Thứ Hai, Tháng Tư 29, 2024

Huế và bài toán để khách tàu biển chi tiêu nhiều hơn

(SGTT) – Ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đang mong muốn có nhiều hơn sản phẩm và dịch vụ ngay tại cảng Chân Mây cũng như tại trung tâm thành phố để khách du lịch có cơ hội trải nghiệm và chi tiêu nhiều hơn, theo ghi nhận của nhóm báo KTSG.

Tại hội nghị về hoạt động kinh doanh tại các cảng biển của tỉnh Thừa Thiên Huế được tổ chức ngày 26-9, đại diện của các doanh nghiệp cũng như ngành du lịch cho hay theo những thống kê tương đối số lượng du khách tàu biển đến thành phố Huế tham quan chỉ vào khoảng 10%. Có những chuyến tàu cập cảng với 3.500 khách nhưng có chưa tới 20 khách đi du lịch Huế, đa phần khách chọn Đà Nẵng và Hội An cho hoạt động du ngoạn hoặc ở lại trên tàu.

Tàu biển quốc tế tại cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nguồn: Cảng Chân Mây

“Vì vậy chúng ta cần phải có những giải pháp đồng bộ để khách tàu biển có thể ít nhất lưu lại Huế trong 1 ngày 1 đêm để trải nghiệm và chi tiêu”, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế nói và chia sẻ thêm đầu tư các trung tâm dịch vụ giải trí cho khách ngay gần cảng và tạo những dịch vụ phù hợp và thuận tiện cho khách để khách “chịu khó” đi quảng đường xa đến trung tâm thành phố Huế để trải nghiệm.

Tại hội nghị, nhiều vướng mắc được đưa ra. Đó là hiện vẫn còn tình trạng đặt đáy, lưới của ngư dân khai thác tôm hùm con trong luồng tàu, vũng quay tàu và vùng đậu tàu, gây mất an toàn hàng hải.

Trong khi đó, phía ngoài cổng cảng không có bãi đỗ dành cho các phương tiện nên dễ xảy ra tình trạng lộn xộn, mất an toàn khi phương tiện vào đón khách du lịch và gây khó khăn trong công tác kiểm soát. Ngoài ra, từ vị trí neo đậu của tàu khách du lịch đến vị trí đỗ xe rất xa không có xe trung chuyển, khi thời tiết nắng nóng, mưa gió gây ảnh hưởng đến sức khỏe và thời gian tham quan du lịch của hành khách…

Ông Trương Minh Huy, phụ trách tour tàu biển của Saigontourist chi nhánh Đà Nẵng thông tin, tùy vào từng dòng khách, nếu là khách Âu, Mỹ thì đa số sẽ chọn Huế hoặc Hội An bởi họ thích văn hóa. Thời gian gần đây, lượng khách Âu, Mỹ đi du lịch bằng tàu biển giảm hẳn, thay vào đó là khách Trung Quốc. Khoảng cách, hay sản phẩm ở Huế không phải là lý do quyết định, chính nét tương đồng về văn hóa nên khách Trung Quốc không chọn Huế mà thích những nơi nhộn nhịp, thích tham gia các chơi giải trí và mua sắm tại Đà Nẵng.

Chưa kể, cho dù, khách Âu và Mỹ quay lại trong tương lại, họ cũng khó lòng vào Huế vì đường đi không thuận tiện và thêm nhiều chi phí.

Vì vậy, ông Phúc đề nghị lãnh đạo tỉnh xem xét hỗ trợ giảm cảng phí cho các tàu du lịch vào cảng biển Thừa Thiên Huế định tuyến hoặc nhiều lần. Ngoài ra, tỉnh cần kêu gọi đầu tư, các cụm mua sắm – ẩm thực – vui chơi giải trí quy mô lớn với tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời đốc thúc các dự án đang triển khai trong lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh sớm hoàn thành, đưa vào vận hành nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch tàu biển.

Tham dự hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cũng cho hay cần triển khai nhiều dự án tại các bãi biển, tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí trên bờ, tăng cường các hoạt động quảng bá sản phẩm du lịch và du lịch tàu biển. Bên cạnh đó, ông Bình cũng giao Sở Du lịch nghiên cứu làm sao tăng thêm số lượng các doanh nghiệp quan tâm về khai thác khách tàu biển đến Huế.

Cùng với đó, làm sao khách có thời gian lưu trú lâu nhất có thể để sử dụng các dịch vụ ở Huế. Ngoài ra, cần đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật tốt nhất, đầy đủ nhất để phục vụ khách tàu biển khi tham quan, sử dụng các dịch vụ tại Huế như phương tiện vận chuyển, các nhà hàng, các điểm tham quan, các quầy hàng mua sắm, quà lưu niệm…

Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, trong thời gian vừa qua, cảng Chân Mây đã tổ chức đón nhiều chuyến tàu biển hạng sang nhập cảng, sự xuất hiện thường xuyên các hãng du lịch tàu biển hạng sang tại cảng như Royal Caribbean, Celebrity Cruise, Tui Cruise, Costa Criere, Vinking Ocean Cruise, Smaill Cruise, Princess Cruise, Ovation of the seas, Mary Queen 2…đã góp phần nào khẳng định giá trị thương hiệu Cảng Chân Mây trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.

Từ năm 2018 đến tháng 6-2023, các đơn vị liên quan đã giải quyết thủ tục cho 116 lượt tàu du lịch mang theo 208.390 khách du lịch và 91.282 thuyền viên đến và rời cảng từ nhiều quốc gia trên thế giới (khách chủ yếu đến từ các nước Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha…).

Cảng Chân Mây đã đầu tư xây dựng hoàn thành 3 cầu cảng với tổng chiều dài 910m. Trong đó, cầu cảng số 1 dài 360m, cầu cảng số 2 dài 280m và số 3 dài 270m. Các bến số 4, 5 cảng Chân Mây với tổng chiều dài 540m đang triển khai các thủ tục về xây dựng, dự kiến dự án hoàn thành đưa vào hoạt động giai đoạn 1 vào quý 1-2025.

Nhân Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Sinh viên Pháp đến Huế trải nghiệm múa rối nước

0
(SGTT) - Nhóm sinh viên 10 người đến từ Pháp đã có thời gian học trải nghiệm nghệ thuật múa rối nước truyền thống...

Ngắm phố Huế mùa hoa điệp vàng nở rộ

0
(SGTT) - Những ngày tháng Tư, hoa điệp vàng lại bung nở trên những con đường, góc phố ở xứ Huế mộng mơ. Rực...

Xanh mướt mùa thu hoạch cỏ bàng ở Phò Trạch, Huế

0
(SGTT) – Cứ đến tháng 3 âm lịch, dân làng Phò Trạch (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) vào mùa thu hoạch cỏ...

Dấu xưa – Hồn phố: Tìm về thương cảng cổ Bao...

0
(SGTT) - Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 3km, bên bờ sông Hương, phố cổ Bao Vinh là nơi du khách khám phá...

Khám phá góc xanh nơi lăng Gia Long ở Huế

0
(SGTT) - Lăng Gia Long (Thiên Thọ Lăng) được thiết kế hài hòa với cảnh quan xung quanh, giúp du khách vừa có thể...

Lịch khởi hành, giá vé tàu du lịch Huế – Đà...

0
Từ 26-3, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tổ chức 2 đôi tàu/ngày giữa Huế - Đà Nẵng với tên gọi “Kết...

Kết nối