Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Hệ thống hộ khẩu, bỏ hay không?

CHÍNH PHONG –   

Hệ thống hộ khẩu, vấn đề mới mà cũ, tuần trước được xới lại trong hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) tiến hành. Tổng kết báo cáo, ông Achim Fock, quyền Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhận định: “Hệ thống hộ khẩu tạo ra bất bình đẳng về cơ hội cho người dân”.

DSC_0887Theo chuyên gia, cần giảm các rào cản để có hộ khẩu thường trú và loại bỏ các khác biệt trong tiếp cận dịch vụ giữa người thường trú và tạm trú. Ảnh minh họa: Uyên Viễn

Đã “thoáng” hơn trước, nhưng…

Bà Nga từ quê Quảng Ngãi vào TPHCM trước năm 1975, trọ tại phường 13, quận Tân Bình từ khi còn nhỏ. Cho đến bây giờ, sau khi hai con gái trưởng thành, bà vẫn không có tấm giấy CMND vì không có hộ khẩu thường trú. Hộ khẩu của bà Nga ở quê cũ thất lạc, chính quyền địa phương cũng không trích lục được gốc tích của bà trong tàng thư. Hai đứa con gái bà được chủ nhà thuê thương tình cho nhập chung vào hộ khẩu thường trú của họ nên mới được xin học, làm giấy CMND và các quyền lợi khác. Còn bà Nga, không có tấm giấy CMND nghĩa là rất nhiều quyền lợi bà không được hưởng.

Hộ của ông Hưng cư trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội nhưng có hộ khẩu thường trú tại quận Thanh Xuân. Nay ông Hưng muốn chuyển hộ khẩu về nơi cư trú là quận Hoàng Mai cho mọi việc liên quan đến giấy tờ trở nên thuận tiện. Nhưng cán bộ hộ khẩu nói rằng, nếu chuyển hộ khẩu về quận mới, con trai đầu của ông sẽ không có tên trong hộ khẩu mới vì anh này đang tạm trú tại TPHCM từ nhiều năm nay. Sợ con mất gốc tích hộ khẩu, muốn khôi phục lại cũng rất khó, ông Hưng bỏ ý định chuyển hộ khẩu, tiếp tục cư trú một nơi, hộ khẩu một nơi theo diện KT2. Và như vậy, gia đình ông Hưng chịu một thiệt thòi khác: cháu nội ông phải đi học khá xa, để cho đúng tuyến.

Thật ra, hệ thống hộ khẩu ngày nay so với trước kia đã thoáng hơn rất nhiều. Trong báo cáo “Hệ thống hộ khẩu ở Việt Nam: đặc điểm và tiếp cận dịch vụ xã hội” của chuyên viên Vũ Hoàng Linh thuộc WB khảo sát 5.000 hộ gia đình ở năm tỉnh, thành là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Đắk Nông và Bình Dương thì những người tạm trú không gặp phải sự phân biệt đối xử trong khu vực tư, không có sự khác biệt về tiền lương giữa công nhân tương tự nhau theo tình trạng cư trú, cơ cấu chi tiêu của hộ tạm trú nói chung tương tự hộ thường trú, chi tiêu về giáo dục cũng như tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cũng không chênh lệch nhiều.

Tuy nhiên, hệ thống hộ khẩu vẫn gây khó cho người dân ở một số khâu như đăng ký xe máy (phải về nơi có hộ khẩu thường trú), đăng ký kết hôn (về nơi một trong hai người có hộ khẩu thường trú), xin việc trong khu vực công, xin cho con học trong trường công, đóng tiền điện cao hơn do không được áp dụng chế độ bậc thang theo mức tiêu dùng… Bên cạnh đó, một số việc tuy không cần phải có hộ khẩu thường trú nhưng vẫn cần hộ khẩu tạm trú dài hạn KT3, mà với người ở trọ thì không phải chủ nhà nào cũng thiện chí tạo điều kiện cho họ làm KT3. Có những yêu cầu về hộ khẩu thường trú làm nảy sinh tiêu cực, chẳng hạn cứ đến mùa tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6, lại xảy ra tình trạng “chạy” hộ khẩu để đủ điều kiện “chạy” trường.

Bỏ hệ thống hộ khẩu, thay bằng gì?

Hệ thống hộ khẩu đã thoáng hơn, nhưng vẫn tạo ra một số bất bình đẳng về cơ hội như kể trên, vậy hướng khả thi cho cải cách? Theo chuyên viên kinh tế Gabriel Demombynes từ WB tại Việt Nam, có hai hướng: giảm các rào cản để có hộ khẩu thường trú và loại bỏ các khác biệt trong tiếp cận dịch vụ giữa người thường trú và tạm trú. Hai lựa chọn này không có tính loại trừ nhau, nghĩa là có thể thực hiện cả hai.

Theo luật sư Nguyễn Thạch Thảo, Đoàn luật sư TPHCM, những quy định chồng chéo trong hệ thống hộ khẩu làm ảnh hưởng rất lớn đến các quyền cơ bản của người dân như quyền tự do đi lại, tự do cư trú theo Điều 23 Hiến pháp 2013 và quyền sở hữu đối với tài sản theo Điều 15 Bộ luật Dân sự 2015…

Tuy nhiên, ông Thảo cũng cho rằng, xét về góc độ quản lý nhà nước thì hệ thống hộ khẩu cũng có những mặt tích cực. Ví dụ, cân bằng và phân bổ được mật độ dân sinh sống và làm việc trên từng địa bàn, tránh tình trạng đổ dồn vào các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội. Luật sư Thảo đề xuất, nên duy trì hộ khẩu để quản lý và phân bổ mật độ dân số; cần có những quy định chính sách rõ ràng, không phân biệt đối xử với những trường hợp có và không có hộ khẩu thường trú; xác định hộ khẩu chỉ nhằm quản lý hành chính, không được lợi dụng vấn đề hộ khẩu như là một giấy phép con trong các lĩnh vực khác để nhũng nhiễu người dân.

Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên – chuyên gia phân tích của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, bỏ sổ hộ khẩu phải được hiểu là thay thế hình thức quản lý dân số bằng các hình thức mới tiên tiến hơn, như dùng thẻ căn cước thông minh tích hợp mọi thông tin của người dân chẳng hạn.

Theo ông Nguyên, trước khi nói chuyện bỏ hộ khẩu thì phải bàn cách thay thế nó bằng các giải pháp đồng bộ, như cải cách cả hệ thống hành chính, xây dựng các thành phố vệ tinh, tạo ra các trung tâm kinh tế mới để người dân không đổ dồn về một số nơi. “Tôi lấy ví dụ, TPHCM như giọt mật, rào lại hay không rào thì đàn kiến vẫn bu, nhưng nếu rỏ thêm những giọt mật khác xung quanh đó thì kiến sẽ chuyển sang chỗ khác. Dân cũng vậy, tạo ra cho họ nhiều nơi dễ sống, họ sẽ không tụ lại một chỗ, đến lúc đó thì những rào cản như hộ khẩu không còn cần thiết nữa”, ông Nguyên nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Anh đào cuối mùa khoe sắc tại thành phố Kanazawa, Nhật...

0
(SGTT) – Những ngày giữa tháng 4, thành phố Kanazawa – thủ phủ của tỉnh Ishikawa, Nhật Bản đang bước vào những ngày cuối...

Những điều nên làm để giữ sức khỏe mùa nắng nóng

0
Trong thời gian tới, nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn trung bình nhiều năm qua....

Thổi bùng vị giác với nồi lẩu gà chanh ớt trưa...

0
(SGTT) – Thịt gà là thực phẩm quen thuộc với nhiều người bởi giá hợp lý, chế biến được nhiều món. Hôm nay, loại...

Đến Hòa Bình khám phá hồ Sam Tạng

0
(SGTT) – Cách thị trấn Mai Châu khoảng 15km, hồ Sam Tạng là điểm check-in chưa được nhiều du khách biết đến khi ghé...

Bữa sáng Sài Gòn: Ghé quán cháo lòng gia truyền 80...

0
(SGTT) - Nổi tiếng với món cháo lòng gia truyền hơn 80 năm, quán bà Út nằm ngay trung tâm quận 1 là điểm...

EU thất thu lớn vì giá tín chỉ carbon giảm sâu

0
(SGTT) - Giá carbon ở Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh trong năm nay khiến doanh thu bán tín chỉ carbon của EU...

Kết nối