Chủ Nhật, Tháng Một 19, 2025

Du lịch Quảng Nam trông chờ mở lại gói hỗ trợ tài chính

Nhiều doanh nghiệp du lịch ở Quảng Nam đã huy động nhiều nguồn vốn để trả lương cho người lao động cũng như tái khởi động việc kinh doanh. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch lần 2 một lần nữa đẩy họ vào tình trạng kiệt quệ và cần sự hỗ trợ gấp rút từ các cấp quản lý. Một trong những giải pháp là “mở lại” các gói hỗ trợ tài chính trước đây.

Chờ đợi giải pháp gỡ vướng về chính sách hỗ trợ

Giữa tháng 7, anh Lê Ngọc Thuận, Chủ nhà hàng Deckhouse An Bàng Beach (thành phộ Hội An, tỉnh Quảng Nam), đã bỏ ra 150 triệu đồng, phối hợp cùng một số đơn vị kinh doanh lưu trú và ăn uống, để thực hiện một chương trình âm nhạc, xây dựng gian hàng ẩm thực, nhằm kích cầu du lịch sau thời gian ngưng hoạt động.

Khoảng một tuần sau, một người bạn của anh Thuận, anh Phan Xuân Thanh , giới thiệu một sản phẩm mới hướng đến du lịch xanh tại thành phố Hội An, trong nỗ lực tạo thêm sân chơi cho du khách, quảng bá điểm đến cũng như kéo dài thời gian lưu trú khi khách đến Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung.

Người nước ngoài ở biển An Bàng, thành phố Hội An trong những ngày dịch Covid-19 chưa bùng phát trở lại. Ảnh: Nhân Tâm

Ông chủ của nhà hàng The Field đã bỏ ra 500 triệu đồng để làm chương trình này cũng như khởi động lại việc kinh doanh sau gần 3 tháng đóng cửa vì Covid-19.

Tuy nhiên, chỉ hai tuần sau đó, Covid-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng với tâm dịch là Đà Nẵng và Quảng Nam, khiến cho anh Thuận, anh Thanh cũng như nhiều doanh nghiệp khác “choáng váng”.

Theo cuộc khảo sát nhanh của Hiệp hội Du lịch Quảng Nam (QTA), doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ kiệt quệ, không đủ nguồn vốn để tồn tại. Nhiều doanh nghiệp hoàn toàn đóng cửa. Doanh nghiệp quy mô lớn cũng chỉ đủ sức giữ lại nhân sự chủ chốt. Trong khi việc tiếp cận nguồn các vốn hỗ trợ, trong đó có gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ (theo Nghị quyết số 42/NQ-CP) chưa trở thành hiện thực.

Theo QTA, đến nay mới chỉ có 15 đơn vị thành viên thuộc Hiệp hội có người lao động được hưởng trợ cấp tháng 4 theo gói hỗ trợ nêu trên, nhưng “tiền cũng chưa đến tay họ”, ông Võ Phùng, Phó Chủ tịch QTA, chia sẻ.

Ông Võ Phùng gợi ý từ nguồn quỹ còn lại của gói 62.000 tỉ đồng, Chính phủ cần sử dụng làm nguồn vốn vay cho những doanh nghiệp còn gắng gượng vận hành được tiếp cận với lãi suất 0% trong thời hạn một năm kể từ 1-10-2020 đến 30-9-2021 để doanh nghiệp chi trả lương để tái sản xuất và tái thiết lại hoạt động của doanh nghiệp.

“Đương nhiên, với điều kiện doanh nghiệp phải có phương án ký kết hợp lao động trả lương cho người lao theo quy định của pháp luật hiện hành”, ông Võ Phùng nói.

Bên cạnh đó, QTA cũng đề nghị xem xét lại Quyết định 15/2020/QĐ-TTg Quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, đối tượng người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc nghỉ việc chấm dứt HĐLĐ sau ngày 1-4 đến ngày 30-6/2020 sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ từ quyết định này.

QTA đề xuất Chính phủ nên kéo dài thời gian dành cho đối tượng người lao động tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc nghỉ việc chấm dứt HĐLĐ thời gian hoãn HĐLĐ đượng hưởng gói hỗ trợ này đến cuối 30-9-2020 để họ được tiếp tục có cơ hội hưởng chính sách từ quyết định này.

Bên cạnh đó, cũng theo Quyết định 15 này, người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính do ảnh hưởng của Covid-19 nếu đáp ứng đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ vay vốn trả lương ngừng việc với lãi suất 0%/năm từ Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, thực tế , cho đến nay, giữa quí 3-2020, tại Quảng Nam vẫn chưa giải quyết được cho doanh nghiệp du lịch vì rào cản thủ tục và điều kiện theo Nghị quyết số 42/NQ-CP.

“Do vậy, rất cần có giải pháp tháo gỡ nhanh”, ông Võ Phùng chia sẻ.

Những vấn đề ưu tiên về thuế, vốn vay và lao động

Theo Nghị quyết số 116/2020/QH14 ngày 19-6-2020, doanh nghiệp được giảm thuế doanh thu 30% năm 2020 với điều kiện doanh nghiệp có tổng doanh thu không quá 200 tỉ đồng.
QTA cũng kiến nghị giảm 50% và thời gian áp dụng từ năm 2020 đến ngày 30-6-2021. Thuế giá trị gia tăng giảm 50% năm 2020 và đến hết 30-6-2021.

Du khách trải nghiệm làm nông nghiệp tại làng rau Trà Quế, thành phố Hội An vào đầu năm nay, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát ở Việt Nam. Ảnh: Nhân Tâm

Bên cạnh đó, Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có các điều kiện: “ngừng sản xuất kinh doanh từ 15 ngày trở lên và chỉ được hưởng chính sách giảm 15% tiền thuê đất trong năm 2020”.

Theo ông Phùng, thực sự thủ tục trở nên khó khăn một lần nữa cho doanh nghiệp. “Nếu ngừng sản xuất mới được hỗ trợ thì việc hưởng chính sách không giải quyết vận hành để phát triển kinh tế, do đó bỏ điều kiện ngừng sản xuất trên 15 ngày, đồng thời giảm 50% tiền thuê đất và mở rộng thời gian áp dụng trong năm 2020 đến tháng 6-2021”, ông Phùng giải thích.

Thuế nhà thầu cần xem xét lại tạm thời không truy thu trong năm 2020 và 2021 để doanh nghiệp tập trung quỹ xúc tiến quảng bá trên các kênh booking để giảm nhất chi phí

Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước đề nghị các ngân hàng khoanh nợ gốc, hạ lãi suất và Chính phủ hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp với các vốn vay đang tồn đọng do không có khả năng chi trả.

Những đề nghị khác từ QTA bao gồm các gói hỗ trợ mới từ Chính phủ với lãi suất ưu đãi, giúp các ngân hàng có dòng vốn lưu động cho vay khoản mới lãi suất ưu đãi để đảo nợ cho doanh nghiệp và ưu tiên vốn vay đầu tư cho các doanh nghiệp du lịch có phương án hoạt động cụ thể của mỗi tỉnh để khi khôi phục doanh nghiệp có nguồn vốn triển khai nhanh và kịp thời, với điều kiện cam kết dưới sự giám sát phương án kinh doanh của ngân hàng.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ ngân sách cần tập trung cho việc đào tạo người lao động với tiêu chí du lịch xanh, bền vững cho Việt Nam để có thể đáp ứng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch hậu Covid-19.

Có lẽ, hơn lúc nào hết những doanh nhân trong ngành du lịch như anh Lê Ngọc Thuận hay anh Phan Xuân Thanh cần sự giúp sức mạnh mẽ từ Chính phủ để kéo họ đứng dậy, tiếp tục hoạt động, chứ giờ đây họ không thể tự đứng dậy được nữa.

Nhân Tâm

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối