Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Mày mò chế tạo máy in 3D

THÁI NGỌC –

Nói đến máy in 3D, nhiều người thường nghĩ đến những doanh nghiệp nước ngoài, nơi có trình độ công nghệ phát triển cao. Thế nhưng, thị trường in ấn trong nước xuất hiện ngày càng nhiều những chiếc máy in 3D do các doanh nghiệp và cá nhân chế tạo. Ưu điểm của chiếc máy in “made in Vietnam” này là giá bán, và hiện đã có một số đơn vị đã mua dùng thử loại máy nội địa này.

Dễ làm

Ghé xưởng sản xuất máy in 3D Printer của ông Bùi Huy Khanh tại huyện Bình Chánh, TPHCM thấy ông đang cặm cụi hoàn thiện những khâu cuối cùng để bàn giao chiếc máy in 3D cho một trường đại học tại miền Trung. Ông cho biết, là người có kinh nghiệm lập trình robot, ông thấy việc chế tạo một chiếc máy in 3D không quá khó như nhiều người nghĩ. Ông lập xưởng sản xuất sau khi đã rủ được hai người bạn tham gia. Những chiếc máy in của nhóm lần lượt ra đời, cho phép in những hình có kích thước 600x500x400 mm.

Ông Bùi Huy Khanh đang hoàn thành chiếc máy in 3D trước khi giao cho một trường đại học tại miền Trung.
Ông Bùi Huy Khanh đang hoàn thành chiếc máy in 3D trước khi giao cho một trường đại học tại miền Trung.

Công nghệ in 3D cho phép tạo ra sản phẩm thật từ bản vẽ 3D, và điều này giúp cho việc tạo mẫu trở nên đơn giản và ít tốn kém. Trên thế giới có nhiều chất liệu để in 3D, còn phần lớn những chiếc máy in do các đơn vị ở Việt Nam sản xuất thì dùng nguyên liệu nhựa để in, theo công nghệ FDM. Đây là công nghệ có chi phí thấp.

Ông Khanh cho biết, để sản xuất máy, nhóm phải nhập khẩu ba bộ phận quan trọng gồm động cơ, thanh trượt và đầu in. Các linh kiện còn lại được tìm kiếm ở trong nước, thậm chí những linh kiện nhóm tự gia công chế tạo để giảm bớt chi phí và tăng lợi nhuận. Đó là phần cứng, còn phần mềm để máy in hoạt động thì nhóm sử dụng phần mềm mã nguồn mở được chia sẻ trên mạng. Nhóm chỉ cần tải về, chỉnh sửa theo ý mình là có thể làm ra chiếc máy in với giá thành hạ hơn.

Một máy in 3D khác cũng do trong nước làm ra mang thương hiệu 3D Marker. Các thành viên lập nên 3D Marker làm nhiều nghề khác nhau, nhưng có chung niềm đam mê công nghệ. Ngoài giờ làm, họ ngồi lại với nhau đọc tài liệu trên mạng để tìm cách chế tạo máy in 3D.

Từ những mẫu máy có sẵn trên mạng, nhóm này đã nghiên cứu sản xuất máy in theo thiết kế riêng của mình. Chiếc máy 3D Marker ra đời và đã được một số công ty lớn như Điện Quang, Masan, nhựa Bình Minh đặt mua. Không giống nhóm ông Khanh tự gia công linh kiện cho máy in của mình, 3D Marker tập trung vào việc thiết kế, phần mềm và lắp ráp, còn việc gia công các chi tiết máy được đặt bên ngoài.

Thêm một doanh nghiệp cũng đang thử sức trong lĩnh vực này là Công ty Công nghệ Meetech do ông Phạm Bá Khiển khởi xướng tại Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ trong Khu công nghệ cao TPHCM. Vốn là một giảng viên tại khoa Cơ-Điện-Điện tử của trường Đại học Công nghệ TPHCM, ông Khiển có kinh nghiệm với việc chế tạo máy cơ khí chính xác nên đã quyết định lấn sang lĩnh vực chế tạo máy in 3D.

Ngoài các đơn vị sản xuất máy in 3D tương đối chuyên nghiệp trên, những người đam mê công nghệ, muốn tự lắp ráp máy in 3D có thể vào trang https://taotac.com. Ở đây có đầy đủ linh kiện để có thể lắp ráp một chiếc máy in loại này. Hiện trang web đang rao giá, chỉ cần 4 triệu đồng là mua được chiếc máy in 3D có thể in được kích thước 150x150x180 mm.

…nhưng không dễ bán

Ông Khiển cho biết, một khi đã nắm bắt được công nghệ thì việc chế tạo chiếc máy in 3D không khó, nhưng để thương mại hóa được sản phẩm là chuyện không đơn giản. Công ty của ông, sau hơn một năm kể từ ngày sản xuất ra chiếc máy in 3D đầu tiên, mới chỉ bán được năm chiếc. Hiện công ty đang duy trì hoạt động bằng việc in bản vẽ 3D cho các cá nhân và doanh nghiệp.

Nhóm của ông Khanh có vẻ khá hơn. Sau khoảng hai năm đầu tư sản xuất máy in 3D, nhóm này đã bán được khoảng 50 chiếc. Ông Khanh cho biết, thực tế sản xuất máy in như hiện nay chỉ là lấy công làm lời. Bởi lẽ, quy mô sản xuất với số lượng nhỏ sẽ khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Tùy vào mỗi thương hiệu và kích thước in, giá bán máy in 3D của các doanh nghiệp trong nước sản xuất khoảng 11-65 triệu đồng/chiếc.

Nói về chất lượng sản phẩm, ông Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH TM DV BigSun (quận Bình Tân), cho biết công ty đã mua một máy in 3D “made in Vietnam” với giá 11 triệu đồng cách đây sáu tháng để phục cho việc in thử mẫu. Máy hoạt động ổn định, giúp công ty tiết kiệm trong việc tạo khuôn mẫu để sản xuất hàng loạt.

Tương tự, ông Phạm Văn Út, giảng viên trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, cho biết cũng đã mua một máy in 3D trong nước sản xuất với giá khoảng 30 triệu đồng. Qua hơn một năm sử dụng, ông chưa thấy vấn đề gì trục trặc với chiếc máy này. Hiện ông đang dùng máy in này để in tượng, các sản phẩm trang trí, quà tặng… từ bản vẽ 3D để phục vụ cho việc phát triển sản phẩm kinh doanh và giảng dạy.

Ông Khanh, người sản xuất máy in mang thương hiệu 3D Printer, cho biết do quy mô sản xuất nhỏ, thiếu đầu tư nên những người sản xuất như ông phải đi theo các hãng công nghệ lớn trên thế giới. Vấn đề là công nghệ thay đổi rất nhanh, kéo theo sản phẩm cũng mất giá rất nhanh. So với hai năm trước, máy in 3D hiện nay mất giá chỉ còn gần phân nửa. Do vậy, dù đã chế tạo được, nhưng để máy in 3D “made in Vietnam” có thể cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại trên thị trường phải có sự đầu tư lớn hơn nữa chứ không thể như hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nhà nước có cần giải cứu các dự án BOT giao...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại tám dự án BOT giao...

Trải nghiệm trekking, cắm trại trên đồi cỏ Phước Bình

0
(SGTT) - Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Ninh Thuận, Vườn quốc gia Phước Bình (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) nổi tiếng với...

Kích cầu du lịch nội địa dễ ‘mất đà’ khi vé...

0
(SGTT) - Mùa hè 2024 sắp đến, du lịch quí 1 có nhiều khởi sắc, tăng tưởng so với cùng kỳ năm ngoái, tuy...

Trưa nay ăn gì: Bữa trưa quốc tế với món Gaeng...

0
(SGTT) – Trong nhiều món ăn truyền thống của người dân Thái Lan, Gaeng Keow Wan Kai được nhớ đến bởi từng thớ thịt...

Thái Lan: Áo thun từ vảy cá, nội thất từ gỗ...

0
(SGTT) - Gom vảy cá làm chất liệu may áo thun, thu thập những chiếc áo khoác da cũ để thiết kế giày hay...

Danh thủ Dunga, Rivaldo đến Đà Nẵng giao lưu, cùng kích...

0
(SGTT) – Trong tháng 4 này, các danh thủ Brazil nổi tiếng một thời như Dunga, Rivaldo, Lucio, Ze’ Carlos, Giovanni, Kleberson, Edmilson, Paulo...

Kết nối