Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Lao động Việt Nam chậm chân

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được vận hành vào năm 2015. Lúc đó, 10 nước sẽ thành một thị trường lao động với khoảng 600 triệu dân, công dân các nước có thể làm việc qua ở bất cứ đâu. Điều này mở ra cơ hội việc làm cho người lao động tại các nước thành viên.

Chậm chân

Từ năm 2012, Chính phủ đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xây dựng khung trình độ quốc gia. Theo kế hoạch, cuối năm nay hai bộ sẽ trình lên Chính phủ đề án này.

Indonesia phải mất 15 năm, Thái Lan mất 10 năm để xây dựng khung đào tạo quốc gia. Trong khi đó, quỹ thời gian của Việt Nam còn lại là rất ít để hoàn thành khung trình độ này. Trong 10 nước ASEAN thì Việt Nam cùng với Myanmar và Lào đang ở cuối bảng của việc xây dựng khung trình độ quốc gia. Ngay cả Campuchia cũng đã xây dựng xong. Còn trên thế giới, đã có 130 nước có khung trình độ quốc gia. Việt Nam chỉ mới có khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia để làm cơ sở định tay nghề, tính lương như hiện nay.

Lý giải về sự chậm trễ trong việc xây dựng khung trình độ quốc gia, theo ông Cao Văn Sâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề là do Việt Nam còn vướng khó khăn về thủ tục pháp lý, kinh nghiệm và cả kinh phí. Việt Nam cũng đã tổ chức vài cuộc hội thảo về việc xây dựng khung trình độ quốc gia. Mới nhất, vào cuối tháng 5 vừa rồi, Hội đồng Anh phối hợp với Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức buổi tọa đàm “Xây dựng khung trình độ quốc gia Việt Nam”.

PGS.TS. Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề, cho biết khung tham chiếu ASEAN có tám bậc, dự định sẽ được ký kết vào tháng 10 này. Việt Nam làm sau nên có thể chọn khung trình độ quốc gia của mình có tám bậc để thuận lợi khi đối chiếu với khung của ASEAN. Trong đó, mảng giáo dục nghề nghiệp gồm năm bậc, mảng giáo dục đại học có ba bậc. Nếu đề án xây dựng khung trình độ quốc gia được phê duyệt vào cuối năm nay, để triển khai vào thực tế cần phải có thêm thời gian.

Lao động Việt Nam vẫn còn yếu ngoại ngữ và nhiều kỹ năng mềm so với các nước ASEAN. Ảnh: Thành Hoa
Lao động Việt Nam vẫn còn yếu ngoại ngữ và nhiều kỹ năng mềm so với các nước ASEAN. Ảnh: Thành Hoa

Thách thức cho tương lai

Đồng ý với những suy nghĩ trên, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, cho biết: “Việt Nam phải xây dựng chương trình đào tạo từ nghề, đến trung cấp, cao đẳng và đại học có khung trình độ tương thích với khung trình độ chung của ASEAN. Có như thế thì một người khi tốt nghiệp ở Việt Nam, Thái Lan, Singapore… đều được thừa nhận trình độ để có thể làm việc ở các quốc gia trong cộng đồng và được trả lương xứng đáng theo bằng cấp, năng lực của mình. Cụ thể hơn, trình độ khi tốt nghiệp đại học ở Việt Nam phải tương thích với đại học các nước trong khu vực”.

Tuy nhiên, khi AEC chính thức thực thi, ông Tuấn nhìn thấy nguồn nhân lực Việt Nam sẽ gặp những thách thức về kỹ năng mềm, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp. Tuy nhiên, việc hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm và yêu cầu cao hơn đối với người lao động. Tiêu chí tuyển dụng cao, đòi hỏi người lao động ngoài kiến thức, chuyên môn vững, phải có thêm những kỹ năng khác.

Không thể chờ “nước đến chân mới nhảy” khi Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức vận hành vào năm 2015. Để có thể hội nhập với lao động các nước trong khu vực, người Việt Nam phải được đầu tư từ trước đó chứ không phải bây giờ. Lưu Xuân Hải, sinh viên năm ba, khoa Điện – Điện tử, trường Đại học Bách khoa TPHCM cho biết: “Tôi chưa nghe nói đến Cộng đồng kinh tế ASEAN mà chỉ biết học cho tốt để khi tốt nghiệp dễ tìm được việc làm”. Sinh viên này cũng chưa nghĩ đến việc phải cạnh tranh với lao động các nước trong khu vực ngay tại quốc gia mình. Việc đi đến các nước khác trong khu vực để xin việc cũng chưa được Hải nghĩ đến.

Vũ Thanh Quế, sinh viên năm tư, ngành quản trị kinh doanh, trường Đại học Kinh tế TPHCM, thì: “Có nghe phong thanh về Cộng đồng kinh tế ASEAN, nhưng chưa bỏ công tìm hiểu. Nhưng việc lao động các nước trong khu vực sẽ đến làm việc tại Việt Nam và ngược lại cũng không phải là điều gì đáng ngạc nhiên với tôi. Nhưng có lẽ ngành giáo dục nước mình chưa chuẩn bị nhiều cho việc này, nó chỉ là sự cố gắng của từng cá nhân thôi”, Quế nhìn nhận.

Trình độ lao động Việt Nam đang ở đâu?

Việt Nam có nguồn lực lao động trẻ, học vấn không phải thấp, tay nghề không thua kém lao động trong khu vực. Tuy nhiên ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống phát sinh trong công việc, làm việc theo nhóm và khả năng làm việc trong môi trường đa văn hóa thì lao động Việt Nam đang đứng sau nhiều nước trong khu vực. Cùng với đó là năng suất lao động của người Việt Nam được đánh giá thấp hơn các nước trong cộng đồng. Nhiều quốc gia trong khu vực vẫn không thừa nhận bằng đại học do Việt Nam cấp. Đây là những điểm yếu về chất lượng của lao động nước nhà.

Những yếu kém này, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM nhìn nhận: “Đây là vấn đề cấp thiết đối với những đơn vị đào tạo trong bối cảnh hiện nay. Các cơ sở đào tạo đang vận hành trong một cổ máy cho “ra lò” những lao động có kiến thức về lý thuyết không thấp, nhưng lại nghèo nàn về kỹ năng thực tế. Chương trình giảng dạy trong nước, lý thuyết chiếm đa số, thực hành chỉ chiếm 15%. Muốn thay đổi, nâng cao chất lượng, kỹ năng làm việc cần phải thay đổi cách dạy, cách tư duy như hiện nay”.

“Nhưng chỉ ngành giáo dục-đào tạo nỗ lực không thôi thì chưa thể đủ, để xây dựng được khung trình độ quốc gia phải có sự tham gia của các doanh nghiệp. Nếu không có sẽ khó để áp dụng vào thực tiễn. Và khi có khung trình độ quốc gia, giáo dục là lĩnh vực cần đổi mới trước tiên, phải vượt lên sức ì như hiện nay”, ông Nghĩa nói.

Không quá lạc quan, PGS.TS. Mạc Văn Tiến cho rằng nếu cuối năm nay đề án khung trình độ quốc gia được phê duyệt thì sang năm 2015 có thể áp dụng ở một số lĩnh vực, nhưng để hoàn thành được nó sớm nhất phải đến năm 2020.

Thái Ngọc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Tai nạn lao động gây thiệt hại hơn 16.000 tỉ đồng...

0
(SGTT) - Trong năm 2023, thiệt hại về vật chất và tài sản do tai nạn lao động lên tới hơn 16.000 tỉ đồng,...

Hà Nội, TPHCM có nhu cầu tuyển dụng hàng ngàn lao...

0
(SGTT) - Ở Hà Nội, phiên giao dịch và tư vấn việc làm lưu động mới đây có nhu cầu tuyển sinh, tuyển dụng...

TPHCM sẽ dành biên chế tuyển công chức, viên chức từ...

0
(SGTT) - TPHCM sẽ điều động, luân chuyển hoặc tinh giản những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, hạn chế...

Trung Quốc xem xét buộc trả lương cho thời gian làm...

0
(SGTT) - Trung Quốc sẽ xem xét ban hành quy định pháp lý bảo vệ lợi ích của những nhân viên làm việc trên...

Trường dạy nghề gặp khó trong nỗ lực ‘theo kịp’ thị...

0
(SGTT) – Hiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TPHCM đang gặp không ít vướng mắc trong quá trình xây...

Kỹ năng làm việc và kỹ năng hạnh phúc

0
(SGTT) - Khi thế giới thay đổi, các kỹ năng cần thiết để thành công tại nơi làm việc cũng thay đổi, do đó...

Kết nối