Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Kỳ cuối: Thẻ SIM mà biết nói năng…

Trong những bài trên các số trước, Sài Gòn Tiếp Thị đã phần nào cung cấp cho bạn đọc thấy được bức tranh không mấy tươi đẹp khi người dùng bị “móc túi” vô tội vạ. Trong khi các thuê bao điện thoại cho rằng họ đã bị dính những “chiếc bẫy” được giăng ra thì nhà cung cấp mạng, cung cấp dịch vụ thanh minh rằng những lỗi đó, một phần là do… khách quan.

>> Kỳ 1: “Dế” đã bị bao vây tứ bề

>> Kỳ 2: Những nẻo đường… mã độc

Dịch vụ có trước luật

Trên thực tế, những chiếc SIM được các nhà mạng cung cấp ra thị trường đã cài đặt, tích hợp các ứng dụng phần mềm vào SIM. Sau đó, nhà mạng đã hợp tác với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung để cung cấp các thông tin (như kết quả xổ số, kết quả bóng đá…). Khi thuê bao di động vào các mục, chức năng của phần mềm đã được tích hợp sẵn trên SIM sẽ trừ tiền trong tài khoản điện thoại. Nếu khách hàng không rành rọt về các ứng dụng được tích hợp này, họ kích hoạt dịch vụ và cứ thế sẽ bị trừ tiền, hoàn toàn không có sự miễn phí ở đây.

Với nhiều người, cước tháng của dịch vụ điện thoại di động đến hạn là đóng mà không quan tâm đến số tiền chênh lệch vì có khi chỉ vài chục ngàn đồng (ảnh minh họa).  Ảnh: Nam Hưng
Với nhiều người, cước tháng của dịch vụ điện thoại di động đến hạn là đóng mà không quan tâm đến số tiền chênh lệch vì có khi chỉ vài chục ngàn đồng (ảnh minh họa). Ảnh: Nam Hưng

Số liệu từ Thanh tra của Bộ Thông tin Truyền thông (TT-TT) cho biết, mạng MobiFone sau khi tích hợp hai phần mềm LiveInfo và SuperSIM đã hợp tác với 17 công ty cung cấp dịch vụ nội dung để cung cấp các thông tin, tin nhắn thông qua các ứng dụng để cùng ăn chia doanh thu. Doanh thu năm 2012 và 7 tháng năm 2013 của các dịch vụ mà MobiFone và đối tác thu được qua các ứng dụng tích hợp sẵn trên SIM là hơn 150,5 tỉ đồng.

“Do quy định có sau nên việc yêu cầu nhà mạng dừng và sửa đổi ngay lập tức là không khả thi. Tất cả cần phải có thời gian.”

Còn VinaPhone sau khi tích hợp sẵn trên SIM ứng dụng IOD, V-Live cũng đã hợp tác với các công ty dịch vụ nội dung cung cấp thông tin, tin nhắn tới các thuê bao và đem lại doanh thu gần 20,7 tỉ đồng trong một năm (từ tháng 6-2012 đến tháng 6-2013). Mạng di động Viettel cũng đã tích hợp trên SIM dịch vụ Viettel Plus và thu những khoản tiền không nhỏ.

Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó tổng giám đốc MobiFone, cho biết nhà mạng đã cung cấp các dịch vụ được tích hợp sẵn trên SIM từ cách đây năm năm. Song, quy định của Nhà nước liên quan đến các ứng dụng, cài đặt trên SIM chỉ mới có khoảng một năm trở lại đây. “Do quy định có sau nên việc yêu cầu nhà mạng dừng và sửa đổi ngay lập tức là không khả thi. Tất cả cần phải có thời gian”, ông Chiến nói.

Bộ sẽ kiểm tra

Hiện Thanh tra Bộ TT-TT vẫn đang lúng túng chưa biết xử lý ra sao khi các nhà mạng lớn tiếp tục “móc túi” khách hàng bằng việc tích hợp sẵn một số dịch vụ trên SIM trước khi bán ra thị trường nhưng lại không thông tin rõ ràng về giá dịch vụ. Theo đại diện Thanh tra Bộ TT-TT, các mạng di động lớn tại Việt Nam hiện đã tích hợp sẵn một số ứng dụng dịch vụ giá trị gia tăng trên SIM khi cung cấp cho khách hàng. Nếu nhà mạng không thông tin rõ ràng về cước của các ứng dụng này cho khách biết là sai hoàn toàn.

Tuy nhiên, cơ quan Thanh tra cho rằng các phương án khắc phục mà nhà mạng đưa ra nêu trên vẫn không tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về công khai minh bạch giá cước. Do đó cơ quan này đang đề xuất lên lãnh đạo bộ để tổ chức họp với các cơ quan liên quan nhằm đề ra biện pháp triệt để, yêu cầu các nhà mạng phải chấm dứt tình trạng “móc túi” khách hàng như trên. Thanh tra bộ này còn thể hiện quan điểm dứt khoát không cho các nhà mạng tiếp tục cung cấp các dịch vụ trên nếu không thực hiện đúng các quy định của Nhà nước.

Trong lúc đó, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) cho biết, thời gian qua thanh tra bộ đã phát hiện một số nhà mạng cung cấp dịch vụ tích hợp trên SIM, nhưng không thông báo công khai minh bạch với người sử dụng. Cục Viễn thông cũng đã phối hợp với Thanh tra, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính, Vụ Pháp chế tổ chức một số cuộc họp với các doanh nghiệp liên quan đến nội dung này. “Theo kế hoạch, đoàn kiểm tra liên đơn vị của bộ xuống từng doanh nghiệp xem những dịch vụ nào tích hợp trên SIM mà công khai minh bạch về giá cước, dịch vụ cũng như cho phép người sử dụng chọn có sử dụng dịch vụ hay không sẽ nhất trí cho triển khai. Những dịch vụ tích hợp trên SIM khác mà không đảm bảo công khai minh bạch sẽ có quyết định tại chỗ yêu cầu doanh nghiệp ngừng cung cấp dịch vụ”, ông Hải nói.

Tích hợp thì dễ, khắc phục phải… từ từ

Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó tổng giám đốc MobiFone, nói rằng các nhà mạng cung cấp dịch vụ tích hợp sẵn trên SIM và thu cước không hề mập mờ. Bởi theo ông Chiến, dịch vụ LiveInfo của MobiFone được cung cấp theo dạng chạy chữ trên màn hình điện thoại, nếu khách hàng đọc dòng chữ này không bị trừ phí. Song nếu khách hàng quan tâm và nhấn vào đọc chi tiết thì mới phải trả tiền. Ông Chiến còn cho rằng, theo quy định, các mạng đã niêm yết công khai giá của dịch vụ tích hợp sẵn trên SIM tại trang web của mình và có giải đáp thông tin trên các tổng đài giải đáp thắc mắc của khách hàng.

“Kỳ vọng của cơ quan quản lý yêu cầu khách hàng sử dụng các dịch vụ trên phải có bước xác nhận là có mua và giá niêm yết phải đầy đủ và rõ ràng. Nhưng thực tế công nghệ của SIM cách đây 5-6 năm chưa làm được. Nhà mạng xin có thời gian để sửa đổi hệ thống chứ chưa thể làm ngay”, ông Chiến nói.

Gửi báo cáo lên Thanh tra Bộ TT-TT đề xuất biện pháp khắc phục để duy trì cung cấp các dịch vụ trên, Tập đoàn Viettel cho rằng do giới hạn về công nghệ nên không thể cho người sử dụng cơ chế chọn đồng ý hoặc không tải dịch vụ. Do đó, Viettel đề xuất khi thuê bao kích vào phần mềm, hệ thống sẽ nhắn tin thông báo khách hàng đã đăng ký sử dụng dịch vụ thành công kèm theo hướng dẫn hủy dịch vụ. Còn đối với những SIM đã cung cấp ra thị trường trước tháng 1-2014, Viettel sẽ khắc phục bằng cách bổ sung thêm tin nhắn cho khách hàng với nội dung thông báo đã đăng ký sử dụng dịch vụ, giá dịch vụ và cách hủy dịch vụ.

Còn VinaPhone thì đưa ra đề xuất, với các SIM mới đặt hàng sản xuất sau này sẽ bổ sung mục giá cước ở từng danh mục dịch vụ. Với các SIM nhà mạng này đã phát hành thì khi thuê bao đăng ký dịch vụ sẽ nhận được tin nhắn thông báo giá cước.

Vân Ly

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Những mẫu smartphone có camera sau chất lượng cho người thích...

0
Mới đây, chuyên trang công nghệ DxOMark đã đưa ra danh sách những smartphone có cụm camera với thông số ấn tượng, cho chất...

VinSmart “bắt tay” nhà mạng AT&T đưa điện thoại lên kệ...

0
(SGTT) - Mới đây, trên trang web của tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Walmart và hệ thống cửa hàng của nhà...

Chuẩn bị cho thời điện thoại màn hình gập

0
(SGTT) - Sau khi các mẫu điện thoại thông minh màn hình gập như Galaxy Fold, Huawei Mate X được giới thiệu, giới chuyên...

iPhone 6s có gì hay hơn iPhone 6?

0
CHÍ THỊNH - Bộ đôi iPhone 6s và 6s Plus tuy không có sự khác biệt về kiểu dáng so với iPhone đời trước...

Chặn tin rác trên smartphone

0
Chí Thịnh Tin nhắn rác đang làm phiền người dùng điện thoại di động mỗi ngày nhưng các nhà mạng vẫn chưa có giải pháp...

Tìm kiếm thông tin, từ trực tuyến sang di động

0
Mở một chiếc máy tính hay bật một chiếc điện thoại, mỗi người đều có cơ hội dùng đến công nghệ tìm kiếm, gọi...

Kết nối