Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Ngành chip Đài Loan tìm kiếm nhân tài từ Việt Nam và Đông Nam Á

(SGTT) - Ngành chip Đài Loan đang chuyển trọng tâm sang thu hút sinh viên Đông Nam Á, đặc biệt là từ Việt Nam, nhằm bảo đảm nguồn lực cho ngành bán dẫn trước tình trạng dân số lão hóa của hòn đảo.

Một buổi học về ngành bán dẫn tại Đại học Khoa học và công nghệ Minh Tân – nơi có được các thiết bị hiện đại nhờ hỗ trợ của chính quyền và các hãng chip hàng đầu Đài Loan. Ảnh: MUST

Các số liệu của Bộ Giáo dục Đài Loan cho thấy số lượng sinh viên Việt Nam hiện đứng đầu trong tổng số sinh viên các nước tại Đài Loan. Tính đến hết năm 2022, sinh viên Việt Nam đạt gần 24.000 người, chiếm tỷ lệ hơn 22% trong tổng số 103.000 sinh viên nước ngoài tại Đài Loan. Trong số này, hơn 16.000 người theo học các chương trình đại học và cao học, hơn 7.000 người học các khóa ngôn ngữ.

Ngành chip khát nhân lực nước ngoài

Ở ngoại ô Tân Trúc, phiên bản Silicon Valley của Đài Loan, sinh viên Đại học Khoa học và công nghệ Minh Tân (MUST) được thực hành trực tiếp trên các thiết bị hiện đại được sử dụng trong các nhà máy chip hàng đầu của Đài Loan. Sinh viên cũng có thể thực tập tại các hãng chip lớn như TSMC, Ase Technology Holding và Powertech Technology.

Trường Bán dẫn của MUST – được mệnh danh là “nhà máy TSMC thu nhỏ” – đặt mục tiêu đào tạo các chuyên gia ngành chip có thể làm việc ngay tại các hãng chip sau khi ra trường. Gần 700 trong khoảng 2.300 sinh viên của trường đến từ Việt Nam, tỷ lệ hơn 30%.

Một sinh viên Việt Nam đã chọn theo học ngành thạc sĩ ngành chip tại Đài Loan. Chàng trai 23 tuổi dự định làm việc ba hoặc bốn năm tại một công ty công nghệ bán dẫn Đài Loan sau khi tốt nghiệp.

Những chương trình như thế này phản ánh nỗi lo ngại về tình trạng thiếu nhân tài của các hãng công nghệ Đài Loan.

“Chúng tôi đang cần thêm hàng chục nghìn nhân công. Các công ty và trường đại học cần hợp tác cùng nhau để bồi dưỡng nhân tài”, theo lời ông Trương Hợp, hiệu trưởng Trường bán dẫn MUST.

Tiền lương không dư dả, giá bất động sản tăng cao và các áp lực khác đã đẩy tỷ lệ sinh của Đài Loan xuống thấp trong những thập niên gần đây. Tỳ suất sinh, giá bất động sản tăng cao và các áp lực khác đã đẩy tỷ lệ sinh của Đài Loan xuống thấp trong những thập niên gần đây. Số ca sinh mỗi năm của cả hòn đảo giảm xuống mức thấp kỷ lục khoảng 135.000 trong năm 2023 từ mức hơn 300.000 vào những năm 1990. Trong khi đó, sự cạnh tranh về nhân tài trong ngành bán dẫn ngày càng gia tăng. Chỉ riêng TSMC hiện đã tuyển mới 6.000 nhân sự mỗi năm, riêng năm 2022 TSMC tuyển mới hơn 8.000 người, bao gồm kỹ sư nước ngoài.

Nhu cầu về chip dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh có những tiến bộ về trí thông minh nhân tạo (AI) và các công nghệ khác. Với tỷ lệ phụ thuộc lớn vào ngành chip, chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục Đài Loan đối diện nhiều thách thức và phải có các chiến lược dài hạn để bảo đảm nguồn nhân tài cho ngành công nghệ chip.

Sinh viên Việt Nam hiện chiếm tỷ lệ cao nhất 22% trong tổng số 103.000 sinh viên nước ngoài tại Đài Loan tính đến hết năm 2022. Indonesia và Malaysia lần lượt giữ vị trí thứ hai và thứ ba. Nguồn: Bộ Giáo dục Đài Loan

Chiến lược lâu dài thu hút nhân tài từ Đông Nam Á

Sinh viên các nước Đông Nam Á và các nơi khác được xem là một phần của giải pháp. Đài Loan năm ngoái đã công bố kế hoạch chi 5,2 tỉ Tân Đài tệ (163 triệu đô la) vào năm 2028 để thu hút 320.000 sinh viên nước ngoài vào năm 2030, tập trung vào khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM). Điều này có nghĩa rằng tốc độ tiếp nhận du học sinh phải nhanh gấp đôi so với trước.

Đài Loan cũng đưa ra một khuôn khổ mới trong năm nay. Theo đó, chính quyền và các công ty tuyển dụng hỗ trợ tài chính cho sinh viên nước ngoài, đổi lại sinh viên sẽ làm việc tại công ty tài trợ trong một thời gian nhất định sau khi tốt nghiệp. Mục tiêu của chương trình là có khoảng 70% sinh viên quốc tế làm việc tại Đài Loan sau khi tốt nghiệp, tăng từ mức 40-50% hiện nay.

Sinh viên ASEAN là mục tiêu chính của chương trình này. Các chương trình tuyển dụng gần đây tập trung vào Việt Nam, Indonesia, Philippines và các nơi khác trong khu vực.

Theo các quan chức của Cơ quan Phát triển công nghiệp (IDA) thuộc Bộ Kinh tế, IDA đang chuẩn bị các chuyến thăm và chiến dịch tuyển dụng đến Philiippines vào tháng 3 này, Malaysia và Indonesia vào tháng 6, Việt Nam vào tháng 9. Ase Technology Holding Co. và Powertech Technology Inc. cũng đăng ký theo đoàn IDA đến Philippines – vốn là nguồn cung cấp nhân tài cho hai hãng đóng gói và kiểm nghiệm chip này trong nhiều năm qua.

IDA giải thích Malaysia đã trở thành mục tiêu chính của những người tìm kiếm nhân tài Đài Loan vì nhiều người có thể nói tiếng Hoa và có đông sinh viên Malaysia đang theo học ở Đài Loan. Trong khi đó, Việt Nam thu hút sự chú ý của các hãng chip Đài Loan vì khát vọng học hỏi của người trẻ với ngành thiết kế vi mạch. Tháng 7-2023, Đại học Minh Tân đã mở văn phòng tại TPHCM nhằm thu hút du học sinh Việt Nam đến học ngành bán dẫn và công nghệ khác tại Minh Tân và các trường đại học Đài Loan.

Singapore đã bị bỏ qua trong các chuyến công tác 2024 do khác biệt rõ rệt về nguyện vọng làm việc. Theo IDA, giới trẻ Singapore không muốn đến làm việc ở Đài Loan. Họ chỉ thích làm việc tại các nhà máy địa phương do MediaTek Inc. và United Microelectronics Corp. thành lập, do có mức lương cao và nhiều phúc lợi khác.

IDA cho biết trong các chuyến công tác đầu tiên đến năm quốc gia Đông Nam Á trên trong năm 2023, các hãng chip Đài Loan như MediaTek, United Mircoelectronics, Phison Electronics Corp và Realtek Semiconductor đã tuyển được 316 nhân sự đến Đài Loan học tập và làm việc. TSMC và Ase không công bố chi tiết.

Ricky Hồ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối