Dương Vy Quyên -
Trong cuối tháng 3 và tháng 4 này, sân khấu Hồng Hạc liên tiếp công diễn các vở kịch được chuyển thể từ các tác phẩm văn học đương đại trong nước và cổ điển phương Tây. Hai vở diễn Eugénie Grandet và I am đàn bà của biên kịch Việt Linh hứa hẹn mang đến cho khán giả TPHCM nhiều cung bậc cảm xúc.
Xuất bản năm 1839 bởi nhà xuất bản Charpentier, tiểu thuyết Eugénie Grandet là tác phẩm nổi bật của văn hào Pháp Honoré de Balzac. Thông qua nhân vật Grandet và bi kịch của cô con gái Eugénie, tác giả phơi bày thói tham lam, keo bẩn của giai cấp tư sản trong thế kỷ thứ 19 cũng như sự tha hóa của con người trước sức mạnh của đồng tiền. Dù ra đời vào thế kỷ 19 nhưng tính thời sự của tác phẩm vẫn còn đến tận ngày nay, bởi thế, Eugénie Grandet liên tục được chuyển thể thành kịch và phim tại nhiều nước trên thế giới.
Được dịch sang tiếng Việt từ nhiều năm trước nhưng đây là lần đầu tiên Eugénie Grandet được chuyển thể thành kịch tại Việt Nam. Từ kịch bản chuyển thể của biên kịch Việt Linh và bản dựng công phu của đạo diễn Tây Phong, sân khấu Hồng Hạc cho biết sẽ mang đến cho khán giả một tác phẩm phái sinh trung thành nhất có thể với nguyên tác của Balzac. Nếu đã đọc Eugénie Grandet, hẳn khán giả sẽ nhận ra rất nhiều câu thoại then chốt của các nhân vật chính đã đượcc vở kịch giữ lại. Theo biên kịch Việt Linh, dù vở diễn chỉ vừa bắt đầu dàn dựng cách đây hai tháng nhưng kịch bản đã được trau chuốt từ nhiều năm trước.
Sự xuất hiện của Eugénie Grandet khiến không ít khán giả cảm động khi đã rất lâu rồi TPHCM mới có một vở kịch cổ điển phương Tây như vậy. Thêm vào đó, dàn diễn viên “không sao” Lê Chi Na, Thanh Tuấn, Lương Mỹ, Lê Hoàng Giang, Hồng Đào, Nhựt Lam, Nghinh Lộc, Cao Hùng Sơn... cũng gây không ít bất ngờ về khả năng diễn xuất của mình. Vở kịch sẽ đến với khán giả vào ngày 30-3 này.
Trong tháng tới, Hồng Hạc còn mang đến cho khán giả một vở diễn thú vị không kém được chuyển thể từ một tác phẩm văn học đương đại trong nước. Vở kịch I am đàn bà, phỏng theo truyện ngắn của nhà văn Y Ban đánh dấu lần đầu kết hợp của biên kịch Việt Linh và đạo diễn, diễn viên Hạnh Thúy. Tên kịch “nửa Tây nửa ta” này đã được biên kịch Việt Linh kiến quyết giữ lại, bởi theo chị, nó phản ánh được “sự nhập nhằng về ngôn ngữ, cảm xúc và cả đạo đức”.
Trong truyện gốc, nhà văn Y Ban không miêu tả cụ thể về bối cảnh nhưng khi chuyển thể, Việt Linh đã đưa không gian truyện về một vùng quê sông nước miền Tây. Nếu như vở Eugénie Grandet được Hồng Hạc dàn dựng đậm chất cổ điển phương Tây thì ở I am đàn bà, chất miền Tây của Việt Nam cũng hiện lên rất đời, rất thực. Khán giả sẽ bắt gặp cảnh nhân vật chăm chút cho khóm rau mùa nước ngập mặn, người mẹ vừa mắng yêu vừa kỳ cọ tắm cho đứa con nghịch ngợm dính đầy đất…
Ở vở diễn này, thực trạng xuất khẩu lao động và lấy chồng nước ngoài của phụ nữ miền Tây được phản ánh vừa bi hài vừa chua xót qua những câu thoại ngắn gọn, “nửa nạc nửa mỡ” tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt. Đó có thể là những cô gái ôm mộng đổi đời, mong muốn phụ giúp kinh tế cho gia đình và nhận lời làm vợ những người mà họ chỉ mới thấy qua ảnh; là người vợ quê gạt nước mắt đi xuất khẩu lao động để tìm tương lai cho những đứa con. Những phụ nữ miền Tây, những cô dâu Việt tình cờ gặp nhau nơi xứ người. Họ mừng mừng, tủi tủi, lén lút chia nhau quả trứng vịt lộn, món ăn quê nhà mà họ đang nhớ quay quắt để mà cay đắng ví von “lấy chồng như chơi sổ xố”.
Vở kịch sẽ diễn ra vào ngày 6-4 này.