Thứ Tư, Tháng Năm 1, 2024

Khả năng chấn thương và một số ảnh hưởng mà căng thẳng gây ra trong quá trình tập luyện

(SGTT) – Theo các chuyên gia, tập luyện thể dục thường xuyên mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. Bên cạnh việc nâng cao sức khỏe, tập thể dục thể thao còn giúp giảm căng thẳng và xoa dịu những cảm xúc tiêu cực. Thế nhưng điều gì sẽ xảy ra khi bạn tập luyện trong trạng thái quá căng thẳng? Liệu việc tập luyện có còn là phương thuốc hiệu quả hay không? Dưới đây là những lý do vì sao căng thẳng có thể ảnh hưởng đến hiệu suất tập luyện của bạn.

Căng thẳng làm giảm khả năng phục hồi của cơ bắp

Sau một buổi tập luyện, có thể bạn sẽ cảm thấy đau nhức cơ bắp do các sợi cơ bị tổn thương. Đó là vì trong quá trình tập luyện bạn đã tạo áp lực lên cơ, làm các sợi cơ căng ra, từ đó các yếu tố giúp cơ tăng trưởng được kích hoạt. Thông thường, các cơn đau nhức cơ sẽ giảm dần và cơ sẽ tự phục hồi sau khi nghỉ ngơi hợp lý. Đây là một quá trình hồi phục bình thường, nhưng quá trình này sẽ bị xáo trộn khi cơ thể bạn phải cùng lúc đối phó với một loại căng thẳng khác. 

Ảnh minh hoạ

Tâm lý căng thẳng dai dẳng sẽ hạn chế khả năng phục hồi của cơ thể từ các dạng căng thẳng khác, bao gồm cả tập luyện. Nói tóm lại, nếu năng lượng từ tâm trí bạn đã cạn kiệt, việc lao vào tập luyện để cơ bắp phải chịu thêm áp lực là vượt qua sức chịu đựng của cơ thể. Điều cần thiết là phải cho cơ bắp và tâm trí của bạn thời gian để phục hồi sau khi tập luyện vất vả. Có nghĩa là dành những ngày nghỉ ngơi thường xuyên và kết hợp với một chế độ tập luyện hợp lý. 

Căng thẳng làm tăng nguy cơ chấn thương

Nghiên cứu cho thấy rằng tập luyện khi bạn đang gặp căng thẳng có thể làm tăng nguy cơ chấn thương vì một vài lý do. Điều đầu tiên, nếu bạn đang quá căng thẳng, bạn sẽ có xu hướng tập trung suy nghĩ về các vấn đề của mình mà không chú ý đến các yếu tố khác nhau của tập luyện đòi hỏi sự tập trung. Ví dụ: nếu bạn đang chạy trên máy chạy bộ, bạn cần chú ý đến tốc độ và thời gian cũng như kỹ thuật chạy của bạn. Căng thẳng sẽ khiến bạn khó tập trung vào nhiều thứ cùng một lúc. Điều này có thể dẫn đến việc không đạt được hiệu quả tập luyện hay gặp phải những chấn thương khi cần thay đổi tốc độ chạy. Bạn cũng có thể bỏ lỡ các tín hiệu từ cơ thể rằng nó đã cạn kiệt và bạn cần phải nghỉ ngơi để hồi phục.

Ảnh minh hoạ

Thứ hai, khi bạn bị căng thẳng, bạn sẽ cảm thấy những cơn căng cơ tăng lên. Căng cơ xảy ra khi các tác động sinh lý của căng thẳng làm cho các mạch máu bị nén và lưu lượng máu dẫn đến các dây thần kinh, gân và cơ bắp suy giảm. Căng thẳng có thể gây đau và co thắt cơ bắp từ nhóm cơ này sang nhóm cơ khác. Cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn tùy theo mức độ căng thẳng, do đó bạn cần phải giãn cơ, hít thở sâu và thư giãn. Nếu bạn vẫn muốn duy trì việc tập luyện trong lúc căng thẳng, hãy thử kết hợp với những bài tập yoga, thiền định vốn tập trung vào hơi thở, giúp điều hòa nhịp thở và giảm bớt căng thẳng.

Tăng quá mức cortisol

Được mệnh danh là “hormone chống căng thẳng”, cortisol được tiết ra để phản ứng lại với căng thẳng. Tác động trực tiếp đến sự trao đổi chất, miễn dịch, chất lượng giấc ngủ và huyết áp của bạn.

Căng thẳng mãn tính làm giảm khả năng điều chỉnh hormone cortisol. Nồng độ cortisol cao kích thích sản sinh insulin sẽ làm tăng cảm giác thèm đường. Mức cortisol tăng cao không được kiểm soát sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và dễ tăng cân hơn, cũng như khiến bạn thèm ăn nhiều đường và chất béo hơn. Ngay cả khi bạn không ăn chất béo và đường, thì hàm lượng cortisol cũng làm chậm quá trình trao đổi chất, khiến bạn khó giảm cân. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng dễ tăng cân khi bị stress. 

Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, khi căng thẳng nhiều người thường sẽ rơi vào trạng thái trằn trọc, thiếu ngủ. Giấc ngủ là điều cần thiết trong quá trình phục hồi cơ bắp sau khi tập luyện và nạp đầy năng lượng cho ngày hôm sau. Việc thiếu ngủ và căng thẳng kéo dài sẽ làm giảm hiệu quả tập luyện và gây ra các vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe. 

Căng thẳng làm bạn mệt mỏi nhanh hơn

Căng thẳng ảnh hưởng đến não bộ của bạn, liên quan đến cả trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn mà bạn sử dụng khi xử lý nhiều thông tin cùng một lúc. Bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi về tinh thần và thể chất nhanh hơn, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các động tác, tập ít hơn trong các buổi tập, mất đi hứng thú trong tập luyện, thậm chí là bỏ cuộc. Thay vào đó bạn hãy dành thời gian cho bản thân mình, thư giãn và nghỉ ngơi, làm điều mình thích để giảm mức độ căng thẳng.

Mặc dù căng thẳng có ảnh hưởng không tốt đến việc tập luyện, nhưng căng thẳng cũng có thể thúc đẩy bạn. Một sự gia tăng nhẹ cortisol từ căng thẳng đã được chứng minh là có tác động tích cực đến hiệu suất tập luyện. Một ưu điểm của việc biết cách vượt qua thời điểm căng thẳng đó sẽ giúp bạn có kinh nghiệm để đối mặt với nó mà không hề gặp khó khăn như lần đầu. Vì vậy, thay vì xem căng thẳng là rào cản khi tập luyện, hãy thử xem nó như một trở ngại mà bạn đã vượt qua trong quá khứ, kết hợp việc thư giãn và tập luyện hợp lý. Chắc chắn bạn sẽ không còn sợ hãi trước những ngày tinh thần mệt mỏi và đạt được mục tiêu tập luyện của mình.

Ảnh minh hoạ

Tường Uyên tổng hợp

Theo Aaptiv và Men’s Fitness

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thể thao sành điệu với thời trang tập gym được sao...

0
(SGTT) - Việc duy trì thể dục thể thao đều đặn không chỉ giúp các ngôi sao Hàn Quốc duy trì vóc dáng mà...

California Fitness ra mắt chương trình huấn luyện viên thể hình...

0
(SGTT) - Ngày 2-4, trong khuôn khổ buổi lễ công bố kế hoạch hoạt động “Một Đời Sống Khoẻ 2024”, California Fitness & Yoga...

Bạn cần bổ sung bao nhiêu protein để xây dựng cơ...

0
(SGTT) - Mặc dù tập luyện sức mạnh là rất quan trọng để xây dựng cơ bắp nhưng việc tiêu thụ đủ lượng protein...

Lợi ích của nhảy dây: không đơn giản chỉ là giảm...

0
(SGTT) - Việc đốt cháy calo thông qua việc nhảy dây không chỉ giúp cải thiện vóc dáng mà còn hỗ trợ tăng cường...

Băng qua biển rừng với những cung đường chạy mùa xuân...

0
(SGTT) - Mùa xuân tới, thời tiết và phong cảnh ở một vài khu vực trên nước ta là điều kiện phù hợp để...

Lợi ích có thể bạn không ngờ tới của múa ba...

0
(SGTT) - Trong thế giới nhộn nhịp và đa dạng của nghệ thuật, múa ballet nổi bật với sự tinh tế và sức mạnh...

Kết nối