Chủ Nhật, Tháng năm 25, 2025

Kinh doanh trực tuyến so găng quyết liệt

CHÍ THỊNH -

Việc một số doanh nghiệp thương mại điện tử phải đóng cửa hoặc bán lại cho công ty khác trong vòng hai năm qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng kinh doanh trực tuyến không phải là lĩnh vực dễ ăn.

“Đốt tiền” giành khách

deca-thong-bao-dong-cua

Sàn thương mại điện tử (TMĐT) Lingo.vn vừa âm thầm đóng cửa sau một thời gian hoạt động. Nhiều người đang xem đó như một tín hiệu cảnh báo cho các doanh nghiệp TMĐT, rằng nguy cơ thiếu vốn hoạt động dẫn tới việc ngừng hoạt động là điều có thể xảy ra đối với bất kỳ sàn TMĐT nào. Điều này sẽ sớm diễn ra nếu các sàn không có cách nào khác ngoài việc tiếp tục “đốt tiền” để thu hút khách lên mạng mua sắm hàng hóa.

Thực tế cho thấy, cuộc chiến cạnh tranh giảm giá, khuyến mãi liên tục của các sàn TMĐT đã dẫn đến việc một số sàn bị thiếu vốn hoạt động. Có thể nói, chương trình khuyến mãi dồn dập của các sàn TMĐT đã làm cho một số người dùng “nghiện” mua hàng giảm giá online. Song mặt trái của nó có thể là sự hờ hững của nhiều người nếu một ngày nào đó hàng hóa bán qua mạng không còn mức giảm giá hấp dẫn nữa.

Cuộc chơi trong mảng TMĐT đang dần định hình, với ưu thế nghiêng về một số “ông lớn” như Lazada, Adayroi, Sendo và Tiki. Trong số đó, Lazada và Adayroi là hai sàn TMĐT được cho là có tiềm năng tài chính khá mạnh nhờ sự hậu thuẫn từ Alibaba (Trung Quốc) và Vingroup. So với các doanh nghiệp khác, đây là hai đối thủ đáng gờm trong cuộc chiến cạnh tranh giành thị phần, mặc dù lúc này họ cũng đang “đốt tiền” bằng các chương trình khuyến mãi, giảm giá liên tục.

Các sàn TMĐT khác dù muốn dù không cũng phải tham gia vào cuộc chiến cạnh tranh về giá, phải tích cực khuyến mãi nếu muốn khách hàng chọn trang web của mình để mua sắm. Sự cạnh tranh về giá dường như không có điểm kết thúc khi người tiêu dùng chưa tin tưởng hoàn toàn vào việc mua hàng trên mạng.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc khối thương mại điện tử Zamba thuộc Công ty VCCorp, cho biết hầu hết các sàn TMĐT đang tiêu xài rất nhiều tiền để thu hút khách hàng mua sắm online bằng các chương trình khuyến mãi, giảm giá. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp TMĐT chọn thị trường ngách (chọn một ngành hàng) để phát triển, sau đó mở rộng dần và đầu tư vào chất lượng dịch vụ để thu hút khách hàng thay vì cạnh tranh bằng giá.

Còn ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cho rằng việc một số sàn TMĐT rơi vào tình trạng đóng cửa cũng là quy luật cạnh tranh tất yếu phải xảy ra. Hàng năm, bên cạnh những sàn TMĐT đóng cửa vẫn có những trang web mới xuất hiện. Nhìn chung, TMĐT Việt Nam đang phát triển tốt, số lượng người dân tham gia mua sắm trực tuyến đang tăng dần.

Sắp tới, một số nhà bán lẻ đang sở hữu chuỗi cửa hàng lớn, có phạm vi phủ sóng toàn quốc có thể sẽ tiến tới việc đầu tư mạnh cho TMĐT, mở ra các sàn mang điểm khác biệt. Các đơn vị này đang hoạt động kinh doanh online nhưng chủ yếu bán những sản phẩm hiện có trong cửa hàng bán lẻ (offline). Khi đầu tư chuyên sâu vào sàn TMĐT, những doanh nghiệp này sẽ mở rộng kinh doanh với nhiều mặt hàng khác nhau như smartphone, hàng điện máy, ô tô-xe máy, thực phẩm tươi sống...

Chẳng hạn, hệ thống bán lẻ Thế giới di động đang có kế hoạch mở sàn TMĐT vào cuối năm nay. Hiện tại, công ty này đang thử nghiệm trang web kinh doanh online với các nhóm mặt hàng đang kinh doanh tại các chuỗi cửa hàng bán lẻ Thegioididong.com (bán laptop, smartphone), Điện máy Xanh (bán hàng điện máy, điện gia dụng) và Bách hóa Xanh (bán các loại nhu yếu phẩm, rau củ, thực phẩm). Sau đó, công ty này sẽ mở rộng kinh doanh với nhiều mặt hàng khác.

Không khuyến mãi, khó sống

FoodPanda_ngunghoatdong

Đó là nhận xét của những người trong ngành khi nhận xét về tương lai của hoạt động mua sắm trực tuyến trên các sàn TMĐT hiện nay. Việc một loạt các sàn TMĐT và trang web rủ nhau đóng cửa do thiếu vốn trong hai năm qua đã chứng minh rằng nếu thiếu tiền thì khó lòng thu hút người mua.

Một người am hiểu lĩnh vực TMĐT cho biết, hầu hết các dự án TMĐT đang hoạt động đều chưa có lợi nhuận. Họ phải tốn kém nhiều chi phí cho hoạt động tiếp thị, quảng cáo và khuyến mãi để thu hút người mua. Có những sàn phải chấp nhận bán với giá thấp hơn các cửa hàng bán lẻ để dịch chuyển hành vi mua sắm từ offline (mua tại cửa hàng) sang online (mua sắm trực tuyến). Có thể nói, một sàn TMĐT sẽ không thể có lợi nhuận ngay trong vòng 2-3 năm, thậm chí phải chịu 4-5 năm. Khi hết tiền để tổ chức các hoạt động giảm giá, khuyến mãi, các sàn buộc phải đóng cửa để cắt lỗ.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp TMĐT nhận xét, người tiêu dùng trong nước khá linh hoạt trong việc mua sắm trực tuyến cũng như mua hàng ở siêu thị. Chỗ nào hàng hóa có giá rẻ hơn thì họ mua, đắt hơn thì họ không mua. Nếu các sàn TMĐT cứ tung tiền giảm giá, khuyến mãi liên tục để tăng thị phần, sau đó không còn tiền để hoạt động nữa thì sẽ ra sao?

Ông Trần Hải Linh, Tổng giám đốc sàn Sendo.vn, cho biết hiện nay nhiều người tiêu dùng đã quen với việc mua hàng khuyến mãi trên mạng. Một số doanh nghiệp tìm cách nâng giá sản phẩm lên cao, rồi tổ chức đợt bán hàng giảm giá 30-40% để thu hút khách hàng. Điều này dẫn tới việc người tiêu dùng mất niềm tin vào mua sắm trực tuyến, ảnh hưởng tới sự phát triển của TMĐT trong nước.

Một số ý kiến cho rằng, việc giảm giá bán, khuyến mãi trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến sẽ phát triển tốt nếu có sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và đơn vị bán lẻ trực tuyến. Các doanh nghiệp TMĐT không nên lao vào cuộc đua về giá để dẫn tới kết cuộc “người sống-kẻ chết” như hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối