DIỄM MI -
Ngày hội nghề nghiệp sinh viên – Nhân lực trẻ TPHCM năm 2016 diễn ra hồi cuối tuần rồi như đánh đúng vào tâm lý của sinh viên năm 3, năm 4 tại các trường đại học, cao đẳng. Trong giai đoạn nước rút để có thêm kỹ năng thuyết phục nhà tuyển dụng, không ít sinh viên hoang mang khi nhiều doanh nghiệp nói điều họ cần thì sinh viên đang thiếu.
Ngày hội năm nay do trường Đại học Kinh tế TPHCM phối hợp cùng Employment Vietnam tổ chức với chủ đề “Nhân lực Việt – tự tin hội nhập AEC” (Cộng đồng kinh tế ASEAN) thu hút hàng trăm lượt sinh viên tham gia. Ngày hội cung cấp hơn 300 vị trí tuyển dụng, với gần 5.000 lao động cần tuyển và một số vị trí không giới hạn. Cơ hội hấp dẫn là thế nhưng nhiều sinh viên đến với ngày hội vẫn còn ngơ ngác không biết phải làm sao để được doanh nghiệp chọn lựa.
Ấn tượng ban đầu
Nhân viên nhân sự Tập đoàn Đại Việt đang phỏng vấn ứng viên.
Điều đầu tiên để nhà tuyển dụng biết đến người ứng tuyển thông qua hồ sơ xin việc, hồ sơ ứng tuyển (CV – Curriculum Vitae) thường đi kèm với đơn xin việc. Đây là bản mô tả về ứng viên giúp nhà tuyển dụng biết được quá trình làm việc và công tác của ứng viên, cũng như trình độ học vấn, mục tiêu nghề nghiệp và những kỹ năng mà ứng viên tích lũy được. Từ hồ sơ xin việc, doanh nghiệp sẽ đánh giá xem ứng viên đó có phù hợp với vị trí họ đang tuyển dụng không. Nếu phù hợp thì sau đó sẽ sắp xếp một buổi phỏng vấn với ứng viên.
Để có một CV đạt yêu cầu không khó nhưng trường học không dạy cho sinh viên kỹ năng này. Nhiều sinh viên tỏ ra ngại ngùng khi được người viết hỏi đã biết/từng viết CV chưa, thì hơn một nửa số câu trả lời là chưa biết. Trần Mỹ Duyên, sinh viên năm thứ tư trường Đại học Tài chính Marketing, cho biết mặc dù biết được tầm quan trọng của CV đối với nhà tuyển dụng, nhưng để viết được bản CV cơ bản đạt yêu cầu mình còn chưa nắm rõ thì việc tạo ấn tượng bằng CV đối với mình cần nhiều thời gian và kinh nghiệm khi đi xin việc hơn.
Nắm được tâm lý chung của sinh viên, các doanh nghiệp tham gia ngày hội nghề nghiệp năm nay dành ra nhiều thời gian hơn để hướng dẫn sinh viên kỹ năng xin việc, bao gồm việc viết CV và tham gia phỏng vấn thử. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ việc họ từ chối thẳng thừng những đơn ứng tuyển cẩu thả về hình thức, sơ sài nội dung. Ông Trần Huy Anh Đức, chuyên viên phòng tuyển dụng Ngân hàng HDBank, cho biết mỗi ngày doanh nghiệp nhận nhiều đơn xin việc cùng lúc, nghĩa là các ứng viên phải cạnh tranh nhau để xin ứng tuyển vào cùng vị trí. “Như vậy, không có lý do gì để chúng tôi chọn những CV xem nhẹ việc trình bày. Ấn tượng ban đầu không có thì khó được chọn”, ông Đức nói.
Trong ngày hội, nhiều sinh viên vỡ lẽ khi kiến thức được học là quan trọng nhưng chỉ thuyết phục nhà tuyển dụng một phần, phần còn lại nằm trong các kỹ năng khác mà trường không dạy. Điều sinh viên thiếu thì doanh nghiệp đang cần, trớ trêu nhiều sinh viên đi thuê người viết CV hộ để ứng tuyển, tốn thêm vài trăm ngàn đồng lại còn đặt mình trong thế bị động.
Thiếu ở đâu, bù ở đấy!
Theo các chuyên viên tuyển dụng, hiện nay trên Internet có nhiều mẫu CV cơ bản, sử dụng cho hầu hết các ngành nghề, sinh viên hoàn toàn có thể tham khảo. Tuy nhiên để CV tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng, ông Lê Tuấn Anh, trợ lý giám đốc Tập đoàn Đại Việt, cho rằng ứng viên cẩn phải có những lưu ý nhất định khi viết một đơn ứng tuyển chứ không phải rập khuôn những mẫu đơn có sẵn.
Theo đó, ứng viên cần đưa ra những thông tin phù hợp, rõ ràng đối với vị trí và doanh nghiệp tham gia ứng tuyển. “Lỗi sinh viên hay mắc phải khi viết một CV là thường họ trình bày hết hoạt động trong thời gian học khiến lượng thông tin không cần thiết quá nhiều, trong khi nội dung cần rõ ràng thì nói quá ít”, ông Tuấn Anh nói.
Tiếp theo, phần trình bày hình thức kiểu chữ phải đồng nhất, hình ảnh rõ và nghiêm túc, có thể thiết kế riêng đối với những ngành nghề liên quan đến hội họa, thiết kế sản phẩm để thể hiện được bản thân. Ứng viên cũng không nên bỏ qua phần định hướng nghề nghiệp. Đây là cơ sở để doanh nghiệp đánh giá năng lực, tầm nhìn nghề trong tương lai để quyết định chọn hay không chọn bạn cho vị trí đó.
Nhiều doanh nghiệp yêu cầu năm kinh nghiệm cho vị trí cần tuyển thì những sinh viên mới tốt nghiệp có thể trình bày phần trình độ học vấn, sau đó là kinh nghiệm làm thêm, các hoạt động tại trường, các kỹ năng mềm... và không quên dẫn chứng thành tích nếu có. Cũng theo ông Tuấn Anh, một điểm cộng nếu CV có phần ghi thông tin người tham khảo, đây là phần doanh nghiệp đánh giá cao bạn và dễ dàng trong việc xác thực thông tin đối với nơi bạn từng học hoặc nơi từng làm, điều này tạo độ tin cậy. Tuy nhiên hiện nay rất ít CV đáp ứng được .
Hiện nay tại TPHCM, nhiều câu lạc bộ, đội nhóm trong trường đại học đã tổ chức các buổi học ngoại khóa về kinh nghiệm phỏng vấn và khả năng viết CV. Tại ngày hội nghề nghiệp năm nay, một vài doanh nghiệp đã chọn lựa được nhân sự cho vị trí còn trống với những bản CV được chuẩn bị từ trước. Nhưng con số này không nhiều, việc thiếu ở đâu, bù ở đấy chỉ là giải pháp tức thời. Về lâu về dài, nếu không có giải pháp giáo dục rõ ràng ngoài việc học lỏm trên mạng, thì người ở vị trí bị động vẫn luôn là sinh viên.