Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Ngành điện tử vắng dần doanh nghiệp nội

Kiều Phong – 

Những năm 1990, ngành điện tử có một loạt doanh nghiệp tên tuổi trong nước như Viettronics Tân Bình, Viettronics Thủ Đức, Viettronics Biên Hòa, Công ty Hanel (Hà Nội)… Nhưng nay thì hầu như các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò chủ chốt.

lap-rap-loa-tai-mot-doanh-nghiep-dien-tu-trong-nuoc

Trong một buổi tọa đàm về ngành điện tử Việt Nam diễn ra gần đây tại Hà Nội, không thấy có bóng dáng một doanh nghiệp điện tử trong nước nào tham dự mà chủ yếu là các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp FDI.

Trước đây, các doanh nghiệp trong nước hoạt động trong ngành điện tử khá sôi nổi với những cái tên như Hanel, Viettronics Tân Bình, Viettronics Thủ Đức, Viettronics Biên Hòa… Nhưng những cái tên này dần biến mất sau khi mua bán, sáp nhập và trong ngành điện tử chỉ còn lại các doanh nghiệp có vốn nước ngoài như Samsung, LG, Canon, Panasonic, Sanyo…

Theo điều tra mới đây của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), có tới 99/100 doanh nghiệp lớn nhất của ngành điện tử là các doanh nghiệp FDI, chỉ một doanh nghiệp còn lại là doanh nghiệp trong nước.

Các doanh nghiệp nội cũng không thể tham gia vào chuỗi cung ứng cấp 2, cấp 3 của các doanh nghiệp ngoại ngay trên sân nhà. Đánh giá về thực tế này, tại hội thảo trên, bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Công ty Canon Việt Nam, cho hay Canon đặt mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa là 70% cách đây ba năm mà tới nay vẫn chưa thể thực hiện được. Trong số 120 doanh nghiệp cung ứng cho Canon hiện nay, số doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay và cũng chỉ cung cấp các sản phẩm đơn giản như thùng carton, bao bì, nhãn…

Còn ông Nguyễn Quang Hoàng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Điện tử Foster (Đà Nẵng), công ty chuyên sản xuất các thiết bị âm thanh của Nhật Bản, cho hay, dù đã cố gắng tìm kiếm các nhà cung ứng trong nước nhưng tới nay tỷ lệ nội địa hóa của Foster mới chỉ đạt không quá 10%, chủ yếu cung cấp các sản phẩm đơn giản như thùng giấy, nhãn hàng, túi nylon…. Trong khi những sản phẩm chính, có giá trị cao, Foster đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Một trong những đóng góp lớn của doanh nghiệp FDI là tạo công ăn việc làm, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp. Điều tra của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy số lượng công nhân trong ngành điện tử đã tăng hơn 7 lần, từ 46.000 năm 2005 lên hơn 325.000 công nhân năm 2013. Trong đó, 80% là lao động nữ và còn rất trẻ.

img_4073 Trên thị trường, sản phẩm điện tử chủ yếu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Nhưng cũng tại hội thảo trên, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho rằng lao động trong nước làm việc ở các doanh nghiệp FDI ngành điện tử phần lớn là lao động giá rẻ, trình độ thấp, lắp ráp là chủ yếu.

Còn theo ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, các doanh nghiệp điện tử FDI tuy có môi trường làm việc sạch, vô trùng, có điều hòa, nhưng người lao động khá vất vả, căng thẳng đầu óc với các chi tiết linh kiện rất nhỏ. Do đó, thời gian làm việc của người lao động trong ngành này chỉ kéo dài trong 10 năm, ngoài 30 tuổi là bị đào thải…

Cùng mổ xẻ vấn đề tại hội thảo trên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng ngành điện tử đã vươn lên thành ngành đem lại nhiều ngoại tệ cho đất nước nhưng thiếu tính bền vững, giống như hình ảnh “lâu đài xây trên cát”.

Điều đó được thể hiện qua tính chất gia công và phụ thuộc hoàn toàn vào dòng vốn FDI. Lao động chủ yếu là nữ, trình độ tay nghề đơn giản. Thiếu sự kết nối giữa doanh nghiệp nội và ngoại nên khả năng tận dụng cơ hội của doanh nghiệp nội trước bối cảnh hội nhập là yếu.

Theo ông Lộc, việc quan trọng là các doanh nghiệp trong nước cần phải “trèo” lên được chuỗi giá trị cao hơn thông qua việc bắt tay, hợp tác với doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những biện pháp hiệu quả để phát triển thị trường lao động thông qua đặt hàng của doanh nghiệp.

Bà Huyền, đại diện Canon, cho rằng Nhà nước không nên hỗ trợ đại trà mà nên lựa chọn vài doanh nghiệp thực sự có tiềm năng và hỗ trợ những doanh nghiệp này phát triển để họ làm đầu tàu, kéo các doanh nghiệp khác phát triển theo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Khởi công xây dựng nút giao Tân Vạn đường Vành đai...

0
(SGTT) -  Nút giao Tân Vạn kết nối tỉnh Bình Dương với TPHCM đã được khởi công xây dựng. Đây là một trong những...

Việt Nam từ trên cao: Khung cảnh thu hoạch rau nhút...

0
(SGTT) – Khung cảnh thu hoạch rau nhút ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TPHCM thu hút nhiều nhiếp ảnh gia tìm đến...

Trưa nay ăn gì: Giòn sần sật món đậu que xào...

0
(SGTT) – Đậu que giòn sần sật xào cùng thịt tôm ngọt thanh mang đến bữa cơm trưa thơm ngon, giàu dinh dưỡng cho...

Du lịch Quảng Nam ‘khơi chuyện’ để tiếp cận du khách...

0
(SGTT) - Bước vào mùa Hè cũng là cao điểm của mùa du lịch, việc tung ra các gói kích cầu đúng thời điểm...

Cảnh báo lừa đảo xuất khẩu lao động sang Canada

0
(SGTT) - Công an thành phố Hà Nội cho biết thời gian qua phát hiện một số quảng cáo được đăng tải trên các...

Mẹ rùa Malaysia vượt biển đến Côn Đảo đẻ trứng

0
(SGTT) - Ngày 22-4, một rùa mẹ đeo thẻ quốc gia Malaysia đã bơi vào bãi Cát Lớn tại hòn Bảy Cạnh, thuộc Vườn...

Kết nối