Chánh Tài -
Từ Mỹ cho đến châu Âu, bức tranh việc làm đang thay đổi theo hướng ngày càng có nhiều người tham gia vào lực lượng lao động tự do, mang tính tạm thời. Hình thức lao động này không mang lại nguồn thu nhập ổn định nhưng bù lại người lao động có thể linh động về thời gian làm việc và có cơ hội trải nghiệm nhiều công việc khác nhau, theo Christian Science Monitor.
Bùng nổ lao động tạm thời
Erica Prather, người Mỹ, đã “nhảy” nhiều công việc chỉ trong một thời gian ngắn. Chị từng vắt sữa bò ở Úc, làm hướng dẫn viên du lịch ở bang Alaska (Mỹ), dạy môn khoa học ở Hàn Quốc. Mùa hè vừa qua, chị tham gia xây dựng đường mòn thiên nhiên cho Cục Môi trường của Iceland.
Thay vì làm việc toàn thời gian cho một công ty, hàng triệu người lao động như chị Prather đang làm thuê theo các hợp đồng ngắn hạn, kéo dài chỉ vài giờ cho đến vài tháng. Hình thức lao động độc lập, mang tính ngẫu nhiên và tạm thời này không đặc biệt mới trong thế kỷ 21. Song điều mới là đội ngũ lao động dạng này đang tăng rất nhanh.
Cơn bùng nổ của lao động tự do nhanh đến nỗi nó đóng góp hầu như toàn bộ con số tăng trưởng việc làm ở Mỹ từ năm 2005 đến nay, theo một nghiên cứu mới của Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ. Nghiên cứu này do hai chuyên gia kinh tế Lawrence Katz ở Đại học Harvard và Alan Krueger ở Đại học Princeton thực hiện, cho biết trong con số 9,1 triệu việc làm tăng lên trong thập kỷ qua ở Mỹ thì các công việc toàn thời gian theo truyền thống chỉ chiếm 6%. Phần còn lại là các công việc tự do, tạm thời, theo hợp đồng ngắn hạn.
Hiện tượng này cũng đang diễn ra ở Tây Âu. Một số chuyên gia cho rằng các nền kinh tế phát triển đang tái định nghĩa các hợp đồng làm việc với người lao động, cung cấp cho họ sự tự do và sự linh động để phát triển cung cách làm việc mà họ muốn.
“Cũng giống như các mô hình làm việc thay đổi sau cuộc cách mạng công nghiệp, bản chất của việc làm có thể một lần nữa thay đổi khi cuộc cách mạng số bắt đầu tạo ra các tác động”, một nghiên cứu mới của Viện Toàn cầu McKinsey (Mỹ), được công bố vào đầu tháng 10 vừa qua nhận định.
Lao động tạm thời là một hiện tượng mang tính toàn cầu. Khoảng 94 triệu người ở các nước phát triển thuộc Liên minh châu Âu là những người lao động độc lập, không gắn bó với một công ty cụ thể, theo nghiên cứu của Viện toàn cầu McKinsey. Trong khi đó, có đến 68 triệu người Mỹ cũng nằm trong đội ngũ lao động tự do.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cho rằng sự thay đổi này là một bước thụt lùi. Khi các nền kinh tế phát triển hơn trong thế kỷ vừa qua, các doanh nghiệp đã tạo ra nhiều việc làm toàn thời gian với mức lương cao và các khoản phúc lợi đầy đủ bao gồm các chuyến đi nghỉ mát được chi trả hàng năm, khám sức khỏe miễn phí, bảo hiểm xã hội. Họ cho rằng nếu lao động tạm thời tái xuất hiện, đó là một bước thụt lùi khiến tình trạng bất bình đẳng thu nhập càng thêm trầm trọng.
Mặt lợi và mặt hại
Nhìn nhận một cách khách quan, hình thức lao động tạm thời có cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Khi Trevor Chamberlain chán nản với công việc dựng phim, anh chuyển đến thành phố San Diego, bang California để làm lại từ đầu. Tại đây, anh đã làm việc cho một ban đăng ký cử tri địa phương, nơi người dân đăng ký đi bầu. Công việc này khá vất vả nhưng anh chỉ được trả lương 10 đô la Mỹ/giờ, mức khá thấp ở Mỹ. Vậy nên, trong tháng 5-2016, anh chuyển sang lái xe cho Công ty Lyft, một dịch vụ gọi xe qua ứng dụng trên điện thoại di động và cuối cùng anh nhảy sang làm tài xế cho Uber, đối thủ cạnh tranh của Lyft. Anh cũng tham gia giảng dạy một số khóa dựng phim.
Mới đây, anh nhận được một hợp đồng dựng phim với một công ty quảng cáo lớn có mức thù lao khá cao nhưng hợp đồng chỉ kéo dài hai tháng. “Trong vài tuần tới, tôi sẽ phải tìm việc và có thể tôi lại trở về làm tài xế cho Lyft hoặc Uber. Tôi sẽ không bao giờ kết hôn vì tôi không ổn định được tài chính”, anh than thở.
Có rất nhiều thiệt thòi đối với những người lao động tự do như anh Chamberlain hay chị Prather, đặc biệt là việc họ không có các khoản phúc lợi như những người làm việc toàn thời gian ở các công ty. Song trên thực tế, những lao động tạm thời như Chamberlain thường cảm thấy hài lòng về công việc hơn là những lao động toàn thời gian. Viện toàn cầu McKinsey cho biết 68% những người kiếm thu nhập chủ yếu từ các công việc ngắn hạn nói rằng họ muốn tiếp tục hình thức làm việc này. Thậm chí, 12% người làm việc toàn thời gian nói rằng họ muốn chuyển sang làm việc tự do.
Sau chuyến làm việc ba tháng ở Iceland, chị Prather trở về thành phố Denver (Mỹ) để tìm hướng đi tiếp theo. Chị cho biết có 90% bạn bè của chị ở Denver đang làm việc theo hình thức lao động tự do.
Prather nói cha mẹ chị lo rằng nếu chị không xây dựng bản hồ sơ xin việc đẹp, điều này có thể gây khó khăn cho chị khi tìm kiếm công việc về sau này. Tuy nhiên, tình trạng thiếu việc làm hay nguy cơ về một cuộc đại suy thoái kinh tế không khiến Prather nao núng vì chị đã tích lũy được nhiều kỹ năng và học được cách để tồn tại và thích nghi ngay cả ở những nơi mà chị không biết tiếng của người dân địa phương. Chị cho biết mặc dù chị vẫn chưa biết điểm đến tiếp theo nhưng chị không lo lắng. “Có một chút ổn định trong sự bất ổn định từ cuộc sống của tôi vì tôi biết tôi có thể vượt qua nó”, chị nói.