Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Gặp gỡ nhà văn với tâm huyết lan tỏa sự tích cực của Sài Gòn trong đại dịch

(SGTT) – Tống Phước Bảo với bút danh Trúc Thiên, được biết đến là một nhà văn trẻ với dáng người cao, mái tóc rẽ ngôi chéo dài quá đôi mắt. Mối duyên đưa anh đến với viết văn cũng vô cùng tình cờ.

Nhiều năm trôi qua, người đọc vẫn thấy đau đáu trong những trang viết của nhà văn Trúc Thiên một mối tình sâu nặng với Sài Gòn; mải miết sống, mải miết viết.  Những trải nghiệm trong 30 năm sinh sống tại mảnh đất tứ xứ này của anh đã trở thành nguồn cảm hứng đã động viên tất cả mọi người cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19 vừa qua.

Văn chương như mối lương duyên

Người con của mảnh đất Sài Gòn ấy cũng đã thú thực rằng anh đến với văn chương vừa là duyên vừa là nghiệp.

Anh bắt đầu viết cách đây 4 năm qua lời mời của bạn bè, chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ chọn nghiệp viết. Thế rồi câu chuyện ấy cũng thành mối, cho đến giờ anh đã có trong tay 5 đầu sách cùng nhiều tác phẩm truyện ngắn đạt giải thưởng như giải Nhất cuộc thi truyện ngắn “Một nửa làm đầy thế giới” Nhà xuất bản Văn hóa Nghệ thuật 2019, giải Nhất cuộc thi tạp bút “Thành phố tôi yêu” của báo Thanh Niên 2020, tặng thưởng truyện ngắn hay nhất năm 2020 của tạp chí Văn nghệ Quân đội… cùng nhiều truyện ngắn khác được đăng tải trên báo, tạp chí.

Nhà văn Tống Phước Bảo. Ảnh: NVCC

Điều khiến nhiều người kinh ngạc là với khối lượng tác phẩm như thế, cho tới bây giờ, anh vẫn chưa dám nghĩ mình là một nhà văn.

Anh nhận mình là một người viết lách bằng sự hứng thú bất chợt, nhưng để viết được, trước tiên phải sống tử tế, có như vậy mới có thể truyền tải đến người đọc những câu chuyện nhân văn, những năng lượng tích cực.

“Bởi lấp lánh phía sau trang viết của bất cứ một tác giả nào, kỳ thực vẫn luôn là hình ảnh của chính họ, lối sống, suy nghĩ hoặc những năng lượng từ chính họ truyền vào đấy”, anh Bảo chia sẻ.

Duyên là thế, nghiệp viết lách đã chọn anh và anh đã nắm bắt được cơ hội ấy. Ba mươi năm gắn bó với thành phố này đã giúp anh chứng kiến được những thay đổi của thời cuộc.

Cũng chính vì vậy, Sài Gòn hiện lên trong mắt anh đẹp hơn, phát triển hơn, đáng sống hơn, không bao giờ quên được. Sài Gòn âm thầm, trở thành chất liệu viết dào dạt trong anh. Để rồi mỗi lần đặt bút, anh lại lục trong những kí ức ấy và chuyển nó thành câu chữ. Đó có thể là hình ảnh một chánh dân thị thành, vị khách quá giang một phần đời tại Sài Gòn hoặc hình ảnh người dân ngụ cư tìm về thành phố mưu sinh, ổ bánh mì yêu thương, cây ATM gạo… Đó có thể là những tư liệu anh thu được từ những chuyến đi ngang dọc khắp phố thị…

“Mỗi người chỉ cần lang thang quanh Sài Gòn, chịu khó nhìn, nghe và chắt lọc câu chuyện, tôi tin rằng bất kỳ ai cũng có thể viết về mảnh đất này. Ở Sài Gòn có cái lạ là chuyện luôn mới, đôi khi ngủ một giấc đêm, sáng mai là đã thấy chục câu chuyện ngộ đời để viết. Vậy nên đâu có chuyện nhàm chán chỉ là chúng ta viết như thế nào, chọn lát cắt ra sao và góc nhìn của câu chuyện là từ đâu”, anh chia sẻ.

Lan tỏa những điều tử tế

Nếu bên ngoài cánh cửa là hình ảnh của các con góc hẻm giăng dây, là màu xanh của những chiếc áo bảo hộ kín mít, là những đôi găng tay ướt đẫm mồ hôi đang test nhanh Covid-19… bên trong cánh cửa, có một nhà văn mải miết viết sách với mong mỏi truyền đi những điều tích cực.

Anh viết nhiều về những nghĩa cử đồng bào với nhau ngay lúc nguy nan của đỉnh dịch. Anh xúc động “Bởi đó chính là lúc cảm xúc lan tỏa trong tôi, có khi nghẹn ngay cuống họng, có khi nước mắt lặng lẽ rơi. Tôi nghĩ mình lưu giữ những câu chuyện này và đem nó vào tác phẩm để mọi người cùng thương yêu và thấu hiểu hơn mảnh đất này”. Những câu chuyện này 10 hoặc 20 năm sau sẽ lại là những điều hữu ích cho một lớp người trẻ sinh ra sau đại dịch hiểu thêm về thành phố này.

Tình người và những điều tử tế trong chính đại dịch này chính là điều thôi thúc anh phải viết cuốn sách “Sài Gòn có thương thì về”.

“Tôi còn nhớ sau đợt dịch đầu tiên, Sài Gòn giãn cách, lần đầu tiên cái cảm giác im ắng của thành phố này khiến tôi bất giác thương Sài Gòn. Ngày đầu tiên hết giãn cách tôi chạy xe lòng vòng Sài Gòn và nhủ lòng mình sẽ làm một cuốn sách dành tặng Sài Gòn”, anh trải lòng.

Cuốn sách cũng đã ghi lại những chiêm nghiệm, tình yêu thành phố được ấp ủ trong suốt 30 năm qua của anh.

“Tôi chỉ muốn nhắc nhớ về một mảnh đất mà trải qua hơn 300 năm phát triển, giữa phồn hoa rực rỡ, giữa đãi bôi lọc lừa, vẫn sẽ còn đó vẹn nguyên một Sài Gòn hào sảng, trượng nghĩa và bao dung. Người ta đến với Sài Gòn mang theo ước mơ. Dĩ nhiên chẳng phải ước mơ nào cũng sẽ rực sáng trên đất này. Nhưng chí ít chỉ cần bạn sống tử tế thì Sài Gòn sẽ trả lại bạn những hoa thơm trái ngọt thảo hiền đủ để bạn thỏa lòng”, anh nói.

Tuy nhiên, đôi khi sự tử tế đơn giản là phép hỏi han, sự quan tâm dành cho người thân trong gia đình.

Trong thời gian giãn cách, anh dành nhiều thời gian hơn bên gia đình, viết lách thường để dành cho lúc chiều tối; thường xuyên nhắn tin và hỏi han bạn bè ở xa. Đó là cách anh dành những năng lượng tích cực cho họ để cùng nhau vượt qua đại dịch.

Đặc biệt, anh luôn giữ cho mình thói quen đọc sách. Sau những năm tháng nhọc nhằn mưu sinh bên ngoài, anh xem gia đình chính là nơi mỗi người tìm về sự thanh thản và yên tĩnh nhất.

Nhà văn Tống Phước Bảo trong một buổi lễ trao giải báo chí. Ảnh: NVCC
Những ngày không quên

Cũng trong thời gian dịch bệnh, nhà văn đã dùng nhuận bút từ bài báo, truyện ngắn của mình để thiết lập quỹ “Sài Gòn nghĩa tình – chung tay cho tương lai”. Quỹ chính thức được phát động từ ngày 31-8-2021.

Ngoài ra, anh đã vận động bán sách sách của mình để bổ sung vào nguồn quỹ, cùng với những đồng nghiệp của mình hỗ trợ cho hai anh em Thiên Ân và Đức Bảo mồ côi cho mẹ trong đợt dịch vừa qua cho đến hết lớp 12.

Về hoạt động từ thiện, anh chia sẻ “Tôi muốn câu chữ mình có ích cho đời một cách hiện hữu hơn nữa. Tôi cùng các bạn văn và nhiều anh chị trong giới viết chung tay vào một cái quỹ riêng để khi cần thiết thì giúp những người khó khăn, hoặc là làm những chuyến đi đến vùng xa để hỗ trợ người nghèo, trẻ em. Chỉ giản đơn vậy thôi, lại thấy mình có thêm động lực để viết. Nếu nói chính xác là chúng tôi tái tạo lại động lực bằng chính những điều tử tế này”.

Không chỉ trong thời điểm này, trước đó nhà văn cùng cộng sự của mình đã có nhiều dự án thiện nguyện như xây nhà nghĩa tình cho người nghèo ở Sóc Trăng, giúp đỡ cho người dân trong đợt thiên tai bão lũ tại Nam Trà My (Quảng Nam), giúp người nghèo ăn Tết ở Kiên Giang…

Mặc dù đã gặp không ít khó khăn trong chính công việc nhưng nhờ vào động lực tái tạo từ những điều tử tế, anh luôn tâm niệm rằng dịch bệnh đã dạy cho con người cách ứng biến thích hợp nhất.

Anh cùng những đồng nghiệp của mình dành thời gian để đọc sách của nhau nhiều hơn và kĩ hơn, tập trung viết nhiều hơn về dịch bệnh như một đề tài mới.

Có khi họ viết từ chính những điều còn đọng lại trong ký ức của mình hoặc có những khi họ chỉ nhau về cách sống thích ứng khi là F0, F1. Quỹ thời gian của anh dần trở nên ý nghĩa hơn.

Sau khi đọc những câu chuyện được viết từ chính trải nghiệm của nhà văn, khó có thể nào người ta quên đi một Sài Gòn tích cực, một Sài Gòn tử tế, một Sài Gòn với nếp sống văn minh.

Cuộc sống của thế hệ trẻ sẽ ngày càng phát triển cùng thời đại. Dĩ nhiên mọi sự phát triển đều đi từ gốc rễ của những điều xưa cũ nhưng đó là một nền tảng vững chắc để làm bệ đỡ cho mọi sự thăng hoa sau này của người trẻ. Vẫn còn đó một người dệt nên Sài Gòn bằng tâm huyết. Vẫn còn đó những câu chuyện tử tế của cuộc sống thường nhật. Gấp lại trang sách, ta nhận ra mình luôn có một bến đỗ để bám vịn, để trở nên tốt hơn.

Nguyễn Phương Hoa

Bài viết trên là một trong số 30 bài thi xuất sắc lọt vào vòng Bán kết Cuộc thi Báo chí DEEP ZOOM do CLB Phóng Viên Trẻ, Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức. Theo đó, thông điệp của cuộc thi là sự thật phản ánh trên báo chí không chỉ là những gì diễn ra trên bề mặt vấn đề mà người làm báo phải thâm nhập, tìm hiểu để từ đó mang đến những thông tin trung thực nhất cho công chúng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cuộc sống của nữ giáo viên tiếng Anh trong mùa dịch...

0
(SGTT) - Cô Đặng Thị Hồng Phúc là giáo viên dạy IELTS tự do tại nhà và ở một trung tâm tiếng Anh tại...

Tuổi trẻ thêm ý nghĩa khi được tham gia chống đại...

0
(SGTT) - “Có những ngày số ca tăng rất nhanh, nhiều khi test 50 người mà đã 49 người là F0 rồi, xe cấp...

Sài Gòn những ngày tháng không thể nào quên trong đại...

0
(SGTT) - Tại TPHCM, vào những tháng hè năm 2021, đại dịch Covid-19 lan nhanh khắp mọi ngõ ngách của đời sống và tàn...

Từ hiện tượng “Hội những người ghét cha mẹ”: Phụ huynh...

0
(SGTT) - Sau những lùm xùm trên mạng xã hội, thật khó khăn để tôi có thể len lỏi vào “Hội những người ghét...

Những ngày khó quên của sinh viên đi chống dịch

0
(SGTT) - Khoảng thời gian cùng chung tay với đội ngũ y bác sĩ để hỗ trợ và góp sức cho công tác phòng...

Những con người nỗ lực vươn mình sau đại dịch

1
(SGTT) - Đại dịch Covid-19 ập đến và lấy đi nhiều thứ trong cuộc sống của người dân trên khắp cả nước. Những giọt...

Kết nối