Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Khi cải lương bấu víu truyền hình

Nguyễn Huy –

Đến hiện tại, điệp khúc cải lương hấp hối vẫn còn tiếp tục vang lên trong giới nghệ thuật vì số tuồng cải lương còn được trình diễn trên sân khấu chỉ lác đác. Ngược lại, kể từ khi gameshow Đường đến danh ca vọng cổ xuất hiện trên Đài Truyền hình TPHCM, thì hiệu ứng khán giả dành cho cải lương náo nhiệt khác hẳn.

Lớn lặng tiếng, trẻ lây lất

2cailuongbauviuSân khấu cải lương tư nhân Lê Hoàng vẫn hoạt động đều đặn nhờ liệu cơm gắp mắm.

Vào dịp trước Tết Đinh Dậu 2017, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang tiếp tục ra mắt hai vở mới dự định phục vụ trong mùa tết. Thế nhưng tất cả các vở diễn này đều không tạo được tiếng vang hay dấu ấn đặc biệt đối với công chúng. Mỗi vở chỉ diễn vài suất nhưng lượng khán giả không cao nên mùa cải lương tết năm nay của Nhà hát Trần Hữu Trang cũng im lìm như các năm trước.

Theo nhiều người am hiểu, có nhiều nguyên nhân khiến khán giả không mặn mà với các tuồng mới của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Thứ nhất, điểm diễn tại rạp Thủ Đô vừa xa, vừa cũ kỹ. Đề tài và nội dung các vở tuồng không bắt nhịp được thị hiếu công chúng. Nguyên nhân sâu xa khiến Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang không đủ sức khuấy động, tạo sức hút kéo khán giả đến rạp xuất phát từ lý do kinh phí ít, thiếu lực lượng sáng tác. Rạp Hưng Đạo được kỳ vọng là sân chơi lý tưởng thì vì kỹ thuật nên không thể dàn dựng cải lương đúng chuẩn.

Trong khi đó sân khấu cải lương tư nhân Lê Hoàng vẫn còn có thể cầm cự và bán vé khá tốt từ lúc khai trương kéo dài đến mùa Tết Đinh Dậu. Cách tổ chức, quản lý và vận hành của sân khấu Lê Hoàng khác hẳn Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Về đề tài, sân khấu Lê Hoàng tập trung vào các tuồng hương xa tức tuồng cổ, thể loại khán giả cải lương yêu thích hơn tuồng tâm lý xã hội.

Phần lớn các nghệ sĩ đóng vai trò trụ cột tại sân khấu này lại đều thuộc biên chế Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang nhưng họ lại có cơ hội trình diễn trước khán giả nhiều hơn tại ngôi nhà chính của mình. Được biết số ghế tối đa của sân khấu Lê Hoàng sấp xỉ 300, suất diễn nào cũng bán được từ 100 vé trở lên. Đáng mừng là sân khấu Lê Hoàng trình diễn hàng tuần chứ không phải vài tháng mới diễn một lần.

Giới am hiểu cải lương cho rằng sân khấu Lê Hoàng có thể duy trì hoạt động đều đặn là nhờ… liệu cơm gắp mắm. Nghệ sĩ nào có khả năng dàn dựng tốt thì được tận dụng luôn vào vai trò đạo diễn. Bên cạnh tác giả trẻ đang sáng tác rất sung sức, nghệ sĩ nào có thể viết tuồng thì được khuyến khích viết tuồng, nhờ vậy, sân khấu Lê Hoàng có được sự đa dạng và phong phú trong kịch mục.

Về phục trang, ngoài khâu chuẩn bị của ông bầu, nghệ sĩ cũng tự tận dụng lại các phục trang có sẵn nhưng vẫn mới và đẹp. Về đạo cụ thì nhà sản xuất luôn luôn tính toán làm sao để tận dụng lại tối đa cho nhiều tuồng khác nhau. Đặc biệt, các nghệ sĩ từ ngôi sao đến diễn viên trẻ chưa nổi tiếng đều sẵn lòng hạ lương nếu lượng vé tiêu thụ yếu. Sự đồng lòng hợp sức giữa ông bầu và nghệ sĩ giúp sân khấu Lê Hoàng sáng đèn đều đặn.

Tuy nhiên, sân khấu Lê Hoàng vẫn là sân khấu nhỏ và còn quá mới mẻ, không biết tương lai sẽ thế nào? Trước đây sân khấu Thắp sáng niềm tin của ông bầu Vũ Luân hoạt động tốt ban đầu sau đó thì yếu dần rồi ngưng hẳn. Cách đây không lâu sân khấu cải lương Oscar do nhóm nghệ sĩ đầy tâm huyết, cùng ông bầu chịu chơi tổ chức trình diễn định kỳ tại khách sạn Oscar vừa ra mắt công chúng duy nhất một vở tuồng, đã đóng cửa. Điều này cho thấy sân khấu cải lương xã hội hóa rất bấp bênh. Dùng hai từ “lây lất” để miêu tả sự tồn tại của nó là vậy.

Cảm xúc cho cải lương

1cailuongbauviuBộ ba nghệ sĩ Ngọc Huyền (trái), Kim Tử Long (giữa) và Thoại Mỹ đã góp phần tạo nên sức sống cho chương trình Đường đến danh ca vọng cổ.

Trong lúc sân khấu cải lương vẫn tiếp tục chìm sâu trong sự bấp bênh thì sự xuất hiện của cuộc thi Đường đến danh ca vọng cổ mang lại một luồng gió mới lạ. Nhà sản xuất chương trình, Công ty Điền Quân, đã  tạo ra một kịch bản chương trình thú vị. Ở vòng ngoài, thí sinh ca lẻ. Vô vòng trong hát đôi. Vào sâu nữa, các huấn luyện viên sẽ dựng các tiểu phẩm phù hợp cho từng thí sinh. Đặc biệt, việc chuyển thể phim qua cải lương, hoặc là chuyển thể tân nhạc sang ca cảnh cải lương đã giúp thí sinh thể hiện được nhiều sắc thái mới mẻ.

Ban giám khảo của cuộc thi Đường đến danh ca vọng cổ gồm NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Thoại Mỹ, Ngọc Huyền. Họ là những người được đào tạo bài bản nên nhận xét sâu sắc, tạo sức hấp dẫn cho chương trình. Họ là những người giỏi dàn dựng nên thí sinh được chọn càng vào vòng trong, càng tiến bộ, ca diễn hay nhờ được huấn luyện tốt. Những yếu tố vừa kể gộp lại khiến cho khán giả thích thú trước Đường đến danh ca vọng cổ.

Số lượng khán giả xem nhiều còn được thấy qua lượt view khi từng phần thi được phát hành trên kênh chia sẻ video clip YouTube. Lượt xem của Đường đến danh ca vọng cổ trên mạng xã hội này tính trung bình là một triệu view trở lên. Thông số này phản ánh một thực tế rằng dù cải lương hấp hối trên sàn diễn nhưng lại rất mạnh mẽ trên kênh truyền hình và mạng xã hội. Điều này còn được thấy qua chương trình Vầng trăng cổ nhạc, hay cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, cho dù lượt người xem của hai chương trình này thấp hơn Đường đến danh ca vọng cổ.

Đó là một tín hiệu mừng nhưng chưa đủ. Hiện tại, các thí sinh và nghệ sĩ xuất hiện trong các chương trình cải lương truyền hình chỉ hát trích đoạn, ca lẻ, song ca chứ không hát tuồng dài như ở sân khấu. Theo ý kiến của nhiều nhà chuyên môn, nghệ sĩ phải được hát tuồng dài mới thể hiện hết được cái hay cái đẹp của nghệ thuật cải lương. Việc nghệ sĩ trẻ tập trung hát trích đoạn không giúp họ phát huy tối đa khả năng ca và diễn. Như vậy, sức sống của cải lương trên truyền hình cũng chỉ là tín hiệu vui chứ chưa phải là niềm vui trọn vẹn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

EU thất thu lớn vì giá tín chỉ carbon giảm sâu

0
(SGTT) - Giá carbon ở Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh trong năm nay khiến doanh thu bán tín chỉ carbon của EU...

Tăng cường 2.000 chuyến bay đêm, giá vé ‘hạ nhiệt’ dịp...

0
(SGTT) - Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết đang mở bán tăng cường 2.000 chuyến bay đêm (từ sau 21:00 giờ) trên các...

Thơm lừng góc chợ Phạm Văn Hai với tô bánh đa...

0
(SGTT) - Bánh đa là sợi bánh thân quen trong một số món ăn của người dân Hải Phòng. Theo dòng chảy văn hóa...

Thảo Cầm Viên tổ chức lễ hội ẩm thực ba miền...

0
Với quy mô hơn 50 gian hàng, cùng 149 món bánh truyền thống, lễ hội ẩm thực "Non sông thống nhất" diễn ra từ...

Loạt sự kiện du lịch tại các địa phương dịp lễ...

0
(SGTT) - Lễ hội Diều khổng lồ tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hoà) hay...

Nghĩ về cuộc đấu giá 3 mỏ cát với mức trúng...

0
(SGTT) – Vụ đấu giá ba mỏ cát ở Hà Nội với giá trúng cao gấp hàng trăm lần giá khởi điểm đã trôi...

Kết nối