Hà Nam -
Những chuyến xe nho nhỏ âm thầm nối tiếp lăn bánh, mang hơi ấm thành phố đến những vùng quê nghèo.
Kêu gọi hàng tháng trời
Đây là chuyến thứ sáu xuống miền Tây Nam bộ của Thông. Mì tôm, xì dầu, sữa, gạo… chất đầy căn nhà 30 mét vuông như một cái kho. Lần này, Thông quyên góp được hơn 70 triệu đồng, và phải thuê cả xe tải để chở quà.
“Là một người bình thường, không tiếng tăm gì kêu gọi ủng hộ khó lắm! Lần đầu tiên đi, tôi rao khản cổ trên Facebook lẫn người thân nhưng cũng chỉ được vỏn vẹn 20 triệu đồng từ bảy, tám người bạn”, anh nói.
Vài chục triệu đồng, những tưởng dễ nhưng Thông phải mất hàng tháng trời kêu gọi. Người năm trăm, người một triệu, người thùng mì gói, người bao gạo…Thông tới từng nhà gom góp. Đã thế, có lần tới sát ngày đi, mọi người đồng loạt rút lui vì đám cưới, giỗ chạp, hẹn hò, vì cả… ngủ quên. Rút cục, chỉ còn bảy người cho chuyến hành trình mà nhà Thông hết… sáu người.
“Những lúc ấy muốn trào nước mắt vì bà con nghèo ngóng mình dữ lắm. Dường như nhiều người xem chuyến xe này là một cuộc đi chơi, không thích nữa thì sẵn sàng hủy”, anh chia sẻ.
Thế rồi tới nơi, bà con ùa ra, những đứa nhỏ bấu lấy người mình, đứa ôm chân, đứa ôm lưng, đứa níu tay, Thông lại tự nhủ phải đi tiếp, phải quay lại. Năm này qua năm khác.
Với Đăng Ái, khi không thể tự mình tổ chức những chuyến xe, anh chọn cách hăng hái tham gia tình nguyện. Ái là “giám đốc ẩm thực” cho những chương trình Kết nối yêu thương được thực hiện bởi Giáo hội Phật giáo TPHCM, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc và Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế.
“Mỗi chuyến đi đều tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ, phát quà và ăn uống cho các em nhỏ. Tôi phụ trách khâu chuẩn bị đồ ăn, từ đi chợ, bảo quản thức ăn, đến chế biến”, anh cho biết.
Ở những vùng quê nghèo, chợ không bán đủ nguyên liệu chế biến cho cả vài trăm em nhỏ, nhóm của Ái phải mua từ TPHCM, để trong thùng đá, thế là chốc chốc lại phải kiểm tra xem có bị hư hỏng gì không. Trước khi bày ra cho tụi nhỏ, anh cũng phải nếm tới nếm lui xem đồ ăn có thực sự an toàn không.
Tình nguyện viên đa phần là người trẻ, không có nhiều kinh nghiệm nấu nướng nên đều từ chối phụ trách ẩm thực. Có lần bị sốt, định ở nhà, nhưng rồi không ai làm thay, Ái vẫn phải lên xe.
“Tới nơi tất bật quản trò, nấu nướng, đóng kịch, thấy các cháu hào hứng, cười như nắc nẻ là quên hết bệnh tật. Cứ nghĩ mình đang làm gì đó cho các cháu, nhưng không phải, chính các cháu mới là người chữa lành cho những nhỏ nhen và khô cạn của mình”, anh nói.
Khi mình đã sung sướng quá lâu
Chiều cuối năm, Tuấn tất bật “đồ” lại con xe cũ, chuẩn bị cho chuyến trở về Bảo Lộc. Không phải “phượt”, từ này dường như không nằm trong từ điển của Tuấn. Chuyến đi của anh có hơn 30 người. Đa phần đều là những người của chuyến lần trước, muốn về Bảo Lộc để gặp lại những ông già Sung, Dưa Hấu, những bạn da cam… của mình. Tất cả bằng xe máy.
“Hồi ấy tôi cùng nhóm Hơi ấm Sài Gòn chuyên đi phát quà đêm cho người vô gia cư dịp giáp tết. Ai ngờ lại bị nổi tiếng quá, thế là lại thôi. Nổi tiếng thì có thêm nhiều nguồn ủng hộ, nhưng lại khiến mình phải làm nhiều việc để chiều lòng dư luận, thành ra nhiều lúc quên mất cả lý do mình bắt đầu”, anh kể.
Hồi sinh viên, do hoàn cảnh khó khăn, Tuấn nhiều lần phải ra công viên ngủ. Giữa sự buốt giá, cô đơn và bơ vơ của màn đêm thành thị, anh thấy được những thân phận màn trời chiếu đất, một ông cụ bán vé số, một bà cụ lượm ve chai, những người đàn ông tật nguyền… Từ đó, anh nảy sinh ý tưởng phát quà đêm cho người vô gia cư.
“Tôi chỉ làm được hai năm. Sau đó hàng loạt nhóm từ thiện làm giống bọn tôi. Có cả những người giả bộ nghèo khó để lấy quà. Một đoạn đường Hai Bà Trưng thôi đã có những trăm người cầm bao đứng nhận quà”, anh nói.
Nhưng không vì thế mà Tuấn dừng lại hành trình mang hơi ấm đến cho bà con nghèo. Anh thầm lặng thực hiện những chuyến đi tới những vùng xa xôi, hiểm trở. Có chuyến mang những đôi ủng cho trẻ em người Mông ở Tây Nguyên, có chuyến là những chiếc vớ, những bù nhìn tuyết tự may cho em bé mồ côi dịp giáng sinh, có chuyến là những khuôn bánh trung thu, những chiếc lồng đèn cho trẻ em bản núi.
“Nhìn các bé mồ côi, các em thiểu năng trí tuệ ôm ấp món quà của mình vào lòng như một người bạn đồng hành, gìn giữ cẩn thận thì dù có mệt cũng thấy công sức mình bỏ ra xứng đáng. Nhiều em không nói thạo tiếng Kinh, nhưng khi được tặng quà, dù chỉ là một cái kẹo, các em đều vòng hai tay kính cẩn, cúi đầu chào. Nhiều em chưa tiếp xúc người lạ bao giờ, đoàn phải chạy theo hụt hơi để trao quà cho các em”, anh kể.
Nhiều vùng rất nghèo. Có những em chỉ có một bộ quần áo, tắm xong thì phải cởi ra phơi, ở truồng chờ đồ khô. Hay một em bé không dám đi đôi dép mới, chỉ thử vào chân rồi lại tủm tỉm cầm lên, đi chân đất, thà đi chân đất như bao ngày để đôi dép được sạch sẽ… “Chỉ cần nghĩ đến những hình ảnh đó thì dù hành trình dài cả ngàn cây số, trời lạnh mưa rừng, đường đèo uốn lượn, vất vả thế nào tôi cùng “đồng bọn” cũng nhất định phải đến bản làng bằng được”, anh chia sẻ.
Đi miết như thế có được gì không? Tôi hỏi Tuấn khi thấy anh vẫn con xe cà tàng, quần lửng, dép xỏ ngón, vẫn chưa nhà cửa khi lập gia đình nhỏ.
“Nhận được nhiều chứ, như cái lần tôi trao quà trung thu. Bao nhiêu cánh tay chìa ra trong khi tôi chỉ còn một chiếc lồng đèn duy nhất, không biết nên đưa bé nào, từ chối bé nào, để rồi sau đó lặng người khi em lớn nhường cho em nhỏ tuổi hơn”, anh trả lời.
“Như bạn của tôi chơi trò úp lá khoai với các em. Da các em đen nhẻm, còn mình lớn nhất lại có bàn tay trắng quá, tự nhiên thấy… mình đã sung sướng quá lâu”, Tuấn cười, tiếp tục câu chuyện.
Tôi hỏi Tuấn liệu có thể cho phép tôi đi cùng một chuyến, anh lắc đầu. Chắc còn lâu nữa anh mới có thể đi tiếp. Tôi hỏi anh từ bỏ hay sao, Tuấn cũng lắc đầu.
Không phải từ bỏ, cũng không thể dùng từ quên, chỉ là… từ từ. “Trước giờ mình chỉ cho họ con cá, mà mình chẳng thể cho họ con cá mãi được. Muốn họ thoát nghèo thì phải cho họ cần câu. Muốn thế, tài chính của mình phải đủ vững”. Và Tuấn bắt đầu trầm ngâm khi nghĩ về những ước mơ thật lớn.