Cứ mỗi cuối tuần cô Nguyễn Thị Tám (50 tuổi) lại tỉ mẩn truy cập vào một ứng dụng trên chiếc điện thoại để đặt hàng cho tiệm tạp hóa nho nhỏ của mình tại phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Vài ba lần đầu, cô phải nhờ đến sự hướng dẫn của cô cháu gái, nhưng giờ thì thao tác đã thành thục, cô có thể đặt hàng từ nhà sản xuất. Cũng giống như cô Tám, một số tiệm tạp hóa tại Đồng Nai đã bắt đầu quen với việc đặt hàng trực tiếp với nhà sản xuất từ chiếc điện thoại của mình.

Nền tảng đặt hàng cô Tám sử dụng là retailPRO của Công ty cổ phần DMSpro, đã nhận được đã nhận được danh hiệu Sao Khuê trong danh mục các sản phẩm, giải pháp ứng dụng công nghệ mới trong cuộc cách mạng công

hệ 4.0 của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) vào tháng 5 vừa rồi. Nền tảng này nằm trong chuỗi giải pháp công nghệ dành cho ngành bán lẻ cũng nhận được Huy chương Bạc của “người khổng lồ” về công nghệ SAP trong chương trình “SME SEED x Development Challenge” khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Nhật Bản (APJ).

Công ty DMSpro đã nhận được khá nhiều giải thưởng trong và ngoài nước trong nhiều năm qua, trong đó có Huy chương Vàng dành cho đơn vị CNTT-TT khởi nghiệp thành công (ICT Vietnam – HCA) vào năm 2015. Tuy ứng dụng nhận được nhiều giải thưởng liên tiếp, nhưng giới quan tâm đến công nghệ ít có dịp nhìn thấy người chủ doanh nghiệp đứng sau các thành tích này vì ông hiếm khi xuất hiện trước đám đông.

Thế nhưng, khá nhiều doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong nước lại quen thuộc với người sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị của DMSpro là ông Phạm Ngọc Ấn (Peter Phạm). Xuất thân từ một kỹ sư công nghệ thông tin, ông Ấn đã khởi nghiệp gần 10 năm nay với các giải pháp về hệ thống quản lý kênh phân phối bán hàng. Sau nhiều năm đồng hành cùng ngành bán lẻ trên thị trường, ông cho rằng đã đến lúc chín muồi để số hóa kênh thương mại bán lẻ truyền thống trong nước.

Những cửa hàng tạp hóa giống như của cô Tám nằm trong khoảng 1,5 triệu điểm tạp hóa quy mô hộ gia đình trên cả nước. Họ đóng góp cho thị trường thương mại bán lẻ có quy mô khoảng 180 tỉ đô la Mỹ và tốc độ tăng trưởng đạt 11,9%/năm 2020. Cho đến năm ngoái, kênh bán lẻ truyền thống tại thị trường Việt Nam vẫn chiếm đến 74% thị phần. Mỗi nhà sản xuất hàng tiêu dùng nhanh đều muốn tăng số lượng cửa hàng tạp hóa có trong tay để mở rộng thị trường. Hiện nay, mỗi nhà sản xuất lớn mạnh sẽ có trong tay khoảng 300-400 ngàn điểm, những nhà sản xuất nắm trong tay ít hơn thì cũng có khoảng 100-200 ngàn điểm, theo nghiên cứu của DMSpro.

Những năm gần đây thị trường ngành bán lẻ sôi động hẳn lên khi thương mại điện tử tham gia vào. Kéo theo đó là mối đe dọa sự sinh tồn của các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống trong nước. Các siêu thị, chuỗi bán lẻ hiện đại và thương mại điện tử mà doanh nghiệp ngoại chiếm 17%, doanh nghiệp trong nước 83% đã hình thành nên làn sóng cạnh tranh mạnh mẽ trong ngành bán lẻ.

Cùng với đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rót vốn vào lĩnh vực bán lẻ đang từng bước lấn sân sâu hơn vào thị trường trong nước. Doanh nghiệp nhỏ lẻ đang dần nhường lại thị phần cho những người chơi lớn vì yếu thế hơn trong cuộc đua tranh. Quá nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị phần thương mại bán lẻ nên các gian hàng tạp hóa truyền thống có vốn yếu hơn đang lép vế dần trên sân chơi đã quen thuộc quá lâu của mình.

“Dù có đóng góp lớn vào ngành thương mại bán lẻ nhưng những cửa hàng tạp hóa này đang chịu sức ép nặng nề từ cạnh tranh trên thị trường hiện nay. Các siêu thị, chuỗi bán lẻ hiện đại và thương mại điện tử đang ở chiếu trên nhờ tiềm lực mạnh mẽ của mình. Do đó, các cửa hàng tạp hóa cần phải đồng loạt cải tiến mô hình kinh doanh của mình để theo kịp xu hướng mới.”, ông Ấn tâm tư khi thấy kênh bán hàng truyền thống đang trong thế bất lợi.

Vị kỹ sư công nghệ này cho rằng cần có một giải pháp công nghệ hóa ngành bán lẻ để theo kịp xu hướng mới. Ông Ấn đã làm việc với các công ty tư vấn, gặp gỡ các nhà sản xuất trong ngành hàng tiêu dùng nhanh để tìm ra lời giải cho bài toán. Và lời giải là mô hình kinh doanh truyền thống phải được số hóa để cải tiến năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để tạo ra doanh số bán hàng cao hơn. Tuy nhiên, các cửa hàng tạp hóa sẽ không đủ khả năng để đi một mình mà phải đồng hành cùng các nhà sản xuất. Họ cần nâng cấp mình trong chuỗi giá trị phân phối và trở thành đối tác làm việc trực tiếp với nhà sản xuất chứ không chỉ là người bán hàng như trước kia.

Theo định hướng này, ông Ấn đã cùng đội ngũ của mình chú trọng vào phát triển chuỗi giải pháp công nghệ giúp chủ cửa hàng tạp hoá đặt hàng qua chuỗi nền tảng công nghệ bán lẻ và retailPro. Thay vì đợi nhân viên kinh doanh của nhà sản xuất đến chào hàng như trước kia, giờ họ có thể chủ động ngay lúc mình cần. Họ còn có thể mở rộng thêm các dịch vụ kiểm tra hàng tồn kho, chụp hình trưng bày, phát hàng dùng thử (sampling) và khảo sát người tiêu dùng để thu phí từ nhà sản xuất.

Về phía nhà sản xuất, liên kết trực với cửa hàng tạp hóa giúp họ tương tác với người tiêu dùng dễ dàng hơn. Những dữ liệu cập nhật theo thời gian thực từ các cửa hàng tạp hóa sẽ giúp nhà sản xuất sản xuất và vận hành chuỗi cung ứng theo đúng nhu cầu của người tiêu dùng vào thời điểm mà họ cần sản phẩm. Hơn nữa, nhà sản xuất có thể mở rộng độ phủ thị trường trong thời điểm sức mua giảm và đối phó được với sự cạnh tranh phức tạp từ nhiều phía khi ngành bán lẻ đang tăng tốc trong cuộc đua số hóa.

DMSpro đã nghiên cứu chuỗi công nghệ bán lẻ trong vòng hai năm trước nhưng ông Ấn đã cho đẩy nhanh tiến độ để ra mắt vào cuối tháng 4 này khi dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát vào đầu năm. Khi các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện, xu hướng tránh tiếp xúc trực tiếp và mua sắm trực tuyến tăng mạnh.

Trên thị trường, đại dịch đang thúc đẩy các doanh nghiệp tìm đến các giải pháp công nghệ tránh tiếp xúc và kích cầu trực tuyến. Ông Ấn nhận định đây là thời điểm cấp bách để đưa chuỗi công nghệ mình đang nghiên cứu ra thị trường.

Nhìn lại khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4 năm nay, giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ trên toàn cầu và Việt Nam áp dụng nhiều quy định về giãn cách xã hội, cách ly, ông Ấn cho rằng bản thân đã ở trong tình trạng khởi nghiệp lại một lần nữa. Dù trong thời gian dịch bệnh, toàn nhân sự công ty phải làm việc ở nhà nhưng họ hầu như phải làm việc trực tuyến cả ngày lẫn đêm.

Ông cùng đồng đội đã họp bàn rất nhiều để lên kế hoạch đẩy mạnh các tính năng quản lý thương mại trên nền tảng để giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp và kích cầu trực tuyến.

Công ty đã làm việc rất nhiều với các chuyên gia Microsoft và SAP. Họ đã cho ra đời nền tảng retailPRO dành cho tiệm tạp hoá từ nhiều thuật toán, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big data) và rất nhiều công cụ mã nguồn mở.

Nền tảng này được phát triển theo kiến trúc microservice và mô hình sản phẩm SaaS chạy trên nền tảng điện toán đám mây Azure. Nhờ tính năng đặt hàng trực tuyến, nhân viên bán hàng của nhà sản xuất có thể quản lý đặt hàng thông qua ứng dụng dù có bị cách ly. Một nhân viên kinh doanh có thể quản lý nhiều điểm bán hơn trước và tăng thu nhập của mình.

Sau vài tháng khởi động các giải pháp phân phối, các tạp hóa được DMSpro tiếp cận tại TPHCM, Đồng Nai và Cần Thơ đã bắt đầu sử dụng nền tảng  của công ty. Qua kết kết nối trực tuyến, tiệm tạp hóa có thể đặt hàng trực tiếp từ nhà sản xuất, nhận thưởng khuyến mãi, thanh toán trực tuyến và sắp tới họ còn có thể vay tiền để mua hàng. Đáng chú ý, tạp hóa tại các địa điểm hẻo lánh đón nhận cởi mở với ứng dụng này hơn vì họ đã cắt ngắn được quá trình đặt hàng. Trước kia, họ khó được nhận các chương trình kích cầu thì nay đã nhận được thường xuyên hơn.

Theo ông Trần Quí Thanh, CEO của THP Group thì giải pháp quản lý kênh phân phối trực tuyến của DMSpro giúp tập đoàn mình kiểm soát được hoạt động của đội ngũ bán hàng và hạn chế tối đa việc xào nấu số liệu. Đồng thời, thông tin trực quan kịp thời giúp doanh nghiệp nhanh chóng ra quyết định chiến lược tăng thị phần, các chương trình khuyến mãi và trưng bày hàng hóa tại điểm bán đúng quy định để tăng độ phủ thị trường.

Còn ông Ấn cho hay DMSpro đã có sự ghi nhận thực tế từ thị trường, qua đó nhận thấy nhà sản xuất thường phải bỏ ra 15% chi phí cho các hoạt động quảng cáo và 10% chi phí kích cầu trên thị trường. Việc tạo ra các chương trình khuyến mãi cho các cửa hàng tạp hóa để kích cầu thường khó kiểm soát trong thực tế. Vì một số lý do nên số tiền thưởng lại không đến tay họ. Khi tất cả số liệu được số hóa thì nhà sản xuất có thể yên tâm kiểm tra số tiền thưởng của mình đi đâu, về đâu.

“Là người làm công nghệ dấn thân vào kinh doanh nhiều năm, tôi cảm thấy “rất sướng” khi được tham gia giải quyết vấn đề kinh doanh của doanh nghiệp bằng công nghệ”, ông Ấn bộc bạch.

Chia sẻ về tương lai sắp tới, người sáng lập của DMSpro đặt tham vọng bước ra nước ngoài. Đã từng tham gia vận hành mảng công nghệ thông tin tại một công ty nước giải khát lớn nhất nhì cả nước, ông Ấn có kinh nghiệm nhìn ra các thiếu sót trong giải pháp quản lý phân phối hàng hóa của các khách hàng.

Nhận thấy nhu cầu gia tăng về một giải pháp quản lý phân phối, bán hàng hiệu quả cho thị trường trong và ngoài nước nên ông Ấn đã đặt mục tiêu sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, DMSpro sẽ bước vào thị trường Indonesia, Myanmar, Thái Lan… nơi có thị trường tạp hóa truyền thống lâu đời và chiếm thị phần lớn mạnh.

Dù phải khởi nghiệp nhiều lần nữa tại xứ lạ nhưng với kinh nghiệm cung cấp nền tảng công nghệ cho ngành bán lẻ trong nước, ông kỳ vọng công ty sẽ chuyển mình thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ quản lý kênh phân phối tại khu vực châu Á trong vòng 5 năm tới.

Nội dung: Mỹ Huyền – Trình bày: Thu Trang

Theo TBKTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây