(SGTT) – Cái tên sông Ba mang âm sắc gốc của các cụm từ “Ayun Pa”, “Ia Pa”, “K’rong Pa”, đều là tên gọi hết sức gần gũi của đồng bào dân tộc ở Kon Tum, Gia Lai. Ở đó, sông khơi mạch ngầm từ đồi núi, từ vách đá… rồi như có một lời hẹn ước với đồng bằng và biển cả, bất chấp cách trở, nước cứ tìm nhau, hoà vào nhau mà thành sông lớn.
- Ký sự sông Ba (kỳ 1): Từ nơi miền thượng…
- Đi thuyền thúng khám phá hòn đảo có ngàn cột đá bazan ở Phú Yên
- Đi Phú Yên ra thăm đảo Hòn Chùa
Từ Ayun Pa…
Có lẽ không có gì hay hơn, cụ thể hơn để nói về sự hoà hợp, sẻ chia bằng cái cách mà các nguồn nước tìm đến nhau để hợp thành sông. Sông Ayun, một nhánh góp dòng cho sông Ba được chặn dòng ở phía hạ nguồn nên con sông phình ra thành một hồ chứa nước, làm nguồn cho một công trình đại thủy nông cùng tên.
Tích được nước trong mùa khô hạn để đưa nước tưới cho ruộng rẫy đồng nghĩa với việc cất những huyền thoại cầu mây, cầu mưa của “Vua Lửa” ngày xưa vào pho sử. Tuy nhiên, vài năm gần đây, cùng với sự phục hoạt của văn hoá tâm linh, chuyện về năng lực của con người có thể kết nối được với thiên nhiên lại thêm hấp dẫn.
Sau khi “Vua Lửa” thứ 14 của người Jrai qua đời, thì Rơ Lan Hieo ở làng Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai “lên ngôi” bằng truyền miệng, bởi không phải trải qua một nghi lễ nào cả. Tuy nhiên, có một hình tượng vua cũng là một sự cảm hứng để người đời tìm hiểu những yếu tố thần quyền ở Tây Nguyên, gồm Vua Lửa, Vua Nước, Vua Gió… Trong các vị vua ấy thì Vua Lửa có vai trò lớn trong đời sống tinh thần các tộc người Tây Nguyên, đặc biệt là người Jrai.
Người ta gọi Ayun Hạ là một công trình đại thuỷ nông của Tây Nguyên. Cái hồ thơ mộng ấy đã làm mát 13.500ha đất canh tác của thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai, làm cho người dân chuyên cần hơn với ruộng rẫy mà ít nghĩ đến chuyện chặt cây, phá rừng.
Hậu duệ của những “Vua Lửa” ngày nay không còn cầu mưa nữa, vì đã có nước dùng quanh năm, nhưng chắc rằng, trong cõi tâm linh họ đã biết ơn những người không may phải bỏ mạng trong những ngày xây dựng hồ nước, đập nước đầy gian nan.
Hồ nước Ayun Hạ rộng chừng 37km², dung tích 253 triệu thước khối nước. Mỗi năm, người ta thả khoảng 3 triệu con cá giống gồm cá chép, cá mè, cá trôi… biến hồ Ayun Hạ thành ao cá khổng lồ cung cấp nguồn thủy sản lớn cho khu vực Ayun Pa và thành phố Pleiku.
Xưa nay, cá miền xuôi đưa về miền núi là lẽ thường, hai miền đổi nhau: “Măng le gùi xuống, cá chuồn đưa lên”. Thế nhưng giờ đây, ngày ngày con cá nước ngọt từ lòng hồ Ayun Hạ của Gia Lai lại xuôi về Phú Yên, Bình Định.
…đến đập Đồng Cam
Lưu vực sông Ba và phụ cận bao gồm một phần địa giới của bảy tỉnh, gồm Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông và Bình Định. Đây là vùng đất có ba lưu vực chính, gồm sông Ba, sông Srepok và sông Côn. Ba lưu vực này có quan hệ về cân bằng nguồn nước sinh thái và môi trường.
Phát nguyên từ dãy núi Ngọc Rô, sông Ba có hai nhánh, một nhánh chảy qua Tờ Kan, Pô Kô (huyện Đăk Tô), đến Sa Thầy, Chư Păh rồi xuống Ayun Pa. Nhánh thứ hai chảy qua Kon Prẫy, K’plong, K’ban huyện K’ban rồi chảy xuống Kanax. Hai nhánh sông vòng vèo, len qua núi rừng rồi cũng hợp về Ayun Pa.
Đây là đoạn sông Ba có nhiều ghềnh thác nhất. Cây rừng mất nhiều nhưng đá núi còn nguyên nên dòng sông có nơi vẫn đậm nét hoang sơ. Chúng tôi luồn lách đủ kiểu để có thể đến gần sông Ba, nhất là những đoạn ít người qua lại. Nhiều đoạn, chúng tôi nhắm hướng theo tiếng thác chảy ầm ào mà đến. Có đoạn phải tìm cách lên thật cao để may ra có thể nhìn thấy dòng sông như một dải lụa mỏng vắt qua sườn đồi.
Sông Đà Rằng, tên gọi của sông Ba ở phần hạ nguồn có đập Đồng Cam dài 688m, cao 22,4m so với mặt nước biển – con đập tràn lớn nhất miền Trung có giá trị thẩm mỹ lẫn kỹ thuật cao. Hơn nửa thế kỷ qua, đập Đồng Cam đã đem lại một nguồn nước ổn định, bền vững để người dân Tuy Hoà trồng lúa, đồng thời nơi đây trở thành một cảnh quan đẹp, điểm du lịch quan trọng của tỉnh Phú Yên.
Đập Đồng Cam do kiến trúc sư trưởng Desbos cùng với các cộng sự người Pháp thiết kế từ ý tưởng “dẫn thuỷ nhập điền” cổ truyền của người sắc tộc Chăm địa phương. Năm 1904, bản vẽ thiết kế được hoàn thành nhưng mãi đến năm 1920, kỹ sư Nordey và kỹ sư trưởng Lefèvre hoàn chỉnh lại đồ án.
Bốn năm sau, công trình chính thức được thi công và hoàn thành vào năm 1932, tiêu tốn 2,1 triệu đồng Đông Dương, tương đương 262.000 tấn thóc. Trong hoàn cảnh “ma thiêng nước độc”, 5,35 triệu lượt công lao động đã “đồng cam cộng khổ” xây dựng nên đập nước hùng vĩ này.
Hàng năm, vào mùng 5 Tết, người Phú Yên mở lễ hội nhằm tri ân những người đã có công xây dựng và nhang khói cho hương hồn của 50 người đã chết vì sốt rét rừng và hai người thiệt mạng trong lúc nổ mìn, đắp đê quai. Công trình trải qua thử thách của 20 đợt lũ, lụt làm sập, đổ nhiều phần, phải thi công lại.
Đập Đồng Cam có hơn 2.500 hạng mục lớn nhỏ cùng hệ thống nông giang với hai kênh dẫn nước là Kênh Chính Bắc và Nam và khoảng 200km kênh mương nhịp nhàng, đồng bộ dẫn nước cho cả vùng lúa Tuy Hòa rộng 220km². Trong tâm thức của người dân Phú Yên, công trình thủy nông Đồng Cam được ví như mạch máu quê hương, nuôi dưỡng đồng lúa Tuy Hòa.
Thủy điện trên sông Ba
Tuy sông ngòi chằng chịt, Việt Nam chỉ có 10 hệ thống sông có thể phát triển thủy điện. Trong đó, bốn lưu vực sông có tiềm năng thủy điện lớn nhất là sông Đà, sông Lô – sông Gâm – sông Chảy, sông Sê San và sông Đồng Nai, chiếm 75% tiềm năng cả nước.
Sông Ba là con sông có độ dốc nhất miền Trung. Chính vì thế, sông Ba cũng là sông có mật độ thủy điện dày đặc nhất cả nước. Sông Ba đã được đưa vào quy hoạch một trong năm con sông có tiềm năng thủy điện lớn nhất cả nước.
Do thủy điện miền Trung đa phần thuộc loại vừa và nhỏ (dưới 30MW), có thủy điện lại không có cả hồ trữ nước nên phải tích nước dành cho phát điện trong mùa khô. Điều này làm giảm lưu lượng và động lực sông trong mùa khô khiến cho động lực biển thắng áp đảo động lực sông. Kết quả là cửa sông bị bịt kín nhanh và chắc hơn thông thường, khiến khả năng thoát lũ trên sông giảm đi.
Sông miền Trung có đặc điểm là ngắn, sau đỉnh mưa 2 – 3 giờ là nước lũ dồn đến cửa sông. Đã vậy, các đoạn trung lưu của sông đều ngắn, thậm chí có sông không có đoạn trung lưu, khiến cho động lực nước mùa lũ hầu như không bị triệt tiêu khi nước lũ dồn về cửa sông.
Thủy điện Ba Hạ nằm ở cuối sông Ba, là bậc thang cuối cùng trên sông, nên khi các hồ thủy điện khác trên dòng sông này đã đồng loạt xả lũ, khiến lưu lượng nước trên sông Ba lên rất cao, và đương nhiên hồ nước sông Ba Hạ trở nên không thể an toàn. Xả lũ nhanh đã gây thiệt hại, còn nếu chậm xả lũ, nguy cơ đập vỡ rất cao.
Hành trình ra biển của sông Ba là cả một câu chuyện dài…
Đón xem kỳ 3 – Ký sự sông Ba: Di sản dòng sông
Từ độ cao hơn 1.500 mét trên đỉnh núi Ngọc Rô, mây và nước cứ tuần hoàn tụ hơi, rơi hạt, khơi những khe nước nhỏ, rồi lèn đá, qua ghềnh, hợp lưu thành dòng, chảy mãi thành sông. Hành trình từ nguồn ra biển của sông Ba là một câu chuyện dài của sự kỳ vĩ và đơn độc, của hùng tráng và lặng lẽ.Sông Ba như dang đôi tay từ Tây sang Đông, nối núi rừng Trường Sơn với biển cả. Dù xuôi hay ngược sông Ba, ta đều có cảm giác “lên rừng – xuống biển” – một hành trình hình thành dân tộc, xây dựng nước non…