Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Hà Nội: Những làng hoa tất bật tuốt lá đào, gò thế quất mùa Tết

(SGTT) - Thời điểm này, các làng hoa tại Hà Nội và vùng phụ cận tất bật hoàn thiện những công đoạn cuối cùng trước khi mang hoa, cây cảnh rời vườn để bán, phục vụ mọi nhà mang về trưng, chơi Tết.

Các làng hoa đào vào thời điểm tuốt lá

Dạo quanh những làng trồng hoa đào tại địa bàn Hà Nội như Uy Nỗ, Tiên Dương (huyện Đông Anh), Vân Tảo, Đào Xá (huyện Thường Tín), Đông La (huyện Hoài Đức) hay La Cả (quận Hà Đông)… trong khoảng thời gian này, khách du lịch sẽ có dịp cảm nhận không khí lao động hăng say của người nông dân khi mà cây hoa đào vào thời điểm tuốt lá.

Sở dĩ, cây hoa đào phải trải qua công đoạn tuốt lá đó là khi tất cả số lá trên cây được tuốt sạch đi, cây đào mới tập trung dinh dưỡng để nuôi phần nụ, hoa. Bên cạnh đó, khi lá đào bị bứt hết đi, cành cây mới “tức” và bung nụ ra đồng loạt, sắc hoa mới rực rỡ khắp cành, chứ không nở rải rác như cây đào không tuốt lá.

Việc tuốt lá đào đòi hỏi sự tỉ mỉ, vì người ta phải dùng hai tay bứt ngược từng lá một để không làm cho điểm tiếp giáp với cuống lá bị trầy xước, nếu không sẽ không ra nụ hoa. Chính vì đòi hỏi sự cẩn thận như vậy, nên một nhân công trong ngày làm giỏi cũng chỉ tuốt được vài cây. Nếu hộ dân nào trồng vài trăm gốc đào thì thường họ sẽ huy động hết nhân lực trong gia đình, thậm chí phải thuê thêm người mới mong tuốt lá xong trong khoảng mấy ngày.

Anh Nguyễn Văn Hà, người trồng 320 gốc đào tại làng La Cả, kể rằng muốn ruộng đào nở đúng dịp và đồng loạt thì công việc tuốt lá phải khẩn trương trong khoảng ba đến năm ngày trở lại. Việc tuốt lá rất lâu nên gia đình anh Hà phải làm việc cật lực từ sáng sớm tới tối mịt.

Anh Hà cho biết “Mấy hôm nay vào mùa tuốt lá đào quá bận rộn nên cả gia đình chúng tôi đều phải mua cơm hộp, bánh mì mang theo ăn trưa ngoài đồng. Các cháu nhỏ đi học về nhà cũng tự lo ăn, chứ vợ chồng tôi không thể nấu nướng cho chúng được”.

Tại làng hoa Nhật Tân, một làng đào truyền thống lâu đời nổi tiếng của Hà Nội, người dân cũng đang tất bật tuốt lá cho những cây hoa đào được trồng trên diện tích đất bãi bồi ven sông Hồng. Chị Trần Thị Thu, nhà ở cụm 2 phường Nhật Tân, chủ nhân của vườn đào 150 gốc, cho biết năm nay do sợ thời tiết sẽ nóng ấm nhiều hơn mùa Đông năm trước, nên người dân ở đây tuốt lá muộn hơn mọi năm chừng khoảng từ 7- 10 ngày, bởi họ sợ mất mùa vì đào nở trước Tết.

Chị Thu chia sẻ bấy lâu nay người trồng hoa đào phục vụ Tết chẳng khác gì “đánh bạc với ông Trời”, bởi chỉ cần đào nở quá sớm hoặc quá muộn là coi như người nông dân mất… Tết, khi mà hoa bán rẻ như cho không. Còn nếu hoa nở bán trúng dịp bán Tết thì người nông dân mới có thu và cũng đồng nghĩa có nụ cười. Chẳng vậy, giai đoạn căn thời gian và canh thời tiết để tuốt là đào cũng là rất quan trọng, nó quyết định tới thành quả của cả một năm dài bỏ ra bao công sức chăm bón, tắm tưới cho cây...

Làng quất cảnh tất bật gò thế, tạo dáng cây

Tại “thủ phủ” của cây quất cảnh nổi tiếng là làng Tứ Liên và Quảng Bá, thuộc địa bàn quận Tây Hồ, người nông dân trồng quất cảnh cũng phải dành hàng tháng tại vườn, ruộng, khi mùa gò thế cây, tạo dáng cho cây bắt đầu.

Theo như lời kể của người trồng quất, để có một cây quất dáng đẹp nó đòi hỏi phải trải qua công đoạn gò thế tạo dáng. Công đoạn này người ta phải dùng dây thép loại nhỏ để buộc, níu các cành la cho gọn lại, rồi quả cũng được níu phân chia đều trên khắp bề mặt của cây.

Công việc gò thế tạo dáng cây rất tỉ mỉ, lâu công, và người làm giỏi một ngày cũng chỉ tạo thế được vài ba cây là cùng. Chính vì vậy, với những hộ gia đình trồng vài ba trăm cây sẽ mất một khoảng thời gian khá nhiều cho công đoạn này.

Anh Nguyễn Văn Khánh, nhà ở cụm 7, phường Quảng An, kể “Nhà tôi năm nào bước vào giai đoạn cuối năm cũng phải ăn cơm ngoài vườn, vì trồng mấy trăm cây quất nếu không gò thế tạo dáng khẩn trương thì sẽ không kịp bán Tết. Không chỉ có hai vợ chồng làm mà gia đình tôi còn huy động cả con rể, cháu ngoại ở làng bên sông sang làm hỗ trợ mới kịp mùa vụ...".

Với vườn quất với khoảng 250 cây, bà Lê Thị Thuỷ tâm sự rằng nghề trồng quất vất vả quanh năm, tốn biết bao công sức cho việc vun trồng, tưới tắm, phun trừ sâu bệnh... nhưng cực nhất vẫn là ở giai đoạn cuối năm khi vào mùa gò thế, uốn tỉa tạo dáng cho cây. Bà Thuỷ cho hay, nếu thanh niên trẻ khỏe có thể gò được 3-5 cây một ngày, thì những người già chỉ làm được vài cây là cùng.

Bà cũng cho biết, khi gò thế tạo dáng, uốn tỉa cây xong, phải có khoảng thời gian từ 15 đến 20 ngày trở ra để cây quất phát triển tự nhiên, không co cúm, gò bó... vì vậy người trồng quất phải làm sao phải đẩy nhanh tiến độ công việc sao cho tới trước Rằm tháng Chạp phải hoàn thành.

Ngoài đào, quất cảnh ra thì vào mùa cuối năm, người nông dân tại các làng hoa khác ở ven đô ở Đông Anh, Mê Linh, Gia Lâm…cũng đang hối hả bắt tay vào trồng, chăm bón những loại hoa trang trí, hoa phụ như hồng, cúc, lay ơn, ly ly, thược dược... để phục vụ nhu cầu mua sắm hoa tươi tăng cao của người dân trong dịp Tết.

Trịnh Viết Hiệp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối