Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

EU: Việt Nam thành công bước đầu trong kiểm soát an toàn thực phẩm với mì ăn liền

Tổng vụ An toàn và sức khỏe (SANTE) của Ủy ban châu Âu ghi nhận bước đầu thành công của Việt Nam, trong 6 tháng cuối năm 2022, EU không phát hiện vụ vi phạm nào của Việt Nam đối với mì ăn liền.

Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đã tổ chức cuộc họp với doanh nghiệp xuất khẩu mì ăn liền sang thị trường các nước châu Âu (EU). Ảnh: Bộ Công Thương

TTXVN đưa tin, chiều 24-3 tại Hà Nội, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đã tổ chức cuộc họp với doanh nghiệp xuất khẩu mì ăn liền sang thị trường các nước Liên minh châu Âu (EU).

Buổi làm việc có sự tham gia của Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ và đại diện 8 doanh nghiệp xuất khẩu mì ăn liền sang EU cùng 2 đơn vị kiểm nghiệm. Cuộc làm việc liên quan đến các giải pháp nhằm kiểm soát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm mì ăn liền sang EU trong 6 tháng đầu năm 2023 và thời gian tiếp theo.

Trước đó, từ tháng 2-2022, EU đã đưa sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam vào diện áp dụng quy định Regulation (EU) 2019/1793 để kiểm soát dư lượng ethylene oxide (EO).

Phiên họp Kỹ thuật của Tổng vụ An toàn và sức khỏe (SANTE) của Ủy ban châu Âu trong tháng 2-2023 đã ghi nhận bước đầu thành công của Việt Nam trong kiểm soát an toàn thực phẩm với mì ăn liền. Trong 6 tháng cuối năm 2022, EU không phát hiện vụ vi phạm nào của Việt Nam với mì ăn liền.

Tính đến tháng 2-2023, Bộ Công Thương đã cấp 3.170 HC (Health certificate-Chứng thư) được cấp vào thị trường EU thông qua 21 cảng. Trong đó, quốc gia có số lượng HC nhiều nhất là Đức (1.715 HC).

Điều này đã minh chứng những nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc cấp chứng thư cho các doanh nghiệp xuất khẩu mì ăn liền. Đồng thời cũng cho thấy các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã chấp hành rất tốt các quy định về an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu.

TTXVN dẫn thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, do Việt Nam đã quản lý tốt xuất khẩu mì ăn liền vào EU sáu tháng cuối năm 2022 nên Ủy ban châu Âu đã đề nghi đưa mì ăn liền từ Phụ lục II – yêu cầu có chứng thư và kiểm soát 20% tại cửa khẩu sang Phụ lục 1- kiểm soát tại cửa khẩu EU với tần suất 20%, không yêu cầu có chứng thư). Tuy nhiên, đề xuất này cần được đại diện các nước thành viên thông qua vào cuối tháng 4.

Nhằm đưa mì ăn liền của Việt Nam từ Phụ lục II sang Phụ lục I cần nỗ lực rất lớn của Bộ và các doanh nghiệp xuất khẩu mì trong việc kiểm soát chất lượng để từ đó nâng cao uy tín của hàng hóa Việt Nam vào EU và tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường EU.

Để thực hiện được điều này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị kiểm nghiệm tiếp tục thực hiện tốt các quy định kiểm nghiệm theo các tiêu chuẩn của EU. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục thực hiện tốt việc kiểm soát chuỗi cung ứng sản xuất, đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm của EU.

Các doanh nghiệp xuất khẩu mì ăn liền lớn như Công ty CP Acecook Việt Nam, Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (VIFON), Công ty CP Thực phẩm Á Châu… đã cam kết kiểm soát tốt chuỗi cung ứng, sản xuất đảm bảo không sử dụng EO trong bất kể khâu nào của sản xuất và sản phẩm khi xuất khẩu sang EU.

N.Tân

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối