Thứ Ba, Tháng Mười 8, 2024

Khó tuyển sinh, trường nghề loay hoay tìm hướng phát triển

Bên cạnh những cơ sở giáo dục nghề nghiệp ăn nên làm ra thì vẫn còn không ít trường nghề tại TPHCM đang lâm vào cảnh đìu hiu vì không tuyển được học viên, không có kinh phí nên cơ sở vật chất không được đầu tư, thậm chí còn xuống cấp nghiêm trọng. Trước thực trạng này, các trường nghề đang tìm hướng phát triển mới, trong đó thực hiện sáp nhập vào những đơn vị khác trước nguy cơ có thể phải đóng cửa. 

Hiện nay, cả nước có 1.888 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 1.205 cơ sở công lập với quy mô tuyển sinh 2 triệu người mỗi năm. Tuy nhiên, một số hệ thống trường nghề vẫn tồn tại những bất cập như chất lượng đào tạo còn thấp, cơ sở vật chất chưa đáp ứng với các ngành đào tạo…

Cơ sở vật chất xuống cấp, khó tuyển học viên

Ghi nhận tại Trường Trung cấp kỹ thuật Nông nghiệp TPHCM cơ sở 2 (thành phố Thủ Đức), khuôn viên trường cỏ dại mọc um tùm. Khu nhà xưởng thực hành bên trong bám đầy lớp bụi theo thời gian. Trường có 10 dãy nhà cấp 4 nhưng luôn trong tình trạng cửa đóng then cài, một số phòng còn xuống cấp nghiêm trọng. Khu ký túc xá – từng là nơi có sức chứa 400 sinh viên cũng trở nên hoang vắng, không một bóng học viên. Hiện tại, chỉ khu vực hiệu bộ của trường còn hoạt động.

Theo một học viên của Trường Trung cấp kỹ thuật Nông nghiệp TPHCM (cơ sở 2), trước đây, anh dự định theo học hệ trung cấp nghề cơ điện lạnh tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố, sau tốt nghiệp có thể đi làm tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung. Tuy nhiên, khi đến trường thấy cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tạm bợ và lạc hậu, anh bỏ ý định và chuyển qua học sơ cấp tại trường này để phát triển kinh tế hộ gia đình. Khi được hỏi có dự định học nâng cao trình độ, anh cho biết anh sẽ tiếp tục theo ngành này nhưng tìm trường học khác.

Trường Trung cấp kỹ thuật Nông nghiệp TPHCM (cơ sở 2 tại thành phố Thủ Đức) bị bỏ hoang, xuống cấp. Ảnh: Minh Thảo

Theo ông Bùi Thanh Hùng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp TPHCM, những năm trước đây, số học viên theo học tại trường luôn đạt 4.500-5.000 người/năm ở hệ trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên. Nhà trường là điểm sáng khu vực phía Nam trong đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật lành nghề; bồi dưỡng các chuyên đề kinh tế, kỹ thuật cho nhiều đơn vị; đào tạo đội ngũ cán bộ phường, xã theo chương trình của UBND TPHCM để phục vụ cho nhu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn…

Tuy nhiên, qua từng năm, số lượng học viên ngày một rơi rụng dần. Ông Hùng cho biết, năm 2020 chỉ tiêu 650 trung cấp nhưng chỉ tuyển được khoảng 400. Năm 2021 giảm xuống còn 375 học viên. Đáng nói nhất là năm 2022 vừa qua, trường chỉ tuyển được 91 học viên. Trường hiện còn 31 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Do không tuyển sinh được nên cuộc sống nhiều nhân viên gặp khó khăn, có người xin tạm nghỉ, thậm chí là bỏ việc.

Ngoài ra, ghi nhận tại một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn phường 21, quận Bình Thạnh (TPHCM), cơ sở vật chất của các trường vẫn còn tạm bợ, không gian dạy học chật hẹp và điều kiện học tập còn nhiều hạn chế. Vì vậy, một số trường đang phải đi thuê, mượn thêm các cơ sở khác để làm chỗ dạy và hoạt động.

Về nguyên nhân trường nghề tuyển sinh khó khăn, một lãnh đạo khác của Trường Trung cấp kỹ thuật Nông nghiệp TPHCM nhìn nhận hiện cơ sở vật chất, trường lớp của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang còn lạc hậu so với yêu cầu, chưa đầu tư phương tiện kỹ thuật dạy học tiên tiến và chưa tạo uy tín đào tạo với đơn vị sử dụng lao động. Điều này tạo ra tâm lý e ngại trong tuyển dụng lao động sau đào tạo giáo dục nghề nghiệp, từ đó phần nào ảnh hưởng đến tâm lý trong việc học nghề, phân luồng học sinh.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa hiệu quả nên việc giao và cấp đất để các đơn vị phát triển cơ sở vật chất còn chậm, gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, vị này cho biết thêm.

Giải thể hoặc sáp nhập trường nghề yếu kém

Trước những khó khăn khi tuyển sinh trong những năm vừa qua, Trưởng phòng Đào tạo của Trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp TPHCM cho biết ngày 26-4 vừa qua, UBND TPHCM đã ban hành văn bản số 1672 về triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập năm 2023, trong đó có nội dung là Trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp TPHCM sẽ được sáp nhập vào trường cao đẳng, đại học hoặc đơn vị tương đương. Thời gian hoàn thành trong quí 3-2023.

Nói về vấn đề này, một vị lãnh đạo khác của Trường Trung cấp kỹ thuật Nông nghiệp TPHCM cho rằng trước đây đã nắm được thông tin về những trường nghề 3 năm liên tục không đạt chỉ tiêu hoặc hoạt động không có hiệu quả, các đơn vị liên quan sẽ xem xét để giải thể hoặc sáp nhập vào một đơn vị trường khác trên địa bàn. Việc sáp nhập vào một đơn vị mới là việc không quá bất ngờ bởi điều này còn giúp trường có điều kiện để mở nhiều ngành phù hợp với xu hướng hiện nay như quy hoạch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Không chỉ đối với Trường Trung cấp kỹ thuật Nông nghiệp TPHCM, nếu vẫn giữ nguyên hoạt động của các trường nghề yếu kém như hiện nay sẽ gặp nhiều khó khăn để phát triển, chỉ chờ giải tán. Trường hợp cần duy trì và không sáp nhập, trường nghề có thể nâng cấp lên thành trường cao đẳng. Điều này có thể xem như là thành lập trường mới nhưng không sử dụng lại “nền cũ” vì đất đai, cơ sở vật chất, lực lượng giáo viên ít, chỉ đủ cho bộ máy cũ hoạt động, vị lãnh đạo nói trên cho hay.

Học sinh đăng ký học nghề tại Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng (quận Tân Bình, TPHCM). Ảnh: Minh Thảo

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, nguyên Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM, từ năm 2008, thành phố đã triển khai giai đoạn 1 về xây dựng đề án quy hoạch lại mạng lưới trường nghề theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Đến nay, TPHCM đã sắp xếp giảm còn 370 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trước đây, năm 2015, thành phố có 517 cơ sở).

Hiện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM đã tổ chức các đoàn công tác về từng quận huyện và thành phố Thủ Đức để khảo sát, làm việc với địa phương; sau đó căn cứ vào quy hoạch chung của thành phố để xây dựng phương án triển khai. “Đến năm 2025, TPHCM sẽ sáp nhập ít nhất 50% trường trung cấp vào trường cao đẳng hoặc sáp nhập trường cao đẳng hoạt động không hiệu quả vào trường đang hoạt động hiệu quả. Đến năm 2030, sáp nhập ít nhất 80% trường trung cấp vào trường cao đẳng”, ông Lâm cho biết.

Minh Thảo

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Xu hướng học nghề sau cấp 2: Rút ngắn con đường...

0
Những năm gần đây, chương trình học nghề 9+ sau khi tốt nghiệp THCS đã trở thành lựa chọn của nhiều học sinh để...

Kết nối