Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Mang họa từ mong muốn “làn da không tì vết”

BÌNH AN –

Trên thị trường có rất nhiều loại mỹ phẩm đang được quảng cáo là có công dụng tắm trắng, trị mụn, cho làn da đẹp không tì vết… Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lưu ý rằng không ít mỹ phẩm đó có chứa corticoid, đặc biệt là những mỹ phẩm rẻ tiền. Khi sử dụng mỹ phẩm chứa chất này quá nhiều, người dùng có thể bị viêm da hoặc bị lão hóa nhanh chóng.

Đa phần mỹ phẩm chứa corticoid

Tại buổi tọa đàm bàn về tác hại của chất corticoid đối với sức khỏe, sắc đẹp phụ nữ diễn ra hồi đầu tuần tại TPHCM, BS. Nguyễn Phúc Cẩm Anh, nguyên giảng viên trường Đại học Y dược TPHCM, cho biết mặc dù chưa có một số liệu thống kê chính xác về corticoid có trong mỹ phẩm nhưng có rất nhiều mỹ phẩm trên thị trường có chứa chất này. Theo bà, vấn đề là nhà sản xuất bỏ ít hay nhiều mà thôi. “Với những loại mỹ phẩm càng rẻ tiền với công dụng tắm trắng, trị mụn, cho làn da đẹp không tì vết, để có một làn da như em bé… thì sản phẩm đó chắc chắn chứa corticoid”, bà Cẩm Anh nói.

Theo BS. Cẩm Anh, sản phẩm chứa chất corticoid đang được bán tràn lan ở một số nước như Lào, Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam. Ở các nước phát triển như Mỹ, corticoid cũng không được kiểm soát chặt chẽ, sản phẩm được bày bán trên kệ với loại hình thuốc không kê toa. “Viêm da do corticoid như cơn sóng thần đang tấn công những người tiêu dùng”, bà Cẩm Anh nói.

landa

Sự “tấn công” mà bà Cẩm Anh nói cũng là thực tế hiện nay khi mà rất nhiều người rao bán mỹ phẩm làm trắng, tẩy da trên các trang cá nhân, trên các diễn đàn mạng và cả trên truyền hình. Phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã trao đổi với chị L., một người chuyên bán mỹ phẩm được cho là “hàng xách tay” qua trang cá nhân của mình. Sản phẩm mà chị L. bán được quảng cáo là làm trắng da, sạch mụn, hết nám, hết tàn nhang. Theo chị này, mặc dù biết mỹ phẩm là loại nếu dùng thường xuyên sẽ bị lệ thuộc và có hại cho da về sau nhưng mỗi tháng thảnh thơi cũng kiếm lời cả chục triệu đồng nên làm. Chị L. cho biết đối tượng khách hàng mua nhiều nhất là nhóm người tuổi teen (vị thành niên) và thanh niên mới lớn. “Họ có tâm lý nóng lòng có làn da mịn, mướt, mọng, trắng nhanh, không vết nám, không tàn nhang…”, chị này giải thích.

Theo BS. Cẩm Anh, một thống kê nhỏ của bà và cộng sự được thực hiện tại trung tâm thẩm mỹ y khoa Hoàng Hạc (TPHCM) cho thấy, chỉ trong bốn năm (2009-2012), số khách hàng bị nhiễm corticoid đến khám và điều trị là gần 2.800 người. Trong đó có 1.870 ca bị viêm da do chất này ở nhiều mức độ khác nhau. Tuổi nhiễm corticoid cao nhất là 18-39 tuổi (chiếm 45%), 11-17 tuổi (chiếm 28%) và trong độ tuổi 40 (chiếm 27%). “Từ năm 2013 đến nay, mỗi năm trung tâm này tiếp khoảng vài trăm bệnh nhân đến khám viêm da do corticoid”, bà Cẩm Anh cho biết.

Khi bị nhiễm corticoid, để điều trị, người bệnh phải tốn nhiều thời gian và tiền bạc bên cạnh thể xác bị đau đớn do da lão hóa nhanh chóng. Hiện tại, các chuyên gia cho rằng nếu viêm da dạng này ở thể nhẹ thì cũng mất 3-6 tháng điều trị. Trong trường hợp nặng, thời gian điều trị từ 6 tháng đến hơn 1 năm và mỗi tháng điều trị hết 2-3 triệu đồng.

Corticoid là độc dược

Theo quy định của Bộ Y tế, corticoid là độc dược bảng B, thuốc có thể gây độc, biến chứng và gây nghiện, với các tên biệt dược như cortibion, synalar, trangala, diprosalic, dermovate, fluocinonide, celestoderm, topsine… Do đó, thuốc phải được bác sĩ kê toa, nếu không sẽ gây tai hại cho người dùng.

Tại buổi tọa đàm, theo các bác sĩ và chuyên gia y tế, thuốc chứa corticoid là con dao hai lưỡi và nó chỉ trị được phần ngọn chứ không chữa trị căn nguyên nguồn gốc đối với các bệnh viêm da, dị ứng. Mặc dù thuốc này trị ngứa, đỏ, nốt mày đay…, tuy nhiên người dùng bị lệ thuộc thuốc và tình trạng da tệ hại hơn như làm yếu hệ thống bảo vệ da, gây nhiễm trùng da lan rộng; gây tình trạng mỏng, teo da, chảy nhão và giảm chức năng sống của da; nếu ngưng dùng corticoid sẽ gây hiệu ứng phản hồi, mụn nổi lên kịch phát, da tiết nhờn, nám da lan rộng, đỏ, nóng rát, già cỗi, sần sùi, đen sậm…

Theo các chuyên gia y tế, khi có nhu cầu làm đẹp, cải tạo làn da, người tiêu dùng nên đi khám và được soi da để xem tình trạng làn da của mình, sau đó bác sĩ sẽ tư vấn dùng sản phẩm nào phù hợp. Tìm kiếm sản phẩm trên các trang mạng chính thống để tránh mỹ phẩm làm giả, làm nhái…

Bên cạnh đó, tuyệt đối không dùng các loại dược phẩm trị nám, mụn mà không có toa của bác sĩ, không tự ý ra nhà thuốc mua thuốc vì người bán không có kiến thức chuyên môn. Đặc biệt, người tiêu dùng không nên nghe theo sự mách bảo của người quen dùng thấy đẹp. “Trên thực tế, chúng ta không bao giờ có được làn da không tì vết, nếu có chỉ rơi vào bẫy corticoid mà thôi. Người tiêu dùng sáng suốt không nên dùng những sản phẩm quảng cáo là đẹp như mơ, một làn da sáng, mịn, mọng, không tì vết như em bé…”, một chuyên gia y tế nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nhà hàng, quán ăn tự tin sẽ ‘hốt bạc’ dịp 30-4...

0
(SGTT) - Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay kéo dài 5 ngày là cơ hội “hốt bạc” cho các chuỗi kinh doanh...

Đầu tư để xử lý nước ở ĐBSCL cần gấp hơn

0
(SGTT) - Mỗi khi mùa hạn mặn bắt đầu xuất hiện, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước vào quá trình chuyển đổi quản...

Show giải trí truyền hình tăng nhiệt nhờ nền tảng số

0
(SGTT) - Nhờ hoạt động truyền thông, quảng bá trên các nền tảng số, giờ đây các chương trình truyền hình giải trí, gameshow...

TPHCM tăng chuyến xe, chuyến tàu phục vụ người dân dịp...

0
(SGTT) - Dự báo nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ 30-4 và 1-5 tới đây sẽ tăng cao, Sở Giao...

Kiểm soát an ninh hàng không cấp độ 1 trong dịp...

0
(SGTT) - Trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tới đây, Cục Hàng không sẽ áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng...

Khởi công xây dựng nút giao Tân Vạn đường Vành đai...

0
(SGTT) -  Nút giao Tân Vạn kết nối tỉnh Bình Dương với TPHCM đã được khởi công xây dựng. Đây là một trong những...

Kết nối