Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Ngắt kết nối để kết nối

CHÍNH PHONG –

Hãy tưởng tượng một thế giới không có Wi-Fi, e-mail hay tin nhắn, điện thoại. Cũng chẳng Facebook, Twitter, Instagram, Skype… Nghe có vẻ như không thể khi mà bản khảo sát của Nielsen chỉ ra trung bình một người nhìn vào màn hình điện thoại 150 lần mỗi ngày, sử dụng Facebook 8 tiếng mỗi tháng, các bạn trẻ thì mất đến 60 phút mỗi ngày để nhắn tin…

Kỳ nghỉ cho não bộ

Con người ngày một lệ thuộc vào công nghệ thì ý chí thoát ra khỏi nó ngày càng lớn. Bởi vậy, trên thế giới nhu cầu nghỉ dưỡng kiểu “unplugged vacation” (kỳ nghỉ không cắm điện) ngày một nhiều. Người ta muốn cùng gia đình hay nhóm bạn, đến những nơi thiên nhiên hoang sơ, không sóng Wi-Fi, không sóng điện thoại, thậm chí không có cả hệ thống điện lưới. Ở đó, sách và các trò chơi dân gian thay cho Kindle và Nintendo, máy ảnh phim thay camera trên điện thoại di động, những cuộc nói chuyện mặt đối mặt và thư từ, thiệp được viết tay thay cho nói chuyện qua mạng xã hội; lửa trại thay Firefox, núi rừng lấp chìm Internet Explorer…

Gia đình nào cũng có thể thiết lập được quy ước không sử dụng thiết bị công nghệ bên bàn ăn để gắn kết với nhau hơn.
Gia đình nào cũng có thể thiết lập được quy ước không sử dụng thiết bị công nghệ bên bàn ăn để gắn kết với nhau hơn.

Số lượng điểm du lịch và khách sạn chủ động ngắt Wi-Fi, chuyển sang chế độ công nghệ thấp (low tech) và ra các gói nghỉ dưỡng “braincation” (nghỉ não bộ) để đáp ứng nhu cầu trên ngày một lớn. Marriott Resorts chẳng hạn, sau khi thử nghiệm đã biến tám khu nghỉ dưỡng của họ ở khu vực Caribbean và Mỹ Latin thành các khu nghỉ công nghệ thấp.

Nhưng liệu một kỳ nghỉ kiểu “braincation” 4-5 ngày có “cắt cơn” được cho các con “nghiện” công nghệ, mà ước tính trên thế giới có 420 triệu người mắc hội chứng “Internet Addiction Disorder” kiểu này? Chắc chắn là không.

Ngay cả Mike Gast, đại diện của tổ chức Kampgrounds of America (KOA) phải thừa nhận: “Nghe có vẻ phản tác dụng vì ở các khu cắm trại các thiết bị di động đang là thực tế cuộc sống”. KOA thành lập từ năm 1962, là tập đoàn sở hữu hệ thống các khu cắm trại ngoài trời lớn nhất thế giới với gần 500 địa điểm ở Mỹ và Canada. Hầu hết các địa điểm của KOA đều có Wi-Fi.

Mệt nhoài, bụi bặm, vui vẻ là công thức ở các khu cắm trại ngoài trời với các trò bơi lội, câu cá, trèo cây, kayak, đạp xe nhưng Gast vẫn nói: “Vào một ngày mưa, Wi-Fi vẫn có ích, ngưng kết nối hay không là tùy mỗi người thôi”. Vâng, thì tùy mỗi người vậy.

Hũ tiêu thần kỳ

Giữa năm ngoái, thương hiệu Dolmio chuyên sản xuất các loại nước sốt và gia vị từ Úc tung ra sản phẩm “Pepper Hacker” (tin tặc hạt tiêu) với bề ngoài là chiếc máy xay hạt tiêu nhưng thực tế bên trong là một cỗ máy công nghệ để các bậc cha mẹ tắt Wi-Fi router, smartphone, ti vi chỉ bằng một động tác xoắn tay. Đoạn clip mang tên “Công nghệ cưỡng đoạt thời gian bữa ăn gia đình, hãy xem Pepper Hacker giáng trả ra sao” thu hút được hơn 7 triệu lượt xem trên YouTube.

Nhiều người xem cho rằng đây là thiết bị giả nhằm quảng cáo cho Dolmio chứ làm sao có chuyện một thương hiệu nước sốt nhảy sang sản xuất hàng công nghệ. Nhưng công ty công nghệ Úc Clemenger BBDO hợp tác với Dolmio tạo ra Pepper Hacker khẳng định sản phẩm là có thật và họ sẽ sản xuất đại trà để tung ra thị trường. Muốn Pepper Hacker làm việc, kết nối nó với ổ điện tổng cấp điện cho các thiết bị điện tử. Để điều khiển điện thoại thông minh, máy tính bảng, phải cài đặt ứng dụng AirWatch vào các thiết bị đó, đây là ứng dụng có thể khóa các thiết bị đó từ xa. Sau đó kết nối Pepper Hacker với AirWatch.

“Chúng tôi tin rằng bữa ăn vốn là nơi chia sẻ tình cảm giữa các thành viên gia đình đang thường xuyên bị xao lãng bởi các thiết bị công nghệ, vì thế chúng tôi tạo ra sản phẩm này để giúp mọi người kết nối với nhau bên bàn ăn”, ông Richard Stear, Giám đốc tiếp thị của Dolmio cho biết: “Một khi bạn ngưng kết nối với công nghệ ở bàn ăn, bạn thật sự có thể kết nối với nhau như một gia đình”. Khảo sát riêng của Dolmio cho thấy trung bình một hộ gia đình ở Úc có 12 thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng, ti vi… Và 69% hộ gia đình đã chứng kiến ít nhất một cuộc tranh cãi bên bàn ăn mà “thủ phạm” chính là các loại thiết bị công nghệ.

Trong clip của Dolmio, khi bà mẹ dọn đồ ra bàn ăn thì ông bố đang mải mê xem phim ở phòng khách, cô con gái đang lướt Facebook, cậu con trai đang chìm đắm vào game, đã khóc nằng nặc lúc được mẹ bế ra bàn ăn. Khi ngồi vào bàn ăn, mỗi người lại cắm mặt vào các thiết bị công nghệ của mình. Có trong tay Pepper Hacker, bà mẹ xoắn tay một cái, tất cả các thiết bị tắt phụt trong sự tức giận của mọi thành viên trong gia đình. Nhưng đó chẳng phải là tận cùng thế giới. Không có thiết bị công nghệ, họ ngồi bên bàn ăn nói chuyện, cười đùa như thể cả tháng mới gặp lại.

Kết nối phải là sự tự nguyện

Có người bình luận Pepper Hacker có thể bị các công ty công nghệ kiện, có người nói các thiết bị dừng đột ngột tạo ra sự cáu giận trong các thành viên gia đình và điều này là phản tác dụng, dạy con như thế không nên. Nhưng với một bà mẹ đã từng thất vọng qua nhiều bữa ăn gia đình, tối thiểu một hành động “rút dây” như vậy là có thể chấp nhận được?

Có người cho rằng những ai sử dụng thiết bị công nghệ bên bàn ăn cũng chính là người trước đó đọc sách hay xem ti vi trong lúc ăn. Những hành vi từ thuở không công nghệ đó cũng xấu như hành vi mải mê công nghệ mà quên bữa ăn như hiện nay. Nhưng phải thừa nhận rằng điện thoại thông minh hay máy tính bảng bây giờ có sức hút đối với mọi lứa tuổi hơn cuốn sách in ngày trước.

Có người trẻ nói nếu Pepper Hacker ra thì anh ta sẽ là người mua đầu tiên, để bà mẹ anh không thể xem phim truyền hình trong lúc ăn, và để ông bố không mang đồ ăn ra phòng khách vừa ăn vừa xem một chương trình truyền hình khác. Người trẻ khác nêu ý kiến thà mỗi người cắm đầu vào một thiết bị công nghệ hơn là ngẩng mặt lên là cãi nhau, hoặc không ai nói với ai lời nào, hoặc cả nhà phải nghe bài ca cẩm quen thuộc từ bà mẹ.

Một bà mẹ khác giận dữ: “Nếu bọn trẻ quyết định rằng iPad của chúng tốt hơn thức ăn của tôi, nếu chúng không bước đến bàn ăn khi thức ăn được dọn ra thì chúng đừng nghĩ rằng thức ăn vẫn còn ở trên bàn khi chúng muốn ăn”.

Các thiết bị công nghệ không có lỗi, Pepper Hacker không có lỗi, và dĩ nhiên sự kết nối công nghệ cũng không có lỗi. Lỗi là do chúng ta, những bậc cha mẹ mê phim truyền hình bảo sao được những đứa trẻ mê máy tính bảng. Những bậc cha mẹ không quan tâm đến con, không có chuyện gì để nói với con thì trách sao chúng cứ cắm mặt vào những thứ đó. Không cần Pepper Hacker, gia đình nào cũng có thể thiết lập được quy ước không sử dụng thiết bị công nghệ bên bàn ăn, hoặc thiết lập được “Ngày Chủ nhật không thiết bị số” để gắn kết với nhau hơn.

“Ngắt kết nối để kết nối” – Disconnect to Connect, đó là một sự tự nguyện của các thành viên trong gia đình.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

EU thất thu lớn vì giá tín chỉ carbon giảm sâu

0
(SGTT) - Giá carbon ở Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh trong năm nay khiến doanh thu bán tín chỉ carbon của EU...

Tăng cường 2.000 chuyến bay đêm, giá vé ‘hạ nhiệt’ dịp...

0
(SGTT) - Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết đang mở bán tăng cường 2.000 chuyến bay đêm (từ sau 21:00 giờ) trên các...

Thơm lừng góc chợ Phạm Văn Hai với tô bánh đa...

0
(SGTT) - Bánh đa là sợi bánh thân quen trong một số món ăn của người dân Hải Phòng. Theo dòng chảy văn hóa...

Thảo Cầm Viên tổ chức lễ hội ẩm thực ba miền...

0
Với quy mô hơn 50 gian hàng, cùng 149 món bánh truyền thống, lễ hội ẩm thực "Non sông thống nhất" diễn ra từ...

Loạt sự kiện du lịch tại các địa phương dịp lễ...

0
(SGTT) - Lễ hội Diều khổng lồ tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hoà) hay...

Nghĩ về cuộc đấu giá 3 mỏ cát với mức trúng...

0
(SGTT) – Vụ đấu giá ba mỏ cát ở Hà Nội với giá trúng cao gấp hàng trăm lần giá khởi điểm đã trôi...

Kết nối