Thứ hai, Tháng mười hai 2, 2024

Ngẫm giữa chợ mai cuối năm

Xuân Huy

Năm nào cũng vậy, cứ khoảng một tháng trước tết Âm lịch là tụi bạn quê lại gọi điện thoại hoặc nhắn tin Facebook, rủ tôi trước tết khoảng 15 ngày bắt xe từ Sài Gòn về quê, leo núi chặt mai chưng tết. Đó là những người bạn từng đi chặt mai chung thuở nhỏ, những người bạn lủi rừng, leo núi cùng nhau rất hợp cạ. Do công việc cận tết khá nhiều, tôi thường không về được. Dù vậy, tâm trạng háo hức lắm.

Ở một tỉnh miền Trung có rừng núi và khí hậu khô hạn như quê tôi, mai khá nhiều. Mai có hai loại, mai rừng và mai núi. Mai rừng mọc trên đất cằn, dọc các khe nước, cạnh các tảng đá nhỏ, có thân màu nâu, thẳng hoặc cong tương đối. Do mai rừng thân thẳng, được bó thành từng bó tua tủa nên người ta gọi là mai chà. Mai chà thường ra bông to, khoảng năm đến tám cánh. Còn mai núi mọc trên các triền núi đá vôi, cong tự nhiên, thân có nhiều màu tùy thuộc vào các loại rêu bám. Búp chụm lại thành từng chùm. Bông nhỏ nhưng cánh nhiều, có thể lên đến hàng chục.

Ngày giáp tết, nhớ nhất là không khí í ới rủ nhau đi chặt mai. Có năm tôi xin theo thợ rừng, mang cơm gạo, xuất phát từ đêm, đong đưa trên các cộ bò. Sớm tinh mơ đã có mặt ở núi để tìm mai. Có năm, đạp chiếc xe cọc cạch theo chúng bạn lên chân núi, giấu xe vào bụi rậm, khóa kỹ rồi chia nhánh đi tìm mai, hẹn trưa gặp lại ở bờ suối ăn vội bánh chưng, ngâm nước cho mai. Giống mai rừng, mai núi khi bị rời khỏi thân gặp nắng gắt dễ bị mất nước, hư búp. Kinh nghiệm chống mất nước của dân đi chặt mai là trảy lá khỏi thân ngay khi vừa chặt để tránh quá trình thoát nước qua lá. Sau đó, tìm nguồn nước ngâm thân mai vào, tránh để phơi nắng quá dài. Nhiều trường hợp chậm tiếp nước, mang mai về đến nhà thì mai đã khô búp. Dù có chăm kỹ thế nào, đến giao thừa, búp vẫn hoàn búp, không bung nụ xanh.

SGTT_Ngam-giua-cho-mai-cuoi-nam

Những đống lửa nấu bánh chưng, bánh tét cũng thường được tận dụng để hơ gốc mai. Đó là “chiêu” để những nhành mai lâu nở có thể hấp thụ nước tốt hơn, chóng bung nụ đơm hoa hơn. Người ta cũng có thể thúc mai cho kịp tết bằng cách đổ thêm nước sôi, phun xịt nước ấm thường xuyên.

Ngày trước, cứ đến khoảng 28-29 Âm lịch, lũ trẻ trong xóm cứ chụm lại hết chậu mai nhà này, nhà khác để bàn tán về chuyện nhánh mai nào sẽ bung nụ trước, ra hoa đẹp nhất. Có khi là cả câu chuyện khí hậu thay đổi, năm nay mai nở sớm, nở muộn. Đêm giao thừa, anh em trong nhà cứ xúm xít ra vào canh từng thời khắc nụ mai đầu bung ra, lòng xốn xang: xuân đã về! Không. Thực ra, xuân đã về ngay trong những tiếng gọi nhau í ới trên núi rừng và những cành mai xuôi núi về làng, trong niềm chờ mong của mấy đứa em nhỏ mong cha anh mình sau một năm cày cục xa trở về, bắt gặp trong hiên nhà đã có một nhành mai búp xanh nõn để xuýt xoa.

Ngày trước, chỉ cần xuống bìa rừng, bước qua con suối nhỏ, người ta có thể tìm được những nhành mai chưng tết. Người ta tỉa cành năm nay, năm sau mai lại đâm nhánh. Nhưng gần đây, việc chặt mai tận gốc và buôn bán mai đã làm cho cả mai rừng, mai núi đều khan hiếm. Sau nhiều năm, những đội săn mai để bán khiến mai rừng, mai núi biến mất dần, hiếm hoi ngay cả trên vùng đất sinh trưởng của mình. Những người dân tộc thiểu số trên núi cũng xem mai là một mặt hàng giúp cải thiện kinh tế, có thêm cơm gạo trong dịp tết. Mai được rao bán từ chân núi xuống thành phố. Thậm chí, người ta còn lên rừng đào cả gốc mai về trồng đầy sân, hòng biến sân nhà thành “rừng mai”. Cách làm này càng làm cho mai tự nhiên… tuyệt giống.

Đôi lúc, nghĩ thương cho những nhành cây biểu tượng ngày xuân đã bị rao bán. Khi mà yếu tố “cong tự nhiên” của các cây mai núi được định giá cao thì chính con người cũng đang đi ngược với sự phát triển tự nhiên của giống loài.

Có một năm tôi về quê, lái xe một vòng quanh phiên chợ mai của thị trấn núi, thấy mai bán ế, cắm chông chênh đầy khe suối. Nghe bảo rằng, năm đó nông dân mất mùa, mai trở thành món hàng xa xỉ. Một số khách hàng khôn lanh thì chọn ngày cận tết để ép giá mai xuống, để có cành mai đẹp nhất mà phải bỏ ra số tiền ít nhất. Tôi nhìn những nhành mai chà của chợ mai đang cắm nước đợi khách mua về. Mà giả như trong vài tiếng đồng hồ nữa, không có khách mua, người bán mai cũng sẽ để mai ở lại, chơ vơ chiều cuối năm. Chợt thấm thía câu nói của một anh bạn đồng hương: “Buồn như chợ mai chà chiều ba mươi tết!”.

Nghĩ lại, đã khá lâu rồi mình không về quê lên núi săn mai tết. Nhưng thực ra, lòng cũng không còn mặn mà với những lời mời đi săn mai. Bây giờ, lên núi tìm được một nhành mai cũng “đổ máu con mắt”. Nhiều người linh hoạt còn chuyển sang chưng cây ngạnh, một loại cây mọc ở rừng, thân và lá khá giống với mai, có hoa trắng, mọc từng chùm. Tôi chợt nghĩ đến một ngày nào đó, những cây ngạnh cũng sẽ chung số phận như mai rừng: mọc nhánh không kịp để phục vụ nhu cầu ba ngày tết rồi bỏ đi của con người, sẽ bị ra chợ tết hàng loạt, hoặc bị “chuyển hộ khẩu” từ rừng về nhà.

Những ngày đầu năm về quê, chợt nhớ có một năm mai nở sớm, tôi leo lên núi đã thấy mai ra lá nõn nà, vàng rực cả một góc núi. Năm đó, chúng tôi đã không chặt mai về vì không nỡ làm cho những lộc non tổn thương trên đường về xuôi. Năm đó, dù về tay trắng, nhưng lòng rất vui. Hương mai núi thơm ngào ngạt. Có lẽ rằng, ở góc núi đó, giờ đây không còn những nhành mai nữa. Nhưng hình ảnh, mùi hương đó cứ theo tôi mãi những ngày cuối năm. Mai rừng đã “chuyển hộ khẩu” vào lòng người, và trú ngụ trong đó, cùng mùa xuân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối