Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Khuyến khích nông dân dùng phân bón hữu cơ

Thùy Dung

Phân bón hữu cơ đã từng là nguồn nguyên liệu đầu vào chính trong sản xuất nông nghiệp, nhưng sự xuất hiện của phân vô cơ đã khiến thói quen này giảm dần tới mức báo động. Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm khuyến khích nông dân quay lại với nguyên liệu này.

Nông dân sản xuất rau an toàn sử dụng phân bón hữu cơ. Ảnh: Đỗ Hương

Phân hoá chất chiếm hơn 93%

Là một nước nông nghiệp, Việt Nam có rất nhiều phế phẩm có thể sử dụng làm phân bón hữu cơ như phân chuồng, rơm rạ… Nhưng tới nay, phần lớn nông dân vẫn sử dụng phân vô cơ như là nguồn nguyên liệu đầu vào chính trong sản xuất nông nghiệp.

Tại một hội thảo gần đây về phân bón diễn ra tại Hà Nội, Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT),  cho biết nhu cầu sử dụng phân bón ở Việt Nam hiện nay ước tính khoảng 11 triệu tấn các loại. Tính trên đơn vị diện tích, lượng phân bón sử dụng trung bình mỗi năm là 1.000 kg/ha đất sản xuất nông nghiệp, nhưng hiệu quả sử dụng phân bón nói chung chỉ đạt 45-50%. Điều này có nghĩa khoảng 50% ngấm vào đất và chảy ra sông ngòi, không có tác dụng gì cho phát triển cây trồng, lãng phí tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường.

Tính đến tháng 12-2017, số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ được sản xuất, kinh doanh và sử dụng là 713 sản phẩm, chỉ chiếm khoảng 5% tổng số sản phẩm phân bón, còn lại 93,7% là các loại phân bón vô cơ và 1,3% là phân bón sinh học.

“Số lượng sản phẩm phân bón vô cơ đã gấp hơn 19 lần số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ”, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV vật nói.

Thực tế cho thấy do những đặc điểm như gọn nhẹ, tác động nhanh mà phân bón vô cơ được người nông dân ưa chuộng sử dụng trên đồng ruộng, bất chấp những tác hại mà nó gây ra cho sức khoẻ và môi trường.

Theo tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hiệp Quốc (FAO), việc lạm dụng phân bón vô cơ đã dẫn đến hiện tượng đất nông nghiệp suy giảm độ phì nhiêu, một số diện tích đã bị thoái hóa nghiêm trọng do xói mòn, rửa trôi, chua mặn hóa… Đồng thời, việc lạm dụng phân bón vô cơ cũng dẫn tới nhiều vấn đề về an toàn thực phẩm như dư lượng kim loại nặng và nitrat trong sản phẩm nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lo ngại đang xảy ra tình trạng mất cân đối sử dụng phân bón ở Việt Nam, trong đó quá nghiêng về việc sử dụng phân bón vô cơ. “Phân bón vô cơ làm cho hệ sinh thái suy kiệt, nhiều côn trùng bị tiêu diệt, ở nông thôn tiếng ếch, tiếng nhái còn rất ít”.

Về vấn đề sản phẩm và thị trường, ông Cường cho rằng, sản phẩm nông sản sẽ gặp khó khăn khi lạm dụng phân bón vô cơ, bởi sự đòi hỏi ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế về hướng thân thiện môi trường, hướng hữu cơ, nông nghiệp đặc sản. Đặc biệt, tác động của biến đổi khí hậu đòi hỏi các giải pháp thích ứng, trong đó biện pháp canh tác là một trong những giải pháp chủ động, căn cơ ban đầu trong nhóm hệ thống canh tác.

Lấy lại vị thế

Những người trong ngành cho biết, phân bón hữu cơ có nhiều đặc tính tốt cho cây trồng và hệ sinh thái, cải thiện tính chất vật lý và tăng tỷ lệ cấu trúc của đất; chống rửa trôi xói mòn, tạo điều kiện cho vi sinh vật trong đất phát triển.

Ông Cường nhận định, nhu cầu đối với phân hữu cơ rất lớn. “Chỉ tính riêng thị trường Việt Nam, chúng ta cần trong tương lai khoảng 200 triệu tấn phân bón hữu cơ. Đến thời điểm này Việt Nam đã có 43.000 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhiều nơi đã dùng bón phân hữu cơ trong sản xuất”.

Về nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ, Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc sản xuất phân hữu cơ. Riêng phế phẩm, phụ phẩm trong nông nghiệp có khoảng 60-70 triệu tấn/năm, trong thủy sản khoảng 20 triệu tấn, bên cạnh phân bùn.

Hiện nay chỉ có 713 sản phẩm phân bón hữu cơ trên tổng số 180 doanh nghiệp được cấp giấy phép sản xuất. Nếu tính hết công suất thiết kế cũng chỉ 2,5 triệu tấn, một con số khiêm tốn so với ngành phân bón trị giá hàng tỉ đô la Mỹ của Việt Nam.

Do đó, theo Cục BVTV, trong thời gian tới phải làm sao tăng số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ lên 10%, cụ thể là tăng lượng phân hữu cơ lên 3 triệu tấn/năm thay vì chỉ gần 1 triệu tấn như hiện nay.

“Tuy nhiên, chúng tôi xác định những sản phẩm phân bón hữu cơ được đưa vào danh mục phải bảo đảm chất lượng, góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản. Đặc biệt, các sản phẩm phân bón hữu cơ đó khi sản xuất và sử dụng phải an toàn đối với môi trường”, ông Trung nói.

Để đạt được mục tiêu trên, Cục BVTV đã trao đổi, liên hệ trước với các doanh nghiệp hiện đang sản xuất phân bón hữu cơ và một số doanh nghiệp lớn sản xuất phân bón vô cơ, đề nghị thay đổi cơ cấu, chuyển dịch dần sang sản xuất hữu cơ.

Các doanh nghiệp phân bón hữu cơ đều cam kết tăng tối đa công suất, thậm chí nâng quy mô, mở rộng. Còn với các doanh nghiệp hiện đang sản xuất phân bón vô cơ cũng sẽ chuyển dịch sang sản xuất phân hữu cơ, tăng cường đầu tư, nghiên cứu phát triển công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ thế hệ mới, tiên tiến trên cơ sở tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước.

Ngoài ra, Cục BVTV cũng sẽ phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp mở các lớp tập huấn để hướng dẫn người dân sử dụng phân hữu cơ, nhận biết tầm quan trọng của phân hữu cơ, từ đó thay đổi dần tập quán lạm dụng phân vô cơ của bà con nông dân.

Để có cơ chế chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, tháng 9-2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 108 về quản lý phân bón. Lần đầu tiên, các quy định về khuyến khích sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ đã được đưa vào một văn bản quy phạm pháp luật ở cấp nghị định. Theo đó, nhà nước sẽ có chính sách về tín dụng, thuế, quỹ đất cho việc nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Những điều nên làm để giữ sức khỏe mùa nắng nóng

0
Trong thời gian tới, nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn trung bình nhiều năm qua....

Thổi bùng vị giác với nồi lẩu gà chanh ớt trưa...

0
(SGTT) – Thịt gà là thực phẩm quen thuộc với nhiều người bởi giá hợp lý, chế biến được nhiều món. Hôm nay, loại...

Đến Hòa Bình khám phá hồ Sam Tạng

0
(SGTT) – Cách thị trấn Mai Châu khoảng 15km, hồ Sam Tạng là điểm check-in chưa được nhiều du khách biết đến khi ghé...

Bữa sáng Sài Gòn: Ghé quán cháo lòng gia truyền 80...

0
(SGTT) - Nổi tiếng với món cháo lòng gia truyền hơn 80 năm, quán bà Út nằm ngay trung tâm quận 1 là điểm...

EU thất thu lớn vì giá tín chỉ carbon giảm sâu

0
(SGTT) - Giá carbon ở Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh trong năm nay khiến doanh thu bán tín chỉ carbon của EU...

Tăng cường 2.000 chuyến bay đêm, giá vé ‘hạ nhiệt’ dịp...

0
(SGTT) - Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết đang mở bán tăng cường 2.000 chuyến bay đêm (từ sau 21:00 giờ) trên các...

Kết nối