Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Dùng son trôi nổi, tội nghiệp đôi môi

VŨ YẾN –

Tại nhiều trang mạng bán hàng và một số chợ ở TPHCM giới thiệu sản phẩm son xăm môi, hay còn gọi son mặt nạ môi, son lột da môi bền màu 2-5 ngày. Loại son môi này thu hút sự chú ý của nhiều phụ nữ. Tuy nhiên, các bác sĩ da liễu cảnh báo son xăm môi tiềm ẩn những tác hại.

Nghe tiếng rỉ tai

sonmoiMột loại son môi được ghi xuất xứ Hàn Quốc, được bán tại chợ Kim Biên với giá sỉ 21.000 đồng/tuýp 15 g.

Chị Trà, nhà ở quận Thủ Đức, TPHCM, kể cách đây khoảng một tháng chị thấy môi con gái đang học lớp 11 hơi ửng đỏ, có lớp bong tróc. Gặng hỏi mãi cô con gái mới kể, rằng nó nghe bạn bè giới thiệu về một loại son xăm môi có thể giữ màu đến năm ngày nên đã mua hai tuýp, mỗi tuýp giá 45.000 đồng. Sử dụng được khoảng nửa ngày thì xảy ra tình trạng trên.

Chị Nguyễn Thi, nhà ở thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, cũng nghe bạn bè tư vấn nên đã đặt mua một tuýp son xăm môi ghi xuất xứ Hàn Quốc với giá 240.000 đồng tại một trang Facebook. Chủ trang Facebook này cũng có cửa hàng tại quận Phú Nhuận, TPHCM. Chị Thi cho biết, lúc mới thoa lên môi, son lên màu khá đẹp. Tuy nhiên, màu son chỉ giữ được khoảng 12 giờ chứ không phải vài ngày như quảng cáo.

Theo tìm hiểu của Sài Gòn Tiếp Thị, son xăm môi được giới thiệu, rao bán trên nhiều trang mạng xã hội, Facebook cá nhân và tại các chợ như Kim Biên (quận 5), Bình Tây (quận 6)… Nhãn hiệu và xuất xứ đa dạng, phần lớn được giới thiệu là từ Hàn Quốc. Khác với các loại son thông thường, son xăm môi được ví như một hình thức xăm môi bằng son. Cách thức sử dụng là bôi trực tiếp son lên môi, đợi chừng 10-15 phút, khi son môi bắt đầu khô và hiện màu thì dùng ngón tay tìm đường viền để lột “mặt nạ” son ra, khi đó sẽ có lớp son bám chặt vào môi, lâu phai màu.

[box] TS. Huỳnh Khánh Duy, Khoa Kỹ thuật hóa học, trường Đại học Bách khoa TPHCM: Loại son xăm môi như tiếng Anh gọi là lip stain có tác dụng tương tự như son môi nhưng cho thời gian lưu màu trên môi lâu hơn và ít làm loang màu cũng như dính màu ra các đồ vật mà môi tiếp xúc vào. Khác với son môi được xây dựng trên nền sáp (thành phần chủ yếu gồm sáp, dầu, màu và chất giữ ẩm), sản phẩm lip stain lại tương hợp với nước tốt hơn. Do trong lip stain có chứa màu và một số thành phần hữu cơ khác nên chất lượng của các thành phần này sẽ quyết định sự an toàn của sản phẩm. Màu sử dụng có thể là màu vô cơ hoặc màu hữu cơ. Nếu màu có nguồn gốc là các hợp chất vô cơ thì sẽ có khả năng chứa chì, cadmium, thủy ngân, chromium (đây là các kim loại nặng độc hại cho sức khỏe). Nếu màu có nguồn gốc hữu cơ thì có thể có chứa các tạp chất amine thơm, các hợp chất azo, các hợp chất thơm ngưng tụ đa vòng, phthalates… (thường là các chất có khả năng gây ung thư, gây rối loại nội tiết). Chính vì vậy, người tiêu dùng nên chọn mua sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có nhãn mác ghi thành phần, có đăng ký chất lượng với cơ quan chức năng để giảm các nguy cơ về sức khỏe. Trước khi sử dụng cần thử một ít trên mặt trong của cánh tay rồi quan sát khả năng gây dị ứng của sản phẩm. Sau đó thử một ít lên môi rồi quan sát xem có thể có phản ứng với sản phẩm hay không (ngứa, sưng, khó thở, chảy nước mũi, nước mắt…) Trong quá trình sử dụng, nếu phát hiện ra các triệu chứng bất thường nghi ngờ do sản phẩm gây ra thì phải ngưng sử dụng và hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa.[/box]

Chứa chất độc hại

Tại một sạp bán sỉ và lẻ mỹ phẩm tại chợ Bình Tây, nhân viên giới thiệu một loại son xăm môi với giá lẻ 35.000 đồng/tuýp 15 g. Tuy nhiên, nhân viên tại đây cũng cho biết, với mức giá đó không phải hàng từ Hàn Quốc nhập khẩu chính hãng mà là hàng được làm tại Việt Nam rồi đóng gói vào tuýp, vào hộp và ghi nhãn hiệu tiếng Hàn. “Giá này thì làm gì có hàng chính hãng từ Hàn Quốc. Muốn mua sỉ bao nhiêu cũng có nhưng phải đến tận đây để thanh toán tiền rồi trực tiếp lấy hàng”, một nhân viên nhấn mạnh.

Còn tại một cửa hàng mỹ phẩm ở chợ Kim Biên, cô nhân viên bán hàng cũng thật tình nói rằng son môi nói trên được sản xuất tại một cơ sở ở Việt Nam chứ không phải hàng nhập hay xách tay gì từ Hàn Quốc. Bao bì, nhãn mác là do người sản xuất làm nhái, còn thành phần trong mỗi tuýp có những gì thì chính người bán cũng không biết vì toàn tiếng Hàn. Cô nhân viên cho biết loại son xăm này hiện đang rất hút hàng.

Ngoài những sản phẩm bán ở chợ, một số cửa hàng và Facebook giới thiệu nhiều nhãn hiệu khác. Một số nhân viên bán hàng cho biết các sản phẩm này nhập qua con đường xách tay, hoặc là chuyển về qua các công ty vận chuyển. Giá loại son này từ 100.000 đến 400.000 đồng/tuýp 15 g.

Theo lời người bán, các loại son này không được kiểm tra, kiểm soát bởi các cơ quan chức năng, mà chỉ là sự đảm bảo bằng uy tín, niềm tin giữa người bán và người mua. Hơn nữa, trên bao bì sản phẩm cũng chỉ có tiếng Hàn chứ không có bất kỳ nhãn phụ tiếng Việt nào.

Nói về son xăm môi, giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu mỹ phẩm không muốn nêu tên tại TPHCM, cho biết các loại son giữ màu đều có thủy ngân, hàm lượng ít hay nhiều tùy vào uy tín của nhà sản xuất. Độ bám dính, giữ màu của son càng lâu thì hàm lượng thủy ngân càng nhiều. Theo vị giám đốc này, da ở môi thường mỏng và nhạy cảm, nếu hàm lượng thủy ngân nhiều và sử dụng son trong thời gian dài có thể dẫn tới nhiễm độc thủy ngân. Từ đó có thể khiến bào mòn da ở môi, làm môi mất đi sắc tố, gây thâm.

“Với những sản phẩm chính hãng và để đảm bảo uy tín, các nhà sản xuất thường sử dụng dược liệu tự nhiên, tạo nên màu tự nhiên và hàm lượng thủy ngân nằm trong giới hạn cho phép. Nhưng với những sản phẩm trôi nổi, giá rẻ, không biết nguồn gốc thì có trời mà biết họ đã pha trộn những loại phẩm màu gì để tạo ra màu. Không ngoại trừ các loại phẩm màu sử dụng trong sản xuất công nghiệp, có tác hại với sức khỏe, làn da người dùng”, vị giám đốc này lo ngại.

Ở góc độ chuyên môn, một bác sĩ da liễu tại TPHCM cho biết với các sản phẩm mỹ phẩm, người tiêu dùng chỉ nên mua, sử dụng các sản phẩm chính hãng, có sự kiểm tra, cấp phép của các cơ quan chức năng. Đối với hàng trôi nổi, không rõ xuất xứ đều có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe.

Với sản phẩm mỹ phẩm là son môi, theo vị bác sĩ này, nếu sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, sản phẩm nhiều chì và thủy ngân rất dễ dẫn tới tình trạng nhiễm độc, dị ứng hay lột da trên môi, thậm chí có thể khiến môi bị thâm đen.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thị trường mỹ phẩm chuyển dịch với làn sóng tiêu dùng...

0
(SGTT) - Làn sóng tiêu dùng mỹ phẩm theo xu hướng mạng xã hội ở Việt Nam đang thúc đẩy sự xuất hiện loại...

Cách để bạn nhận biết mỹ phẩm hết hạn sử dụng

0
(SGTT) - Ngày nay, việc sử dụng mỹ phẩm hết hạn có thể mang đến nhiều rủi ro sức khỏe, đặc biệt là về...

Lợi bất cập hại khi tự ý dùng mỹ phẩm đặc...

0
(SGTT) – Khoảng thời gian trong và sau dịch bệnh, mạng xã hội ngày càng bùng nổ thông tin về làm đẹp tại nhà....

Mỹ phẩm Việt trên hành trình khai thác tài nguyên bản...

0
Nhìn lại hành trình gầy dựng tên tuổi từ 5-10 năm trước, các doanh nghiệp mỹ phẩm nội địa Việt Nam tự tin với...

Bác sĩ chỉ cách sử dụng Retinol hiệu quả với da...

0
Nên sử dụng Retinol trong việc điều trị mụn trứng cá và trẻ hoá làn da như thế nào là hợp lý?

Mỹ phẩm không chứa nước là gì và ai có thể...

0
(SGTT) – Ngành công nghiệp mỹ phẩm Việt Nam ngày càng phát triển với nhiều thương hiệu nội địa. Những năm gần đây, khái...

Kết nối