Thứ Tư, Tháng Tư 17, 2024

Giày cao gót đấu giày đế bằng

CHÁNH TÀI –

Hiệp hội Giày cao gót Nhật Bản (JHA) đang kêu gọi phụ nữ nước này thay đổi những đôi giày bình thường bằng những đôi giày cao gót vì cho rằng chúng sẽ giúp họ tự tin hơn và cải thiện dáng đi của họ.

Cải thiện dáng đi “như vịt”

 

JHA cho rằng “văn hóa kimono” đã khiến nhiều phụ nữ Nhật Bản có tư thế đi xấu. Bà Yumiko, Giám đốc JHA, nói: “Phụ nữ Nhật Bản có dáng đi như vịt. Họ đi lạch bạch với các bàn chân chụm vào nhau”.

Trong một nỗ lực nhằm cải thiện tình hình này, JHA đã mở các lớp dạy về nghi thức xã giao bao gồm các lớp học đặc biệt, nơi các phụ nữ được dạy về cách đi đứng đúng cách, đặc biệt là đi giày cao gót. Học phí theo học các lớp này lên đến hàng ngàn đô la Mỹ. Các lớp học này được quảng cáo là sẽ giúp phụ nữ tự tin hơn.

Những người chỉ trích cho rằng lời kêu gọi mang giày cao gót quá thành kiến giới tính, đặc biệt khi phụ nữ Nhật Bản vẫn đang đấu tranh thoát ra những ảnh hưởng của nền văn hóa nam giới làm gia trưởng, đòi hỏi phụ nữ  phải bước đi ba bước sau đàn ông.

Tuy nhiên, các khóa học sáu tháng dạy đi đứng thanh lịch của JHA đang thu hút rất đông học viên, những người phải đóng 400.000 yen (3.800 đô la Mỹ). Đến nay đã có 4.000 phụ nữ tham gia khóa học này, trong khi đó các lớp học và trường học tương tự cũng mọc lên như nấm trên cả nước.

Bà Yumiko, vốn là cựu diễn viên múa ba lê, cho rằng di sản văn hóa kimono đã khiến phụ nữ Nhật Bản đi đứng không đẹp mắt.

Bà nói: “Phụ nữ Trung Quốc lẫn Hàn Quốc không gặp phải các vấn đề này. Chính nền văn hóa kimono của Nhật Bản cùng những đôi dép bện bằng rơm đã khiến phụ nữ có dáng đi xấu. Và dáng đi này đã ăn sâu trong kiểu cách đi của phụ nữ Nhật Bản. Tuy nhiên, hiện nay, rất ít phụ nữ Nhật Bản mặc kimono suốt ngày. Chúng ta phải học hỏi văn hóa phương Tây và cách đi giày cao gót đúng cách”.

Phương Tây phản đối ép mang giày cao gótAnh-1

Một lớp học dạy đi giày cao gót ở Tokyo, Nhật Bản.

Trang phục truyền thống của Nhật Bản dần dần được thay thế bằng Âu phục bắt đầu từ cuối thế kỷ 19, nhưng kể từ thập niên 1980 những đôi giày cao gót mới thực sự được nhiều phụ nữ Nhật Bản chú ý.

Lời kêu gọi đi giày cao gót tại Nhật Bản được đưa ra trong bối cảnh phương Tây đang trải qua cuộc đấu tranh nữ quyền chống lại những quan điểm áp đặt về cách phụ nữ ăn mặc.

Nữ minh tinh màn bạc Hollywood Julia Roberts đã đi chân trần trên thảm đỏ của Liên hoan phim Cannes vào tháng 5-2016 ở Pháp, một hành động nổi loạn sau khi ban tổ chức Liên hoan phim Cannes gây ra làn sóng phẫn nộ vì từ chối đón tiếp những phụ nữ đi giày đế bằng tại sự kiện này vào năm ngoái.

Tháng trước, hơn 100.000 người Anh đã ký vào bản kiến nghị trên trang web của Quốc hội Anh, kêu gọi thay đổi luật trang phục đã lỗi thời, cho phép các công ty yêu cầu các nữ nhân viên phải mang giày cao gót khi đi làm việc. Cuộc vận động thay đổi luật trang phục do một nữ tiếp tân của một công ty phát động sau khi cô bị công ty đuổi về vì mang giày đế bằng đi làm. Cho đến nay, cuộc vận động đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà chính trị.

Tuy nhiên, bà Yumiko cho rằng mang giày cao gót sẽ giúp phụ nữ Nhật Bản tự tin hơn. Bà giải thích: “Nhiều phụ nữ e ngại thể hiện bản thân. Theo truyền thống văn hóa Nhật Bản, phụ nữ không nên thể hiện mình nổi bật hoặc đặt mình ở vị trí số một”.

Bà Yumiko nói giải pháp để giúp phụ nữ Nhật Bản thoát ra khỏi các nghi thức xã hội hà khắc như vậy là hãy mang một đôi giày cao gót. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với bà Yumiko. Nhà bình luận xã hội nổi tiếng của Nhật Mitsuko Shimomura bác bỏ quan điểm của bà Yumiko. Bà Shimomura nói: “Không có mối quan hệ nào giữa việc mang giày cao gót với quyền lực của phụ nữ. Điều này nghe thật vớ vẩn”.

Cuộc chiến quan điểm chưa dừng

Anh-2

Bà Yumiko, Giám đốc Hiệp hội giày cao gót Nhật Bản (JHA) đang trình bày trong lớp học dạy đi giày cao gót ở Tokyo, Nhật Bản.

Giày cao gót từng là thời trang yêu thích của phụ nữ lẫn nam giới từ thời xa xưa. Các bức tranh trên các lăng mộ Ai Cập cổ đại cho thấy giày cao gót xuất hiện vào khoảng năm 4.000 trước Công nguyên.

Một nghiên cứu vào năm 2014 của một nhóm nhà khoa học ở Đại học Bretagne-Sud (Pháp) cho biết đàn ông sẽ có thái độ tích cực hơn đối với phụ nữ mang giày cao gót. Nhóm nhà khoa học đã tiến hành các thực nghiệm xã hội cho thấy nếu một phụ nữ đánh rơi bao tay trên đường phố, khả năng nam giới dừng lại và nhặt giúp sẽ tăng lên 50% nếu người phụ nữ này mang giày cao gót hơn là giày đế bằng.

“Chúng tôi đã học cách đi đứng trong một bộ kimono và cách cúi đầu chào đúng cách nhưng chưa bao giờ được dạy cách đi với những đôi giày cao gót. Giày cao gót có thể giúp chúng tôi tóm được một anh chàng tốt”, Takako Watanabe, một nữ học viên, hào hứng nói.

Học viên Ayako Miyata, 44 tuổi, cũng đồng ý rằng đi giày cao gót là một kỹ năng quan trọng nhưng ít phụ nữ Nhật Bản thành thục. “Giày cao gót sẽ khiến bạn trong giống một quý bà hơn. Chúng là món đồ cần thiết giúp một phụ nữ hiện đại cảm thấy tự hào và tự tin vào chính mình”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cần có cơ chế, chính sách mua bán điện mặt trời...

0
(SGTT) - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trước 30-4, Bộ Công Thương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế,...

Bùng nổ công nghệ: cần ‘siết lại’ để đảm bảo lợi...

0
(SGTT) - Hai thập niên trước đây là giai đoạn các nước để công ty công nghệ tự quản lý, tuy nhiên trước tình...

Phân biệt các loại tinh chất dưỡng ẩm: emulsion, serum, essence...

0
(SGTT) - Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều các dòng sản phẩm dưỡng ẩm cho da, với nhiều tên gọi khác nhau....

Ra ngoại thành, ngồi chiếu cói mạn đàm du lịch cộng...

0
(SGTT) - Ngày 15-4, chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn thuộc Tạp chí Kinh Tế Sài Gòn cùng Công ty TNHH Thuyền...

Tổ chức các điểm dừng nghỉ tạm trên cao tốc trước...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu tại các vị trí đã được bàn giao mặt bằng hoặc vị trí thuận lợi...

Về Kon Tum, ngắm hoàng hôn tại đồi cỏ làng Kon...

0
(SGTT) – Đồi cỏ xanh mướt giữa rừng thông tại làng Kon Vơng Kia (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum)...

Kết nối