Thứ hai, Tháng mười hai 9, 2024

Du lịch mạo hiểm cần xây nền vững trước khi tăng quy mô

(SGTT) - Với loại hình du lịch mạo hiểm ở Việt Nam, các đơn vị tổ chức tour cho rằng còn nhiều tiềm năng biến thành công nghiệp triệu đô, góp phần tăng trưởng ngành cho địa phương, hấp dẫn du khách quốc tế. Tuy vậy, quá trình khai phá thị trường còn gặp nhiều khó khăn, không chỉ dừng lại ở vốn đầu tư mà còn phụ thuộc chất lượng nhân lực, chính sách hỗ trợ, cách tiếp thị sản phẩm đúng khách hàng mục tiêu.

Tiếp thị sản phẩm du lịch mạo hiểm không dễ

Theo Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách tham gia trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ du lịch mạo hiểm của tỉnh ước đạt hơn 2 triệu lượt, có tăng nhẹ so với năm ngoái. Loại hình du lịch này được đánh giá đem lại tiềm năng kinh tế lớn trong việc phát triển du lịch ở các địa phương có lợi thế địa hình thiên nhiên, cảnh quan tự nhiên.

Đại diện từ đơn vị tổ chức làm tour mạo hiểm Oxalis Adventure, ông Phan Văn Thìn, Giám đốc Điều hành tour cho biết mỗi năm Oxalis phục vụ khoảng 12.000 - 15.000 khách. Mùa tour 2024 vừa qua, tính theo cơ cấu thị trường thì tổng khách nội địa của đơn vị chiếm 24%, tổng khách quốc tế chiếm 76%.

“Bản thân việc chọn làm du lịch mạo hiểm theo hướng bền vững đã là một lựa chọn khó khăn”, ông nói.

Ông chỉ ra đầu tiên là làm sao cân bằng được mong muốn khám phá chinh phục của du khách và đảm bảo không xâm phạm đến hiện trạng của tự nhiên qua những quy định về an toàn, lối đi, quy tắc ứng xử trong hang, quy định xử lý chất thải… Thứ 2 là loại hình du lịch mạo hiểm còn khá mới tại Việt Nam và các quy định pháp luật chưa theo kịp để có thể ban hành các văn bản, các tài liệu liên quan đến vận hành an toàn.

Thứ 3 là nguồn lực lao động phục vụ cho loại hình du lịch mạo hiểm. Du lịch thám hiểm hang động, leo núi, dù lượn, xe đạp địa hình, kayak vượt thác và các loại hình khác có mặt khá muộn và đang phát triển nhiều nơi ở Việt Nam. Tuy nhiên chưa có nhiều trung tâm đào tạo các bộ môn này một cách bài bản dẫn đến có nhiều trường hợp sản phẩm du lịch mạo hiểm chưa được vận hành một cách chuyên nghiệp và an toàn, ông chỉ ra.

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp bên trong hệ thống hang động ở Quảng Bình. Ảnh: Oxalis Adventure

Hơn hết, việc tiếp thị truyền thông để bán sản phẩm cũng cần có những chiến lược đầu tư đúng mục tiêu. Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc của Oxalis Adventure nói từ những ngày đầu thành lập năm 2011, Oxalis đã xác định mục tiêu là để lôi kéo khách du lịch quốc tế có thời gian lưu trú tại Phong Nha dài ngày hơn, bởi thời điểm đó hầu hết khách đến du lịch Phong Nha chủ yếu ở trong ngày. Từ đó sản phẩm du lịch mạo hiểm khám phá hang Én 2 ngày 1 đêm đã ra đời.

Được biết, loại hình khám phá hang động theo hình thức mạo hiểm trên thế giới từ trước đến nay chủ yếu dành cho giới thám hiểm chuyên nghiệp chứ không dành cho khách du lịch. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhận thấy tiềm năng to lớn của bộ môn này dành cho khách du lịch nên đã quyết định đầu tư bài bản cho sản phẩm du lịch khám phá hang động theo hình thức mạo hiểm.

Ban đầu sản phẩm rất kén khách, chủ yếu khách nước ngoài và rất hiếm khách Việt. Oxalis đã kết hợp với các nhiếp ảnh gia để chụp những bộ ảnh đẹp và tiếp cận các tờ báo lớn trên thế giới để đăng bài. Với tính chất là sản phẩm mới lạ, ông đã tiếp cận đến báo chí, truyền hình và cả điện ảnh quốc tế để quảng bá. Bên cạnh đó, đơn vị đã xây dựng nền tảng số để tiếp cận trực tiếp đến du khách bán hàng mà không thông qua đối tác trung gian, ông Châu Á nói thêm.

Ông Lê Lưu Dũng, nhà sáng lập của Jungle Boss Tours cho rằng mỗi đơn vị sẽ có các chiến lược riêng cho mình. Cụ thể, để tạo lợi thế cạnh tranh, đơn vị của ông tập trung vào những sản phẩm mang tính thương hiệu như đưa bộ môn đu dây vào thám hiểm hang động và sau này là các hoạt động chinh phục các siêu thác nước ở Việt Nam một cách bài bản, đúng quy định của nhà nước.

Tìm vốn đầu tư nhân lực chất lượng cao

Theo ông Dũng, trong nhiều năm qua, doanh nghiệp đã bỏ ra không ít chi phí đầu tư vào việc phát triển sản phẩm mới, đào tạo nhân lực cũng như trang bị thêm thiết bị an toàn liên quan đến du lịch mạo hiểm.

Ông cho rằng việc đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào ở thời điểm hiện tại cũng sẽ gặp khó khăn và phải cân nhắc kỹ. Tuy nhiên, du lịch mạo hiểm sẽ có những lợi thế cạnh tranh với việc thực hiện đầu tư theo từng giai đoạn, cùng việc áp dụng các mô hình mới dựa trên ý tưởng mang tính mạo hiểm mà không phải chi trả quá nhiều vào cơ sở hạ tầng.

Hiện nay Jungle Boss đang trong tiến độ hợp tác với một số nhà đầu tư để phát triển mở rộng sản phẩm. Tuy nhiên, việc lựa chọn các nhà đầu tư có chung tầm nhìn sẽ được công ty ưu tiên để đảm bảo đi đường dài cũng như định hướng theo đúng giá trị mà công ty xây dựng.

Những bộ môn mạo hiểm phối hợp tại điểm đến thám hiểm. Ảnh: Jungle Boss Tours

“Nếu có nguồn vốn dồi dào, tôi sẽ tập trung vào việc phát triển các sản phẩm, áp dụng những mô hình trải nghiệm mạo hiểm mới cho các sản phẩm hiện có, tập trung vào việc đào tạo, chiêu mộ nhân lực cũng như đẩy mạnh truyền thông”, ông nhấn mạnh.

Hiện tại việc đầu tư chủ yếu dựa vào dòng tiền của doanh nghiệp. Ông cho rằng tiếp cận được các quỹ đầu tư ưu tiên cho các hoạt động du lịch phát triển bền vững, du lịch sinh thái gắn liền với cộng đồng địa phương sẽ là hướng tiếp cận hợp lý đối với công ty ở thời điểm hiện tại. Ngoài ra, chính quyền địa phương nên có cơ chế phát triển các quỹ đầu tư hoặc các chương trình huy động vốn ưu tiên cho lĩnh vực du lịch xanh, ông nói thêm.

Vừa qua, công ty Tổ Ong Adventure cũng vừa tham gia gọi vốn thành công trên chương trình Shark Tank Việt Nam với mức đầu tư 5 tỉ đồng cho 8% cổ phần. Chị Võ Thị Ngọc Thảo đồng sáng lập và CEO của doanh nghiệp tiết lộ để đi đến quyết định gọi vốn, chị cùng cộng sự phải xác định sản phẩm của mình cần rõ ràng.

Đồng thời công ty chứng minh được khả năng vận hành khai thác du lịch mạo hiểm từ sự chủ động nguồn nhân lực địa phương, đảm bảo chất lượng chuyến đi, độ an toàn, tính bền vững với môi trường, cam kết người hướng dẫn có chuyên môn…

Về bức tranh tài chính, vốn điều lệ và thực góp của công ty là 2,2 tỉ đồng, hiện không vay nợ. Doanh thu năm 2023 là 89 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 12%. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2024 là 36 tỉ đồng. Chị Thảo cho rằng quá trình gọi vốn không khó nhưng chịu áp lực lớn vì phải chứng minh sản phẩm có thể tồn tại trên thị trường đang có nhiều sự cạnh tranh từ các đơn vị làm tour quy mô vừa và nhỏ. Hiện nay, lượng khách đến với đơn vị chiếm 90% là khách nội địa, khách lẻ, còn lại là khách nước ngoài.

“Tiềm năng còn rất lớn với tệp khách quốc tế thích khám phá, mạo hiểm khi đến Việt Nam. Số vốn này trước hết công ty sẽ dùng để đầu tư nâng cao chất lượng tại các bãi trại, nâng cấp dịch vụ để thu hút khách có mức chi cao hơn”, chị nói.

Mỗi chuyến đi trekking đều có tiêu chí đánh giá phù hợp với khả năng từng người. Ảnh: Tổ Ong Adventure

Ngoài ra, việc đầu tư chất lượng nhân sự nội bộ và nguồn nhân lực là hướng dẫn viên tại địa phương cũng rất quan trọng. Điều này góp phần tăng hiệu ứng truyền thông, quảng cáo sản phẩm du lịch tại địa phương để khi du khách đến cũng có thêm nhiều sự lựa chọn giữ chân họ.

Hiện tại, chị Thảo cùng đội ngũ đang đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra các gói du lịch tiết kiệm phù hợp với mức chi tiêu có xu hướng giảm của khách hàng. Bên cạnh đó, Tổ Ong Adventure cũng mở rộng tệp khách hướng đến khách gia đình, khách doanh nghiệp, hội nhóm hoạt động trong công ty với danh mục hơn 40 cung đường trải dài khắp các tỉnh thành ở Việt Nam, trong đó có 18 cung đường khai thác thương mại hàng tuần.

Hoàng An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối