Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Ngại dịch lan rộng, Thái Lan đưa 28 tỉnh vào “vùng đỏ”

Trung tâm Quản lý tình hình Covid-19 của chính phủ Thái Lan (CCSA) vừa đề xuất triển khai các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn ở 28 tỉnh thuộc diện “vùng đỏ”, tức có rủi ro lây nhiễm cao. Trong khi đó, chính quyền thủ đô Bangkok ra lệnh đóng cửa 25 loại hình kinh doanh để khống chế đà lây lan của dịch bệnh.

Làn sóng Covid-19 thứ hai đang lan rộng khắp đất nước Thái Lan sau khi một ổ bùng phát dịch được phát hiện ở một chợ hải sản ở tỉnh Samut Sakhon, sát thủ đô Bangkok hồi giữa tháng 12. Hôm 3-1, CCSA, cho biết Thái Lan có 315 ca nhiễm mới, bao gồm 294 ca lây lan trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên con số 7.694. Lý giải điều này, CCSA cho rằng do hai nguyên nhân sau: những người bị lây nhiễm không tự cách ly và các hoạt động tụ tập đông người vẫn được tổ chức. Đến thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 đã lan rộng ra 53 tỉnh ở Thái Lan kể từ khi tái xuất hiện ở sáu tỉnh hồi giữa tháng 12.

28 tỉnh vùng đỏ nguy cơ cao giãn cách xã hội

Người phát ngôn CCSA, Taweesilp Visanuyothin, cho biết trung tâm và Trung tâm chiến dịch khẩn cấp (EOC) thuộc Bộ Y tế Thái Lan nhất trí triển khai các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt ở 28 tỉnh thuộc “vùng đỏ” bao gồm Bangkok do số ca nhiễm ở các tỉnh này tiếp tục tăng. Các biện pháp này sẽ được trình lên cho Thủ tướng Prayut Chan-o-cha ký thông qua vào ngày 4-1.

Ông Taweesilp tiết lộ các biện pháp giãn cách xã hội mới áp dụng cho “vùng đỏ” gồm hai cấp. Cấp thứ nhất, triển khai từ ngày 4-1 đến 1-2, sẽ hạn chế số giờ mở cửa của các cơ sở kinh doanh, đóng cửa những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, truy bắt những người tụ tập trái phép, khuyến cáo hạn chế đi lại giữa các tỉnh, đóng cửa các cơ sở giáo dục, khuyến khích làm việc tại nhà.

Nếu các biện pháp này không giúp kiểm soát Covid-19 thành công, cấp kiểm soát thứ hai sẽ được triển khai, bao gồm mở rộng lệnh hạn chế số giờ mở cửa với thêm nhiều doanh nghiệp và một số loại hình kinh doanh sẽ phải đóng cửa đồng thời cấm tụ tập đông người, cấm đi lại giữa các tỉnh và áp đặt lệnh giới nghiêm.

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Thái Lan, Natthaphon Teepasuwan đã ký lệnh yêu cầu đóng cửa tất cả các trường học ở 28 tỉnh “vùng đỏ” và chuyển sang dạy học trực tuyến từ ngày 4-1 đến ngày 31-1.

Sau khi làn sóng Covid thứ hai xuất hiện, chính phủ Thái Lan không triển khai lệnh phong tỏa tuyệt đối vì lo ngại tổn thương kinh tế. Thay vào đó, chính phủ cho phép Bangkok và các tỉnh khác cân nhắc triển khai các biện pháp kiểm soát phù hợp nhất đối với tình hình dịch bệnh ở tỉnh của họ. Hôm 1-1, Thống đốc Bangkok, Aswin Kwanmuang đã ký lệnh yêu cầu tạm thời đóng cửa 25 loại hình kinh doanh tập trung đông người như quán bar, quán internet, cơ sở massage, khu vui chơi trẻ em, công viên giải trí, công viên nước, chợ… Trong khi đó, các cửa hàng tiện lợi, nhà hàng, tiệm ăn, khu ẩm thực… sẽ không được phép bán rượu. Mệnh lệnh trên có hiệu lực từ ngày 2-1 cho đến khi có thông báo mới. Chính quyền Bangkok cũng thiết lập 14 chốt kiểm soát để kiểm tra y tế những người dân quay trở về thủ đô sau kỳ nghỉ lễ năm mới.

Tăng tốc kế hoạch tiêm vắc xin

Ảnh minh họa: Shutterstock

Giữa lúc làn sóng Covid thứ hai lan rộng, các quan chức Thái Lan lên kế hoạch tăng mua vắc xin Covid-19 và triển khai tiêm chủng sớm hơn so với kế hoạch ban đầu. Ông Taweesilp Visanuyothin xác nhận kế hoạch trên sau khi ngành du lịch phàn nàn vì chính phủ tuyên bố có thể đến tháng 6 mới tiến hành tiêm chủng vắc xin Covid-19. Ông nói Thái Lan sẽ tự sản xuất vắc xin Covid-19 của hãng dược AstraZeneca (Anh) sau khi ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ từ hãng dược này. Chính phủ Thái Lan cũng cho phép các bệnh viện tư nhân mua các vắc xin Covid-19 của các hãng dược nước ngoài miễn là chúng được Cục Quản lý Dược phẩm và thực phẩm Thái Lan cấp phép sử dụng.

Bộ trưởng Y tế Thái Lan, Anutin Charnvirakul, người đang tự cách ly sau khi tiếp xúc gần với tỉnh trưởng Samut Sakhon, vốn đã được xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2, cho biết Thái Lan sẽ nhận được hai triệu liều vắc xin Covid-19 sớm nhất là vào tháng 2-2021. Ông không cho biết vắc xin này của công ty nào sản xuất nhưng cho biết các nhân viên y tế và các tình nguyện viên y tế ở các làng xã sẽ là những người đầu tiên được tiêm vắc xin.

Thái Lan cũng đang đàm phán mua thêm 26 triệu vắc xin của hãng dược AstraZeneca (Anh) sau khi ký một thỏa thuận mua vắc xin của AstraZeneca với số lượng tương tự vào hồi cuối tháng 11. Ông Anutin Charnvirakul kỳ vọng đến giữa năm 2021, một nửa dân số Thái Lan sẽ được tiêm vắc xin Covid-19.

Chính phủ Thái Lan cho biết biện pháp cách ly 14 ngày đối với du khách nước ngoài sẽ duy trì ít nhất đến quí 3 năm 2021 dù họ đã được tiêm vắc xin Covid-19.

Khánh Lan

Theo Bangkok Post, Pattaya News, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thái Lan dành 1,4 triệu đô la triển khai chương trình...

0
Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan vừa thông báo về việc dành 50 triệu baht (1,4 triệu đô la Mỹ) từ ngân...

Ghé thăm thành cổ Tha Phae ở Chiang Mai

0
(SGTT) - Thành Tha Phae được xây dựng vào thế kỷ 13, nhằm bảo vệ thành phố Chiang Mai cổ. Ngày nay, nơi đây...

Kinh nghiệm du lịch tự túc Bangkok lần đầu

0
(SGTT) - “Xứ sở chùa Vàng” có cảnh quan đẹp, ẩm thực phong phú và mức giá phù hợp với nhiều du khách. Ngoài...

Thái Lan miễn thị thực đối với du khách Ấn Độ...

0
Thái Lan thông báo sẽ miễn thị thực cho du khách đến từ Ấn Độ và Đài Loan (Trung Quốc) từ tháng 11-2023 đến...

Wat Lok Molee, ngôi chùa cổ được xây từ thế kỷ...

0
(SGTT) - Chùa Lok Molee, hay còn được gọi là Lok Moli - được xây dựng vào khoảng thế kỷ 14. Đây là một...

Chính sách mới của Thái Lan nhằm hút khách du lịch...

0
Từ cuối tháng 9-2023, du khách Trung Quốc sẽ được miễn thị thực nhập cảnh vào Thái Lan theo chương trình tạm thời được...

Kết nối