Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Michael Kors: Cái giá của bình dân hóa

Đầu tháng 2-2014, cổ phiếu của Công ty Michael Kors Holding tại phố Wall tăng 20% sau khi kết quả kinh doanh trong quí 3-2013 của công ty này được công bố. Theo đó, doanh thu của công ty tăng 59% so với quí trước đó, đạt mốc 1 tỉ đô la Mỹ.

Nhờ cổ phiếu tăng giá mà nhà tạo mẫu Michael Kors chính thức bước vào hàng ngũ các nhà tỉ phú, sau các tên tuổi lừng danh khác trong làng thời trang như Giorgio Armani, Gerard và Alain Wertheimer (Channel), Miuccia Prada, Ralph Lauren, Tory Burch, Sara Blakely (Spanx), Renzo Rosso (Diesel Jeans), Nicolas Puech (Hermes), Domenico Dolce và Stefano Gabbana (Dolce & Gabbana)…

Ông Michael Kors (thứ hai, từ trái sang) và các mẫu thiết kế của mình.
Ông Michael Kors (thứ hai, từ trái sang) và các mẫu thiết kế của mình.

Michael Kors, 60 tuổi, thành lập nhãn hiệu thời trang phụ nữ mang tên ông vào năm 1981, chiến đấu để thoát khỏi phá sản vào những năm 1990 và lên đỉnh cao vào tháng 12-2011 khi Michael Kors Holding niêm yết trên sàn chứng khoán New York.

Những chiếc túi và bộ đồ của Michael Kors rất được các quý bà ưa chuộng. Trong tủ áo của đệ nhất phu nhân nước Mỹ Michelle Obama hay công nương nước Anh Kate Middleton không thể thiếu nhãn hàng Michael Kors. Với hơn 500 cửa hàng trên toàn cầu, hàng tháng vẫn có những cửa hàng Michael Kors mới khai trương.

Tuy nhiên, trong tháng 7 vừa qua, cổ phiếu của Michael Kors Holdings liên tiếp giảm giá, báo hiệu một giai đoạn phát triển không mấy khả quan cho họ. Khi toàn ngành công nghiệp thời trang không có dấu hiệu đi xuống, sự sụt giảm của họ càng đáng quan tâm hơn. Nhiều nhà phân tích cho rằng đó là hậu quả của chiến lược mở rộng địa bàn quá nóng của Michael Kors.

Nhận xét trên tờ Forbes, chuyên gia Robin Lewis cho rằng sự mở rộng chính là “nụ hôn tử thần” đối với các nhãn hiệu thời trang cao cấp. Michael Kors không chỉ mở rộng số cửa hàng mà còn mở rộng bán hàng qua mạng, bán hàng ở các outlet, và sản xuất hàng với nhiều loại giá khác nhau dành cho nhiều đối tượng. Năm ngoái, không mặt hàng nào của Michael Kors bán giảm giá, thì nay các mặt hàng của họ bán giảm giá ngày càng nhiều, lên đến 15% số mặt hàng.

Từ chỗ là một nhãn hàng cao cấp, việc biến nó trở thành nhãn hàng mà ai cũng có thể mặc và mặc ở bất kỳ chỗ nào không khác gì phản bội các khách hàng trung thành. Chuyên gia Robin Lewis so sánh bước đi của Michael Kors giống với Tommy Hilfiger, lên đỉnh cao vào thập niên 1990 rồi biến mất khỏi tủ áo của những nhân vật tinh hoa, của giới sành điệu thời trang vì theo đuổi chiến lược sản xuất đại trà, phục vụ nhiều đối tượng. Tommy Hilfiger không cách nào lấy lại vị trí của một nhãn hàng cao cấp trong tâm trí người tiêu dùng được nữa.

Câu chuyện hiện tại của Michael Kors cũng giống như của nhãn hàng Coach – cũng chuyên làm túi xách, phụ kiện, đồng hồ, mắt kính, giày dép. Từ một nhãn hàng cao cấp, nay Coach không còn giữ được đẳng cấp đó nữa khi đến 70% doanh thu hiện tại của họ đến từ các outlet. Chính sự đi xuống của Coach trong thập kỷ qua đã tạo điều kiện cho Michael Kors đi lên. Và trong tháng vừa rồi, cổ phiếu của Michael Kors giảm là một trong những nguyên nhân chính khiến cổ phiếu của Coach tăng.

Các chuyên gia và nhà đầu tư chứng khoán rất nhạy với những chuyện như Michael Kors hiện tại. Song Robin Lewis phân tích rằng chính các cổ đông lớn của Michael Kors Holdings mới là những người biết trước số phận cuối cùng của nhãn hàng khi họ giảm số cổ phần nắm giữ từ 52% năm 2011 (trước đợt chào bán ra công chúng lần đầu) xuống còn 15% năm 2012. Phải chăng họ cho rằng rồi sẽ đến lúc nhãn hàng Michael Kors phải cùng chung số phận như Tommy Hilfiger?

Michael Kors là câu chuyện cho thấy đôi khi sự phát triển mở rộng quy mô của doanh nghiệp là tự ăn vào chính da thịt mình. Mà cũng có khi không còn lựa chọn khác ngoài việc phải làm như vậy.

michael-kors-karmen-pedaru8 african-safari-with-michael-kors-gomoneyways-com_ 206229_2_800

Thái Hà

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

‘Chìa khóa’ mở các ‘cánh cửa quốc tế’ cho thời trang...

0
(SGTT) - Nổi bật và ấn tượng giữa vô vàn thiết kế trong và ngoài nước là khát vọng mà bất kỳ nhà thiết...

Phối quần jean và bốt cao bồi sao cho tôn dáng?

0
(SGTT) - Quần jean và giày bốt cao bồi, một sự kết hợp từ thuở ban đầu cho đến nay vẫn được khá nhiều...

Cầu giảm và cạnh tranh tăng, lối nào cho hàng thời...

0
(SGTT) - Trong giai đoạn suy thoái kinh tế, nhu cầu mua sắm thời trang giảm sút ảnh hưởng lên nhiều thương hiệu nội...

Doanh nhân chính truyện: Chuyện chưa kể của những nhà thiết...

0
(SGTT) - Văn hóa là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận của các nhà thiết kế thời trang. Đây là một trong những...

Thể thao sành điệu với thời trang tập gym được sao...

0
(SGTT) - Việc duy trì thể dục thể thao đều đặn không chỉ giúp các ngôi sao Hàn Quốc duy trì vóc dáng mà...

Thương mại điện tử hàng xa xỉ trong cơn suy thoái

0
(SGTT) - Đại dịch Covid-19 thúc đẩy sự trỗi dậy của các nhà bán lẻ thương mại điện tử chuyên về thương hiệu thời...

Kết nối