵm, đút cơm… Mẹ lo chăm sóc cho tôi thì chị trở thành “bà mẹ” của chị sáu.

Sức người nào phải gỗ đá. Khổ cực trăm bề, chắc có lúc chị cũng cảm thấy đuối, mặt nặng mày nhẹ nhưng hễ thấy mắt mẹ tôi ngấn nước là chị lập tức làm bộ tươi tỉnh, lại nai lưng gánh việc như chẳng có chuyện gì xảy ra. Mỗi khi cực quá, tủi thân thì ra hè… chị lén khóc. Khóc chán lại quệt mắt, quay vào.

Cũng vì nai lưng gánh việc mà chị đuối sức, không kham nổi chuyện học hành, phải đúp lại một năm lớp 8 mặc dù chị học sáng. Mẹ tôi hoảng, bán bớt bò, ruộng, “giảm tải” chuyện nhà để chị lo chuyện học. Giảm bớt thôi chứ việc nhà, việc đồng chị vẫn là lao động chính. Giờ mẹ đi làm đồng được thì không riêng chị sáu mà cả tôi cũng giao qua luôn cho chị tư “làm mẹ”. Chưa chồng con mà chị biết chăm em như mẹ chăm con, đến mức nằm trong vòng tay chị tôi yên tâm chẳng kém gì khi được mẹ bồng ẵm, nâng niu.

Chị hai, rồi anh ba lần lượt lập gia đình, giờ thì trong nhà chị thực sự thành chị cả. Quán xuyến trong ngoài, lo cho mẹ, cho em từ ăn ngủ đến học hành. Chị thương tôi nhất. Chị bảo, tôi nhỏ “út ét”, lại ra đời không cha…. Không cha ư? Nói khó tin nhưng giờ chị chính là “cha”. Đi học, đi chơi ngoài đường đứa nào ăn hiếp tôi là… biết tay chị ngay. Chị làm đồ chơi cho tôi, kiếm sách cho tôi đọc, dạy dỗ kèm cặp tôi đến nơi đến chốn. Mấy chuyện ấy mẹ tôi (mù chữ) không giúp được, mà các anh chị khác trong nhà cũng không ai giúp được; chỉ có chị. Chị dạy mau thuộc, dễ nhớ; lại biết cách “dụ” tôi học bằng những chiêu rất sáng tạo. Còn nhớ, năm tôi học lớp 2, cái bảng cửu chương toán tôi nhai đi nhai lại mãi mà vẫn không sao thuộc nổi. Nguyên do không phải tôi tối dạ mà tôi… ghét toán, cái gì đụng tới số má là tôi ớn lắm. Bù lại tôi thích học văn, biết đọc sách và mê đọc sách rất sớm. Nắm được cái “tẩy” ấy, chị âm thầm tìm, khuân về cuốn truyện đồng thoại Truyện thỏ khắp thế giới. Tập truyện dịch. Mới đọc vài trang đầu đã thấy mê. “Khoe hàng”, cho đọc “khuyến mãi” truyện đầu xong chị… thu hồi sách, ra điều kiện: mỗi ngày học thuộc một chương trong bảng cửu chương mới cho đọc tiếp.

Bị “chiếu bí”, tôi nhớ chỉ mất đâu độ nửa tháng hè là thanh toán xong cái bảng cửu chương học hàng năm không thuộc.

Chị lấy chồng muộn, cứ lấy cớ mẹ già, em dại mà lần lữa. Mẹ phải làm dữ chị mới nghe. Hôn nhân bất hạnh nửa đường gãy gánh, chị lại bồng con quay về, lại trở thành “bà chị cả” trong nhà mà lo toan mọi việc trước sau. Không, chính xác giờ chị không còn “chị cả” nữa mà là mẹ. Mẹ mất nhưng chúng tôi còn có chị. Chị thành mẫu hình hệt như người chị trong bài hát Chị tôi của Trần Tiến: lo dựng vợ gả chồng cho từng đứa em. Vậy mà đã yên đâu, có chuyện gì lục đục, khó khăn cũng dắt nhau về réo chị. Có bực mình mắng mỏ tý chút nhưng xong chị lại bỏ công việc mà đi dàn xếp, làm tất cả những gì chị có thể làm.

Ngày vợ chồng tôi ly hôn, chị khóc như chính chị là người trong cuộc, đau cho nỗi đau của em mà lực bất tòng tâm không giúp gì được. Chị giờ đã trên tuổi sáu mươi, sống chật vật với thu nhập ít ỏi từ mấy sào ruộng. Cả một đời quên mình lo toan cho gia đình, em út, chị có giữ riêng gì cho chị đâu? Vậy mà biết tôi đau ốm, khó khăn sau ly hôn, chị đến thăm, mắt trước mắt sau móc từ cạp quần ra một chỉ vàng dúi tay tôi: “Cho cậu. Để thuốc men, bồi dưỡng”.

Nhìn mái đầu bạc phơ trước tuổi, nhìn gương mặt nám từng vệt đồi mồi, đuôi mắt rạn chân chim của chị mà tôi suýt khóc. Chị ơi, chị có biết rằng, từ lâu, chị đã thành người mẹ thứ hai của em không!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

EU thất thu lớn vì giá tín chỉ carbon giảm sâu

0
(SGTT) - Giá carbon ở Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh trong năm nay khiến doanh thu bán tín chỉ carbon của EU...

Tăng cường 2.000 chuyến bay đêm, giá vé ‘hạ nhiệt’ dịp...

0
(SGTT) - Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết đang mở bán tăng cường 2.000 chuyến bay đêm (từ sau 21:00 giờ) trên các...

Thơm lừng góc chợ Phạm Văn Hai với tô bánh đa...

0
(SGTT) - Bánh đa là sợi bánh thân quen trong một số món ăn của người dân Hải Phòng. Theo dòng chảy văn hóa...

Thảo Cầm Viên tổ chức lễ hội ẩm thực ba miền...

0
Với quy mô hơn 50 gian hàng, cùng 149 món bánh truyền thống, lễ hội ẩm thực "Non sông thống nhất" diễn ra từ...

Loạt sự kiện du lịch tại các địa phương dịp lễ...

0
(SGTT) - Lễ hội Diều khổng lồ tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hoà) hay...

Nghĩ về cuộc đấu giá 3 mỏ cát với mức trúng...

0
(SGTT) – Vụ đấu giá ba mỏ cát ở Hà Nội với giá trúng cao gấp hàng trăm lần giá khởi điểm đã trôi...

Kết nối