Thứ Ba, Tháng Mười 8, 2024

Lạc nghiệp với nghề đóng thúng chai

Nguyễn Vinh

30 năm nay, ở xóm Gò (Đông Hải, Phan Rang, Ninh Thuận) có ông Bảy Nam nổi tiếng với nghề làm thuyền thúng chai. Vào thời biển dã thuận lợi, mỗi năm có khoảng 250 chiếc thuyền thúng mới từ vuông sân nhỏ nhà ông được cho hạ thủy…

Tiếp khách trong khoảng sân chất đầy tre nứa và cũng là cái “xưởng” thuyền thúng của gia đình, ông Bảy Nam nói cho đến giờ phút này, với ông đây là cái nghề lành, sống đủ, sống vui.

Ông Bảy Nam đã gần 70 tuổi, tên thật là Lê Ngọc Ánh, quê gốc ở huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Năm 20 tuổi, ông theo cha vào Đông Hải này sinh sống. Với ông, việc gắn bó với nghề làm thuyền thúng cũng là một cơ duyên tự nhiên. “Cha tui đem theo nghề đan thúng từ ở quê vào. Từ nhỏ, tui phụ việc cho cha và cái nghề thành máu thịt. Nhưng một giai đoạn bao cấp khó khăn, tui dắt díu vợ con rời làng Đông Hải bôn ba lên Bảo Lộc, Đà Lạt theo nghề thợ may mưu sinh. Rồi cũng như duyên nợ, năm 1981, vải vóc khó mua, nghề “ăn vải” không chuộng nữa, tui lại đưa vợ và bốn đứa con trở lại Đông Hải theo nghề ông già…”, ông kể.

Thuyền thúng chai truyền thống vẫn là phương tiện đi biển đánh bắt gần bờ của ngư dân. Ảnh: Nguyễn Vinh
Thuyền thúng chai truyền thống vẫn là phương tiện đi biển đánh bắt gần bờ của ngư dân.
Ảnh: Nguyễn Vinh

Chỉ với bộ đồ nghề đơn giản gồm rựa, dùi đục và cây dộng, nghề đóng thuyền thúng những tưởng dễ nhưng thật sự không có óc kiên trì chịu khó, không tỉ mỉ thì thúng chẳng ra thúng, chưa nói là người ta ra biển nguy hiểm, “thúng đi đằng thúng, tre đi đằng tre”. Ông Bảy Nam chỉ vào đống tre chất bên hè nhà diễn giải với khách rằng, chỉ chuyện chọn tre thôi là đã cực kỳ công phu. Muốn thúng tốt, đan khít và bền, phải chọn cho được tre trồng ở vườn, ruộng, phải là loại tre nhất, tre lớn. Loại tre này dẻo dai và chắc chắn. Thường thì cha con ông phải đặt tre từ vùng Ngã Ba Thành (Diên Khánh, Khánh Hòa). Người thạo nghề làm thúng như ông, chỉ cần ngó qua thân tre, màu tre là biết lai lịch xuất thân loại tre trồng ở núi cằn khô hay chốn ruộng đồng trù mật.

“Tre vùng ngoài ngó đẹp, nhưng mà nan không tốt. Cộng với cách đan hở, xài vài bữa là rò nước, xộc xệch ngay”, ông Bảy Nam nói.

Nhưng lựa tre là một chuyện. Tre có tốt mấy mà kỹ thuật dở thì cũng bỏ. Với kinh nghiệm hơn 30 năm, ông chia sẻ thêm, trong các công đoạn làm thúng thì kỹ thuật ra tép và vót tre là quan trọng nhất. Phải chuốt làm sao cho đều vỏ, đem phơi đủ nắng cho tre vừa khổ, đổi màu vàng khô thì cho ra tép. Ruột tre có thể tận dụng đan liếp lợp, thưng nhà, còn vỏ là phần chính, dùng đan thúng.

Nhiều năm qua, những chiếc thuyền thúng từ sân nhà ông Bảy Nam đã đi xa khắp vùng, từ Mỹ Tân, Cà Ná đến Vĩnh Hy. Người ngoài tỉnh, từ Phú Yên, Khánh Hòa và cả Phan Thiết… cũng tìm đến nhà Bảy Nam đặt hàng thúng chai. Có những thời điểm làm ăn được (trước 2011), cha con ông xuất xưởng mỗi năm 250 chiếc thuyền thúng. “Làm ngày làm đêm. Có thời, cứ vào mùa cá Nam (tháng 3 đến tháng 8) cả nhà phải thắp đèn măng-sông mà làm thúng suốt đêm cho kịp đặt hàng” – bà Hứa Thị Kim Cúc, người bạn đời của ông Bảy Nam kể.

Thuyen thung_ML

Loại thuyền mà ngư dân miền Trung thường đặt có đường kính chừng 2,3 mét. Loại này giá dao động từ 2,7 đến 3 triệu đồng/thúng. Thúng xài kỹ thì có độ bền được bốn năm.

“Cái nghề này không có đệ tử – ông Bảy Nam nói – nhiều người đã xin đến phụ làm để học việc nhưng rồi chào thua, vì nó cần sự tỉ mỉ, chịu khó. Tui có bảy đứa con, bốn trai ba gái, nhưng chỉ có hai đứa là thằng Vang (Lê Hoài Vang, sinh năm 1978, con thứ năm) và thằng Vũ (Lê Hoài Vũ, sinh năm 1981, con thứ sáu) là nối theo nghề này”.

Trong sân nhà, anh Vũ đang đánh trần chăm chú đan tép cho một “đơn đặt hàng” mới, nhưng cũng vui vẻ nói với khách: “Mấy anh em tui phụ việc cho cha từ nhỏ. Trước khi học vót nan, đánh nan thì phải… chịu khó đi đổ rác vài năm. Qua giai đoạn đó, nếu chịu khó để tâm quan sát thì mới bắt đầu với nghề được. Có người đi đổ rác vài năm không ra nghề, nhưng tui thì hình như có cái nghề trong máu, học nhanh hơn”. Còn anh Vang thì đang loay hoay với chiếc thuyền thúng khách vừa chở đến sửa, nói vui: “Không đủ sức ra biển với thiên hạ, anh em tui theo cái nghề gia truyền này. Cũng may mắn, vì đây là công việc tự do, không lệ thuộc ai hết, cũng không phải lo đói. Nói chung sống cũng nhàn, túc tắc đủ kiếm tiền nuôi vợ con”.

Mỗi năm ông Bảy Nam “xuất xưởng” khoảng 250 chiếc thuyền thúng.
Mỗi năm ông Bảy Nam “xuất xưởng” khoảng 250 chiếc thuyền thúng.

Mấy năm nay, trước sự cạnh tranh của thuyền thúng sản xuất ở Phú Yên, thuyền thúng tít, thúng mủ (làm bằng nhựa), cha con ông Bảy Nam vẫn bình thản với nghề. Có những khách hàng sau khi theo thúng tít, thấy tiện, nhưng ra biển, thúng nhẹ, bị sóng đánh tròng trành, lật úp, phải trở lại tìm ông. Cũng có người thấy thúng Phú Yên đẹp, giá rẻ, cũng ham, mua đi biển vài bữa thì thấy xộc xệch, rò nước do chuốt nan không đều, đóng nan hở… lại cũng tìm về với ông. “Hàng làm có giảm đi. Nhưng không lo, mình làm kỹ, uy tín với khách thì người ta còn tìm đến”, người đàn ông có mười hai đứa cháu nội ngoại cười nói.

Còn bà Cúc – vợ ông – thì nói: “Là người đàn bà, thứ mà tui vui nhất, tự tin nói với chú rằng, gia đình tui hạnh phúc nhứt cái làng biển này, mà chắc cũng êm ấm nhứt nhì cái thành phố Phan Rang này. Có người xóm giềng nói sao cứ suốt ngày đêm thấy gia đình ông Bảy Nam lui cui lọc cọc làm thúng mà cha con anh em vợ chồng chẳng bao giờ tiếng to với nhau, chẳng bao giờ nghe thấy gây gổ…, tui nói với họ rằng, cái nghề này cần sự tỉ mỉ, bình tĩnh và đồng lòng nên nó cũng rèn
cái tánh người ta phải sống hài hòa, ân cần, biết quan tâm lẫn nhau. Trong nhà mà đồng lòng, vui vẻ làm lụng thì cái thúng làm ra mới đẹp, mới tốt, theo người ta đi ra biển êm ả, bớt cái chòng chành chao đảo”.

Bên vuông sân, hai anh em Vang và Vũ đang loay hoay xếp nan tre để đóng một chiếc thúng chai mới cho một ngư dân trong làng vừa đặt hàng từ hôm qua.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Vùng biển dã của ngư dân “chạy gió”

0
Nguyễn Vĩnh Nguyên Hầu hết ngư dân duyên hải miền Trung hễ nghe biển động là rầu, chỉ có ngư dân ở làng biển Sơn...

Biển ngàn đời, chợ cũng bao đời

0
Tư Miền Biển Khách du lịch đến Nha Trang có thể gặp những con đường mang tên Bến Cá, Hàng Cá, Bến Chợ ngay giữa...

Cây tỏi cô đơn

0
Hoàng Việt Hằng Có một người ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) ra Hà Nội mưu sinh mang theo cây tỏi một tép mà dân...

Nạo vạn nơi vùng biển địa đầu

0
Khánh Tường Người dân Trà Cổ ở địa đầu Tổ quốc gọi nghề cào ngao (nghêu) trên vùng biển giáp biên với Trung Quốc bằng...

Duyên nợ với ghe bầu

0
Thanh Quang Ghe bầu – loại thuyền buồm đi lại trên biển, nhờ đó mà xưa kia xứ Đàng Trong phát triển mạnh giao thương...

Người không bán giấc mơ

0
Nam Thụ Gầy và đen như một nông dân chính gốc, khó ai nhìn ra anh là họa sĩ Trần Hùng, một giám đốc nghệ...

Kết nối