Phù Sa Lộc -
Hồi xưa, ở thôn quê rất vắng vẻ, trên những con đường làng hiếm khi có quán nước. Vì vậy, trên suốt con lộ đất rải rác có một lu nước mưa để bên đường hoặc trước hiên nhà. Lu nước đặt trên kệ gỗ có nắp đậy cũng bằng nắp gỗ. Cạnh bên có chiếc gáo dừa lên nước bóng láng máng trên khúc tre già để khách qua đường múc uống giải cơn khát lữ hành. Chủ những lu nước này thường nói ngắn gọn: “Mần phước”. Vì đó là chuyện nhỏ.
Ở đồng bằng sông Cửu Long khi đó làng quê cũng không có quán cơm. Nên khi khách bộ hành lỡ đường ghé vô nhà gặp bữa luôn được gia chủ ân cần mời dùng. Nếu gặp lúc gia đình đã quá bữa, khách cũng được dọn đầy đủ cơm canh còn lại trong nồi, thậm chí cho ngủ nhờ qua đêm. Đó cũng là cách người ta mần phước, một cách vô tư.
Tuy nhiên cũng có cách mần phước với ý khác. Anh bạn tôi sống ở Úc, ăn chay trường nên luôn muốn mọi người trong nước đều được hưởng phước Phật. Vì vậy nhiều năm trước, anh vận động bà con Việt kiều kẻ ít người nhiều đủ số tiền để in kinh Phật ấn tống. Anh về nước xin giấy phép xuất bản, liên hệ nhà in rồi lên xuống Sài Gòn đến khi kinh in xong thì phân phối theo địa chỉ các phật tử Úc cung cấp bằng bất cứ phương tiện nào có được. Còn lại một số kinh anh gửi nhờ bạn bè trong nước tặng thân hữu. Số lớn khác anh đem tới các chùa để phật tử tới thỉnh... Công việc vất vả nhưng anh và bà con Việt kiều bên Úc đều thỏa mãn vì phật tử trong nước có điều kiện tụng kinh và sống theo lời Phật dạy, sống thiện, để cuộc sống của họ thêm an lạc, hạnh phúc...
Không thỏa mãn việc làm trên, anh bạn tôi còn tiến xa thêm một bước là lần nào về nước trong dịp lễ Vu lan cũng đều mua cá, mua chim phóng sanh. Cũng là mần phước, cứu cầm thú khỏi chết chóc. Nhưng rồi anh “đốn ngộ” từ bỏ công việc ấy vì theo anh, anh đã làm một việc không tích đức trái lại còn gây thêm nghiệp quả. Anh đã vô tình khuyến khích người khác làm ác. Cho nên việc hữu ích thiết thực nhứt là anh giúp tiền bạc cho người nghèo, bịnh hoạn, tật nguyền, các cháu học sinh học giỏi gia đình khó khăn...
Cũng vậy, có những người sẵn sàng tạm quên công việc nhà để cùng nhau góp tiền mướn xe vô rừng sâu, lên núi hiểm tìm chặt những cây thuốc đem về cho phòng mạch phước thiện. Chuyện cứu nhân độ thế ngày càng thấy xuất hiện khá nhiều trong xã hội. Người góp tiền, người góp công nấu cơm, nấu cháo miễn phí cho người bịnh và cả người nuôi bịnh ở hầu như khắp các bịnh viện trong nước. Đây đó xuất hiện những tủ bánh mì lạt để bên đường cho người khó khăn lót dạ.
Quán cơm Nụ Cười hai ngàn đồng cũng được các nhà hảo tâm lập ra, cung cấp những bữa ăn ngon và lành cho những người lao động nghèo khó. Hỏi sao không miễn phí, họ cho biết để công nhân, người bán vé số dạo, người mua ve chai, sinh viên học sinh không có cảm giác được bố thí vì đã “mua” suất cơm này.
Đó là việc làm nhân ái của những chiếc “lá lành”. Trân trọng hơn là không hiếm những chiếc “lá rách” đùm bọc những chiếc “lá rách” khác. Chẳng hạn như có bà lão bơi xuồng vui vẻ đưa đón học sinh đi học không lấy tiền; ông lão bán vé số dạo tích cóp tiền trao học bổng cho trẻ nghèo học giỏi; người nhặt phế liệu gặp trẻ sơ sanh bị bỏ rơi bên vệ đường đem về nuôi; những tấm lòng nhân ái tìm xin từng bọc quần áo cũ, lặn lội về vùng sâu vùng xa trao cho những số phận hẩm hiu…
Làm việc thiện, giúp đỡ người túng quẫn, bất hạnh, người ta sẽ hiểu được ít nhiều sự an lành thiết thực của tha nhân và của chính bản thân mình, sẽ không có tâm tranh giành nên tâm hồn luôn tự tại. Nhưng để mần phước được, trước hết người đó phải là người sống thiện.
Cái thiện là bản chất con người. Nói dễ nhưng làm khó. Vì, con người trong cuộc sống dễ bị vật chất xa hoa cám dỗ, người ta xa rời cái gốc của con người. Cho nên, quý thay những ngưởi có tâm mần phước, muốn đem cái phước đến cho nhiều người bạc phận.