DIỄM MI -
Khi dòng chảy âm nhạc thay đổi liên tục theo hướng hiện đại, hội nhập với thế giới, thì đâu đó vẫn có một bộ phận nhạc sĩ có tên tuổi tiếp tục gắn đời mình với những sáng tác về hình ảnh người lính, về tiền tuyến – hậu phương ngày ấy và bây giờ.
Nhưng điều đau đáu của người nhạc sĩ chuyên viết ca khúc cách mạng không phải là cảm xúc, chất liệu sáng tác mà như nhạc sĩ Quỳnh Hợp thì: “Tôi viết mãi về người lính, khán giả có nghe không?”.
Khán giả trẻ muốn tiếp cận nhiều hơn
Liên hoan tuyên truyền ca khúc cách mạng đồng hành cùng công nhân tại khu công nghiệp Pouyuen Bình Tân, TPHCM.
Đối với giới trẻ bây giờ, những dòng nhạc có tiết tấu sôi động, ca từ trẻ trung kết hợp rap, vũ đạo chuyên nghiệp hay những bản ballad trầm buồn về tình yêu luôn thu hút hơn âm nhạc chính thống. Đây không phải là kết luận cho đại đa số những người trẻ nhưng khi người viết khảo sát 10 bạn trẻ về thể loại nhạc thường nghe thì tuyệt nhiên không có những ca khúc về cách mạng.
Lý giải về việc không chọn nghe thể loại nhạc cách mạng, Nguyễn Hoài Nam, sinh viên trường Đại học Kinh tế-Luật TPHCM nói: “Bản thân mình không ghét nhưng cũng không hẳn thích thể loại nhạc này. Chỉ khi trường có những hoạt động phòng trào văn nghệ thì mình mới thỉnh thoảng được nghe sinh viên của trường hát. Mình chưa bao giờ chủ động lên những trang nghe nhạc trực tuyến để tìm nghe những ca khúc này”. Như vậy có nghĩa rằng giới trẻ không quay lưng lại với những ca khúc cách mạng, tuy nhiên cơ hội tiếp xúc với dòng nhạc này là không nhiều. Trong khi những ca khúc sôi động khác được giới truyền thông săn đón, quảng bá bằng nhiều hình thức ngay thời điểm ra mắt khiến giới trẻ đôi khi không có cơ hội để từ chối sản phẩm âm nhạc này.
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp xuất thân là một người lính phục vụ tại Đoàn Nghệ thuật Bộ đội Thông tin-Liên lạc, ngay từ khi bắt đầu sáng tác đến khi được khán giả biết đến, bà luôn gắn cảm xúc sáng tác nhiều nhất với hình ảnh người lính. Với ca khúc Tổ quốc nhìn từ biển (thơ Nguyễn Việt Chiến) Quỳnh Hợp đạt được giải ba trong Cuộc vận động sáng tác 5 năm của Bộ Quốc phòng.
Âm nhạc ngày càng hiện đại, những ca khúc viết về hình ảnh bộ đội, cách mạng cũng đã mới hơn khi không còn súng đạn, bom rơi như trước; ca từ, giai điệu cũng đã khác thì không có lý gì để nói đây là dòng nhạc kén người nghe, là hàn lâm, không thực tế. Nhưng thực tế người trẻ chờ sự chủ động tiếp cận từ nhạc sĩ, nhà sản xuất, mà đối với dòng nhạc cách mạng thì ngoài những cuộc thi, hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn trong năm thì khó tìm thấy một con đường tiếp cận nào khác.
Tín hiệu vui cho âm nhạc cách mạng
Quay trở lại câu chuyện hoạt động âm nhạc của nhạc sĩ Quỳnh Hợp, tính đến thời điểm hiện tại nhạc sĩ đã cho ra mắt nhiều album, trong đó số lượng album nói về người lính, chủ quyền biển đảo quê hương, hậu phương-tiền tuyến chiếm đa số, giúp nhạc sĩ nhận được nhiều giải thưởng cao từ hội đồng nghệ thuật các cuộc thi và sự ghi nhận từ khán giả. Có những bài để lại tiếng vang trong giới trẻ như Tổ quốc nhìn từ biển, Lính đảo đợi mưa (thơ Trần Đăng Khoa), Đồng đội ơi! (thơ Quang Chuyền)… và nhờ vậy, bà cho rằng mình đã tiếp cận được nhiều hơn đến giới trẻ.
Bà nói đôi tai đã biết lắng nghe hơn khi thấy khán giả nhắm mắt và ngẫm về ca từ, vì thường những ca khúc này không quay MV (phim ngắn), chỉ là những audio CD, hoặc VCD có quay những hoạt cảnh, cảnh sinh hoạt đời thường, không thể nào hấp dẫn như các ca khúc nhạc trẻ được đầu tư dàn dựng với số tiền lớn. Cuối năm ngoái, nhạc sĩ Quỳnh Hợp cho ra mắt album thứ 61 trong sự nghiệp của mình, mang tên Dấu chân người lính gồm 13 ca khúc viết về bộ đội Cụ Hồ, những tình yêu tinh khôi trong thời chiến, không khí trầm hùng một chiều biên cương… qua sự thể hiện của các ca sĩ Trang Nhung, Artista, Phú Luân…
Hiện nay trên truyền hình và đài phát thanh có nhiều chương trình thi hát ca khúc cách mạng được phối theo phong cách mới dành cho sinh viên, nghệ sĩ như Tuổi 20 hát, Những bài hát còn xanh (trên kênh VTV6), hay Liên hoan tuyên truyền ca khúc cách mạng do Trung ương Đoàn phát động dành cho toàn thể cán bộ, công nhân viên trên cả nước nhằm đưa những ca khúc cách mạng một thời gần gũi hơn với mọi tầng lớp, đặc biệt là người trẻ.
Không phủ nhận việc người trẻ chọn hát ca khúc cách mạng phối theo một phong cách mới đem lại một hiệu quả đặc biệt. Giới trẻ đã cởi mở hơn trong thị hiếu âm nhạc của mình khi nhạc cách mạng đã có tiết tấu nhanh, phối trên nền nhạc điện tử, hát theo phong cách rock có rap (lời đệm theo bài). Người trẻ họ có tư duy mới mẻ, sáng tạo hơn nhưng nhiều người ái ngại rằng chính người trẻ hát nhạc cách mạng phong cách mới sẽ làm mất đi sự dung dị, trầm hùng vốn có, mà thay vào bằng những tiếng hét, diễn xuất quá đà hơn là hát và thể hiện thần thái vốn đơn giản không cần diễn.
Một số nhạc sĩ lớn tuổi mà người viết đã gặp, cho rằng nên đặt niềm tin vào lớp trẻ để họ thể hiện hết những tài năng của mình, tức hát nhạc cách mạng theo phong cách mới vì không dễ dàng gì khi đứng giữa trùng trùng, điệp điệp những bản nhạc sôi động, nhún nhảy liên hồi người trẻ lại chọn những ca khúc cách mạng để thể hiện.